Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2008

Sự thâm nhập của từ địa phương miền Nam vào tiếng Việt toàn dân giai đoạn 1945–1975

(Qua tư liệu văn học đối chiếu với từ điển)
• Nguyễn Tài Thái – Phạm Văn Hảo
1. Vấn đề
Trong sự phát triển của hệ thống từ vựng một ngôn ngữ, vốn từ phương ngữ đóng một vai trò khá quan trọng trong việc bổ sung từ mới và khái niệm mới. Đây dường như là một quy luật tất yếu được quy định bởi rất nhiều nhân tố. Bài viết này sẽ tìm hiểu sự thâm nhập của từ địa phương miền Nam vào tiếng Việt toàn dân giai đoạn 1945–1975 qua một số tác phẩm văn học có đối chiếu với tư liệu từ điển để phần nào thấy được sự phát triển cũng như vai trò của tiếng miền Nam trong vốn từ tiếng Việt.

Chúng ta đều biết, xã hội Việt Nam giai đoạn 1945–1975 có rất nhiều biến động, đầu tiên đó là sự kiện thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tháng 9 năm 1945, tiếp theo là cuộc kháng chiến diễn ra trên khắp miền Nam chống Pháp trong 9 năm, rồi đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và cuối cùng là sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Chính điều kiện xã hội có nhiều biến động như vậy đã ảnh hưởng không chỉ đối với đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ. Có thể thấy, cả giai đoạn này nền văn học chiến đấu Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ và từ địa phương miền Nam cũng được dùng trong các tác phẩm văn học khá nhiều. Đây chính là cơ sở để từ địa phương miền Nam tham gia vào hệ thống của từ phổ thông, bổ sung những từ mới và khái niệm mới, mặt khác, mở rộng phạm vi khả năng hoạt động và làm phong phú thêm vốn từ tiếng Việt.
Sự thâm nhập của từ địa phương miền Nam vào tiếng Việt toàn dân được hiểu là sự đi vào hệ thống, chiếm lĩnh một vị trí nhất định nào đó trong hệ thống, tức là bổ sung và làm giàu thêm cho vốn từ vựng tiếng Việt. Quá trình này diễn ra liên tục và tương đối phức tạp bởi lẽ không phải tất cả từ địa phương miền Nam đều có khả năng thâm nhập vào vốn từ toàn dân mà chúng thường có sự phân chia thành các lớp lang khác nhau. Và với mỗi lớp từ như vậy chúng lại có vai trò và vị trí khác nhau.
2. Phương pháp và kết quả nghiên cứu
2.1. Tư liệu chúng tôi sử dụng là các tác phẩm văn học đã được xuất bản trong giai đoạn 1945–1975 viết về đề tài miền Nam do một số tác giả miền Nam viết. Mỗi từ thống kê một lần, không tính đến số lần chúng được lặp lại (đối với cả các tác giả và tác phẩm khác nhau). Rất có thể các từ địa phương được thống kê ở đây cũng sẽ gặp trong một số tác phẩm của các tác giả ở các vùng khác nhau. Để có cách nhìn khách quan, chúng tôi đã đối chiếu những từ thu thập được với "Từ điển đối chiếu từ địa phương" (Nxb Giáo Dục, 1999) do Nguyễn Như Ý chủ biên để xem từ địa phương đó có phải là từ miền Nam hay không (vì đây là quyển từ điển duy nhất chú rõ vùng). Khi chọn tư liệu, chúng tôi tập trung chủ yếu khảo sát mảng văn xuôi (truyện ngắn và truyện vừa) với hi vọng có thể khảo sát được ở nhiều đề tài của các tác giả khác nhau.
2.2. Qua khảo sát 25 truyện ngắn, 1 truyện vừa (xem phần trích dẫn tư liệu) với tổng số là 2302 trang, chúng tôi thu thập được 403 từ địa phương miền Nam. Tuy nhiên, nếu số trang tư liệu thống kê càng nhiều thì tỉ lệ từ địa phương thu thập được so với số trang sẽ giảm xuống vì có nhiều từ địa phương được lặp lại. Trong số 403 từ địa phương được thu thập, có 56 từ chỉ các hoạt động của chiến tranh mới được dùng trong giai đoạn này. Ví dụ: chống càn, ruồng bố, càn, bưng biền,... 49 từ không có từ tương đương trong tiếng phổ thông, chỉ các đồ vật và sản vật ở miền Nam. Ví dụ: trâm bầu, bình bát, xuồng ba lá, tam bản, khăn rằn, phảng, chùm ruột, lục bình,... 87 từ là biến thể ngữ âm. Ví dụ: chánh trị, bữa hổm, gởi, tánh mạng, sanh, tợ, suôi gia, nói trổng, ngưng, thâu, ngoải, nhểu,... 221 từ là các biến thể từ vựng khác. Ví dụ: dưa leo, hớt tóc, đổ thừa, ớt hiểm, nước miếng, sình, rầy, trái cây, chết xỉu, bông trang, nói dóc, ở trần, tiệm,... Hầu hết những từ địa phương này đều được thu thập trong "Từ điển đối chiếu tiếng địa phương" và có tần số xuất hiện tương đối nhiều (thường không dưới 3 lần). Chúng không chỉ xuất hiện trong lời đối thoại của các nhân vật mà còn xuất hiện nhiều trong lời dẫn truyện của tác giả và rất tự nhiên, khiến người đọc không có cảm giác bị tắc nghẽn khi gặp những cách nói mang tính địa phương.
3. Sự thâm nhập của từ địa phương miền Nam vào hệ thống từ phổ thông giai đoạn 1945–1975
Sự thâm nhập của từ địa phương vào ngôn ngữ chung bao giờ cũng là một quá trình tương đối dài và phức tạp. Có khi để có thể chiếm được vị trí trong hệ thống, từ địa phương phải trải qua quá trình "đấu tranh giành vị trí" với từ phổ thông. Một từ địa phương muốn bước ra khỏi hệ thống của nó để nhập vào hệ thống từ toàn dân được dùng phổ biến thì:

- Trước hết đó phải là những từ có tính phổ biến cao, gần gũi với đời sống xã hội của người dân trong cả nước và chúng thường có sức sống mạnh mẽ, hoặc;

– Đó là những từ chỉ các khái niệm chưa có trong tiếng phổ thông, được tiếng Việt toàn dân thu thập để bổ sung khái niệm mới.

Như vậy, chúng ta thấy rằng điều kiện để một từ địa phương thâm nhập vào vốn từ toàn dân trước hết và cơ bản chính ở là khả năng và sức sống của chúng. Điều này hoàn toàn khác với việc từ địa phương được sử dụng trong đời sống xã hội bởi lẽ có rất nhiều từ địa phương mặc dù vẫn được sử dụng nhưng không thể tham gia được vào hệ thống từ toàn dân do trong ngôn ngữ toàn dân đã có từ tương đương để diễn đạt, và những từ này có ưu thế hơn những từ địa phương. Nghĩa là, ở đây có thể có từ được dùng nhiều, được nhiều người biết đến, nhưng chưa chắc đã đi vào hệ thống vốn từ vựng chung. Ngược lại, có từ ít được dùng, ít được người dân cả nước biết đến nhưng chúng vẫn có thể là đơn vị của hệ thống từ vựng chung.

3.1. Đặc trưng ngôn ngữ giai đoạn 1945–1975
Đặc điểm và tính chất của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ ở miền Nam trong suốt giai đoạn 1945–1975 đã có những ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn học Việt Nam, đặc biệt là đối với những tác giả là người miền Nam. Nhiều tác phẩm văn học đã lấy đề tài chiến đấu ở miền Nam để phản ánh, trong đó từ địa phương miền Nam được sử dụng và có vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện tính cách cũng như đặc điểm vùng đất và con người miền Nam. Đây là một điều kiện tốt để tiếng địa phương miền Nam góp phần làm phong phú thêm vốn từ của ngôn ngữ toàn dân.

Có thể nói, không khí của cuộc chiến tranh đã bao trùm lên hầu hết các tác phẩm văn học giai đoạn 1945–1975, đó là nền văn học kháng chiến được đặc trưng bởi văn học viết. Chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên khi trong văn học ở miền Nam giai đoạn này lại sử dụng rất nhiều từ liên quan đến các hoạt động của chiến tranh: chém vè, dậm cù, ém, bưng biền, đồng khởi, ác ôn, phá banh, bá đỏ, ngựa trời, mũ tai bèo, ruồng, bố, chống càn.... Đây là những từ địa phương đặc trưng phản ánh về cuộc sống cũng như không khí chiến đấu sôi sục của nhân dân miền Nam, quyết tâm chiến đấu với kẻ thù (còn cái lai quần cũng đánh). Có thể nói chưa bao giờ trong văn học lại sử dụng nhiều từ liên quan đến chiến tranh như thế và cũng chưa bao giờ tiếng địa phương miền Nam lại trở nên thân thiết và gắn bó với đông đảo quần chúng đến như vậy. Chính cái đặc sắc và nét riêng biệt đó đã tạo cho tiếng địa phương miền Nam có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ nghệ thuật, góp phần đắc lực vào việc cá tính hoá cũng như tô đậm màu sắc địa phương. Về vai trò và vị trí của tiếng địa phương miền Nam trong văn học đã có nhiều nhà nghiên cứu trước đây đề cập đến [6:251–266], [16:95]. Tuy nhiên việc chúng "đi vào" vào hệ thống của ngôn ngữ toàn dân như thế nào thì lại có rất ít người quan tâm.

3.2. Sự thâm nhập của từ địa phương miền Nam giai đoạn 1945–1975
Có thể khẳng định rằng, văn học là một phương thức để tái hiện cuộc sống. Chính văn học đã dựa trên những đặc điểm thực tế cuộc sống để khái quát và phản ánh cuộc sống dưới con mắt nghệ thuật của nhà văn; làm cho cuộc sống trở nên sinh động và gần gũi hơn trên các trang sách. Để có được giá trị đó, việc sử dụng từ địa phương có một vai trò không nhỏ. Đây là nguồn bổ sung quan trọng và làm phong phú thêm vốn từ vựng của ngôn ngữ toàn dân.

Như đã đề cập, trong các tác phẩm văn học ở miền Nam giai đoạn 1945–1975 từ địa phương được dùng tương đối nhiều với các lớp lang có đặc điểm và giá trị khác nhau. Trong đó có những lớp rất dễ dàng thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân nhưng lại cũng có những lớp không thể thâm nhập được bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết có thể thấy những từ địa phương mới xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Mĩ sẽ dễ dàng được thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân. Những bá đỏ, ngựa trời, mũ tai bèo, chém vè, phá banh, bố, ác ôn, đồng khởi, bưng biền... sẽ rất dễ dàng trở thành ngôn ngữ toàn dân bởi tính mới mẻ và sinh động của chúng, phản ánh đúng hoàn cảnh chiến đấu của nhân dân miền Nam: "Bữa đó ảnh bắn cây bá đỏ, tả xông hữu đột với mấy con trực thăng cá nhái, giải thoát cho hành khách" (Anh Đức, Xôn xao đồng nước, tr. 127) hay "Hỏi ra mới biêt hôm đó nghe tin giắc bố ngoài sông, chị mướn xuồng chở ít dưa sang cầu lộ bán, tiện dịp thăm dò tình hình giặc ngoài đó ra sao" (Nguyễn Thi, Người mẹ anh hùng, tr. 6)... Chúng tôi đã so sánh những từ kiểu này với các từ điển xuất bản trước 1945 thì thấy chúng không hoặc rất ít xuất hiện. Trong từ điển Văn Tân, hầu hết chúng đều đã được thu thập. Những từ này khi xuất hiện trong ngôn ngữ toàn dân mặc dù vẫn còn mang tính địa phương nhưng việc từ điển bắt đầu thu thập chúng đã cho thấy được vai trò và vị trí của chúng trong ngôn ngữ toàn dân.

Đối với những từ địa phương chỉ các sản vật, đồ vật có ở miền Nam cũng sẽ được chấp nhận trong hệ thống của vốn từ vựng phổ thông bởi chúng có khả năng "lấp ô trống" trong ngôn ngữ toàn dân, tạo ra những từ mới và khái niệm mới. Có thể nói, đây là những từ địa phương có khả năng thâm nhập mạnh nhất vào ngôn ngữ toàn dân. Những từ kiểu như chôm chôm, chùm ruột, bình bát, lục bình, trâm bầu, tràm, đước, mù u, dừa nước, xuồng ba lá, ... chắc chắn không thể thay thế bởi một từ nào khác trong ngôn ngữ toàn dân. Thực tế trong ngôn ngữ toàn dân, những khái niệm như vậy không thể giải thích bằng những từ tương đương kiểu mãng cầu – na, lê ki ma – trứng gà ... mà phải có sự giải thích cụ thể. Chúng ta không thể tìm thấy một từ tương đương nào trong tiếng Việt phổ thông ngắn gọn và đầy đủ hơn từ "chôm chôm" vốn có nguồn gốc từ miền Nam để chỉ khái niệm: "Loài cây có quả như quả vải nhưng vỏ quả có nhiều gai mềm và dài" (TĐVT) . Để chỉ khái niệm: "Loài cây thuộc họ na, quả không có múi rõ ở ngoài mặt như quả na, ăn được" (TĐVT) không có từ nào cô đọng và đúng hơn từ "bình bát" vốn cũng xuất phát từ miền Nam... Như vậy, khi những sự vật này xuất hiện và phổ biến rộng rãi trong đời sống của nhân dân cả nước thì đồng thời những từ chỉ các sự vật đó cũng thâm nhập luôn vào hệ thống của từ phổ thông và được đối xử như những từ phổ thông thực thụ. Có thể xem đây là những từ chỉ còn gốc địa phương, còn về mặt phạm vi và chức năng giao tiếp chúng hoàn toàn giống như những từ phổ thông khác.

Ngoài ra, một số từ địa phương mặc dù vẫn có thể có từ toàn dân tương ứng nhưng trong thực tế đời sống cả hai biến thể này vẫn song song tồn tại, nhiều khi từ địa phương còn lấn át cả từ toàn dân bởi tính ngắn gọn và ấn tượng của chúng. Đó được xem là những từ địa phương có sức sống mạnh mẽ và có khả năng thâm nhập vào từ toàn dân khi chúng được người dân cả nước ưa dùng. Chúng ta đều biết, bồ (Đang nghĩ ngợi miên man, gã thanh niên đã đến sát bên Chín cất lên giọng khàn khàn: - Thưa tiểu thư, hẳn tiểu thư đang chờ bồ (người yêu)? (Bên những dòng sông, tr. 54)) là một từ địa phương miền Nam chỉ người yêu hoặc nhân tình nhưng rất khó để thay thế bồ bằng nhân tình hoặc người yêu (không thể/ hoặc rất ít gặp cách nói cặp nhân tình/ cặp người yêu). Mặt khác, có lẽ vì bồ có sức gợi cảm và ấn tượng hơn nên nó dễ dàng được chấp nhận trong vốn từ toàn dân và được sử dụng rộng rãi khiến cho không ai nghĩ đó là từ địa phương miền Nam nữa.

Từ rùm beng trong tiếng miền Nam có nghĩa gần giống với từ ầm ở miền Bắc. Tuy nhiên, rùm beng không thể hoàn toàn thay thế cho ầm bởi sắc thái gợi cảm riêng của nó, vì thế rùm beng của tiếng miền Nam vẫn được sử dụng trong tiếng Việt bên cạnh sự tồn tại của ầm trong tiếng miền Bắc. Chính cái "sức sống mạnh mẽ" của rùm beng mà chúng đã được sử dụng rộng rãi không chỉ riêng ở miền Nam mà còn ở miền Bắc. Chúng tôi vẫn thấy các tác giả miền Bắc sử dụng rất tự nhiên từ rùm beng. Ví dụ: Trong khi đem nó đi huấn luyện tình báo, bọn phòng nhì tổ chức ma chay rùm beng cho nó ở Hải Phòng như chúng ta đã biết (Văn Phan, Nhóm rắn lục, tr. 154) hoặc "Mẹ nó cái thằng Pháp trước đây thuốc lá của ta trồng, người mình lại chế biến ra, nó in mẹ nó cái thứ Făng xe vào đi tuyên truyền rùm beng thế mà thế giới cũng khen nức khen nở (Hương mới, Tập truyện ngắn, tr. 51)... Ngay trong từ điển Văn Tân, rùm beng cũng không được chú địa phương, chứng tỏ từ này đã bước ra khỏi hệ thống của từ địa phương và được dùng như từ toàn dân.

Cũng tương tự như vậy, các từ nhậu, xỉn, quậy trong tiếng miền Nam vẫn được xem là có nghĩa tương đương với ăn uống, say, phá phách trong tiếng Việt phổ thông. Tuy nhiên sự có mặt của các từ này dường như là sinh động và ấn tượng hơn cái bản chất được thể hiện trong ngôn ngữ toàn dân. Chúng ta có thể thấy rõ sự khác nhau ở mức độ biểu đạt giữa xỉn và say. Xỉn cũng nói về say rượu nhưng với mức độ cao hơn. Trên thực tế, những cách nói của nhậu, xỉn, quậy gặp phổ biến hơn là những cách nói ăn uống, say, phá phách bởi tính chất và xu hướng của người sử dụng, thích sử dụng những từ mới có sắc thái biểu thị tình thái cao và đặc biệt là dễ gây ấn tượng. Do đó, xét về mặt lí thuyết cũng như thực tiễn, những từ này cũng dễ dàng thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân.

Bên cạnh những từ địa phương có thể thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân thì cũng có rất nhiều từ địa phương không thể ra nhập vào hệ thống này được mặc dù chúng vẫn được sử dụng trong đời sống xã hội, trong văn học và được thu thập trong từ điển. Có thể thấy những từ thuộc loại này như chén (bát), mền (chăn), nón (mũ),... đó là cách chuyển tên gọi của một sự vật này sang tên gọi một sự vật khác, do đó rất dễ gây ra sự lầm lẫn về khái niệm đối với những người dân không thuộc khu vực này. Lớp thứ hai đó là những từ kiểu ba, tía (bố), má (mẹ),... chắc chắn sẽ không thể thay thế cho các từ toàn dân tương đương với chúng được bởi đây là những từ được vay mượn về sau từ tiếng Triều Châu (Trung Quốc). Những từ này chỉ là cách gọi phương ngữ. Trong từ điển Việt- Bồ- La của Alexan de Rhodes những từ này chưa thấy xuất hiện. Ngoài ra lớp từ vay mượn của tiếng Khơ me như cà rá (nhẫn), om, ơ (nồi nhỏ để kho cá), ên (một mình),... cũng không thể đi vào thứ ngôn ngữ chung được bởi chúng chỉ quen thuộc với một khu vực người Khơ me và rất khó có cơ hội để được dùng rộng rãi. Trong các cụm từ cố định, những từ kiểu như trên rất khó có thể thay thế cho các từ toàn dân. Chúng ta không thấy nói chén ăn chén để (bát ăn bát để), mền ấm đệm êm (chăn ấm đệm êm), năm ba ba má (năm cha ba mẹ)... Sở dĩ như vậy vì khả năng bao quát về đặc điểm ý nghĩa cũng như sắc thái sử dụng của những từ địa phương này so với từ toàn dân không cao.

Trong Từ điển tiếng Việt của Hội Khai trí Tiến Đức (1931), chúng tôi tìm được 124 từ trùng với những từ địa phương được thu thập. Điểm đáng lưu ý là những từ chỉ các hoạt động chiến tranh như đã phân tích không thấy xuất hiện trong từ điển này.

Trong Từ điển tiếng Việt phổ thông của Văn Tân (1968), chúng tôi tìm được 203 từ trùng với các từ địa phương thu thập trong văn học. Trong số đó có 131 từ không được chú địa phương, điều đó có nghĩa là chúng đã được nhập vào hệ thống của từ toàn dân, có phạm vi và chức năng giao tiếp giống như từ toàn dân. Các từ đặc trưng của giai đoạn chỉ các hoạt động chiến tranh hầu hết đều được thu thập.

Những con số thống kê trên cho chúng ta thấy được một thực tế là đã có sự thay đổi về xu hướng sử dụng cũng như về phạm vi và chức năng giao tiếp của từ địa phương ở giai đoạn trước 1945 so với giai đoạn từ 1945 đến 1975. Do tính chất và đặc điểm hoàn cảnh xã hội, nhiều từ trước đây chưa được dùng hoặc chỉ được xem là từ địa phương nhưng về sau chúng đã được sử dụng và có phạm vi giao tiếp giống từ phổ thông. Việc các từ điển không chú sắc thái địa phương cho những từ kiểu này chứng tỏ rằng chúng đã thâm nhập vào trong hệ thống của từ phổ thông. Xét về mặt lí thuyết, chúng là những từ chỉ còn "gốc địa phương". Và như thế, "cái gốc" phương ngữ chỉ là sở cứ cho sự nghiên cứu văn hoá miền mà thôi. Ví dụ: Tôi bước vô trong hầm thì bàn tu lơ khơ cũng vừa ngưng (Thuỷ Thủ, Ba ngày trên vành đai diệt Mĩ, tr. 100); Một chiếc M.133 bất thần chạy rồ ngang. Tôi bị kẹt trong nhà, không ra được (Anh Đức, Truyện của một người cùng quê, tr. 165); Bây giờ người ta được đi học y tá, mai mốt lên y tướng, nên cái gì người ta cũng rành (Nguyễn Thi, Những sự tích ở đất thép, tr. 18)...

3.3. Những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình thâm nhập của từ địa phương vào tiếng Việt toàn dân.
Chúng ta đều biết, việc thâm nhập của hệ thống từ địa phương vào hệ thống từ vựng phổ thông là một quy luật dường như tất yếu của sự phát triển xã hội. Quá trình biến đổi, phát triển và hoàn thiện của từ địa phương là một quá trình diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Tiếng Việt toàn dân là một hệ thống mở, luôn sẵn sàng tiếp nhận những yếu tố mới để làm giàu thêm cho vốn từ của mình đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiếng địa phương miền Nam có thể thâm nhập vào hệ thống của bản thân nó. Tuy nhiên, việc phá vỡ ranh giới của từ địa phương để trở thành từ phổ thông là một quá trình rất lâu dài và không dễ dàng, bị chi phối bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm cả nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài ngôn ngữ. Nguyên nhân bên trong là bản thân sự phát triển của hệ thống từ vựng phương ngữ. Ngôn ngữ cũng như phương ngữ, biến đổi, phát triển trong một trạng thái luôn đạt tới sự "hoàn thiện tương đối". Từ địa phương cũng giống như từ toàn dân, là phương tiện giao tiếp, chỉ khác là ở một phạm vi hẹp hơn. Tuy nhiên khi có điều kiện, chúng được mở rộng phạm vi sử dụng và như vậy vị trí của nó so với ngôn ngữ toàn dân sẽ khác hơn rất nhiều.

Những nguyên nhân bên ngoài ngôn ngữ như các nhân tố xã hội, văn hoá, phong tục tập quán và thói quen sử dụng cũng có những ảnh hưởng rất lớn tới quá trình thâm nhập của từ địa phương. Thực tế cho thấy, ở những năm đầu thế kỉ 20, do chính sách nô dịch văn hoá và chính sách chia để trị của thực dân Pháp, chúng hạn chế gắt gao sự đi lại, giao lưu văn hoá giữa hai miền Nam Bắc, các phương tiện truyền thông cũng chưa phát triển như sau này; vì thế các từ địa phương miền Nam rất hiếm có cơ hội để phổ biến ra miền Bắc. Từ năm 1945, đất nước độc lập, và sau đó dù vẫn còn hai chế độ nhưng điều kiện kháng chiến đã mở rộng, việc giao lưu văn hoá giữa hai miền đã tạo nhiều thuận lợi cho địa phương miền Nam vượt ra khỏi lãnh thổ vùng và trở thành "tài sản" chung của toàn xã hội.

Một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc giúp từ địa phương miền Nam thâm nhập vào vốn từ toàn dân đó là do nhu cầu cũng như "gu" của người sử dụng. Sở dĩ việc ngày càng có nhiều từ địa phương miền Nam được xuất hiện trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày là do tâm lí nhiều người thích sử dụng chúng. Hiện nay những cách nói xì lì thay cho mừng tuổi, nhậu thay cho ăn uống, (hàng) nhái cùng dùng với (hàng) giả, xịn thay hoặc bổ sung "đất sống" cho tốt, bồ thay cho nhân tình, quậy thay cho phá phách, chôm chỉa thay cho ăn cắp vặt, kẹt thay cho vướng mắc, tắc nghẽn... gặp rất phổ biến ngay cả đối với người miền Bắc. Sở dĩ như vậy vì đây là những cách nói mới, gây ấn tượng và đặc biệt là có sắc thái gợi cảm cao. Chính vì thế chúng dễ dàng đi vào trong đời sống, được đông đảo quần chúng chấp nhận. Đây là một điều kiện tốt để từ địa phương miền Nam đi vào ngôn ngữ toàn dân, chiếm lĩnh vị trí trong hệ thống của vốn từ tiếng Việt. Những từ nào có khả năng lấp ô trống trong vốn từ phổ thông chúng sẽ dễ dàng được chấp nhận và đưa vào hệ thống. Những từ nằm trong lớp cạnh tranh sẽ được lựa chọn qua thời gian sử dụng.

4. Vài lời kết
Là thứ ngôn ngữ khu vực nhưng được sử dụng rộng rãi với hơn 1/3 dân số cả nước, tiếng miền Nam (phương ngữ Nam Bộ là hạt nhân) được xem là một phương ngữ lớn - nơi có sự phát triển kinh tế năng động, văn hoá phong phú, một "phương ngữ mạnh" và có vai trò đặc biệt đối với tiếng Việt. Có thể thấy, trong giai đoạn 1945–1975, phương ngữ miền Nam đã có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong việc phát triển của ngôn ngữ nói riêng. Đặc điểm của hai cuộc kháng chiến ở miền Nam những năm 1945–1975 đã tạo cho phương ngữ Nam có điều kiện trở nên gần gũi với đồng bào cả nước và có một số lượng khá lớn các từ và khái niệm mới chỉ các hoạt động chiến tranh. Đây là cơ sở để một mảng từ địa phương xuất hiện và nhanh chóng thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân, bổ sung và làm phong phú thêm cho vốn từ tiếng Việt.

Mặc dù còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu nhưng qua tư liệu một số tác phẩm văn học có đối chiếu với từ điển, chúng ta đã phần nào thấy được sự thâm nhập của từ địa phương miền Nam vào ngôn ngữ toàn dân qua một giai đoạn có nhiều biến động của hoàn cảnh xã hội cũng như của ngôn ngữ. Đồng thời, qua đó chúng ta cũng thấy được vị thế của từ địa phương trong mối quan hệ với ngôn ngữ toàn dân: Luôn vận động và mở rộng phạm vi để thâm nhập vào vốn từ toàn dân. Điều đó phản ánh đúng xu thế phát triển của ngôn ngữ nói chung và của phương ngữ nói riêng.

_____________

(*) Khái niệm từ ngữ miền Nam có khác khái niệm từ ngữ Nam Bộ ở chỗ chung hơn và rộng hơn, có thể hình dung như sự phân chia Bắc/Nam trong thời kháng chiến chống Mĩ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, 1998.
Văn Tân (chủ biên). Từ điển Tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, 1968.
Đào Văn Tập (chủ biên). Tự điển Việt Nam phổ thông. Nhà sách Vĩnh Bảo - Sài Gòn, 1951.
Nguyễn Như Ý (chủ biên). Từ điển tiếng địa phương. Nxb Khoa học Xã hội, 1999.
Nguyễn Văn Ái. Từ những thực tế phương ngữ, nhìn về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ). Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
Hoàng Thị Châu. Tiếng Việt trên các miền đất nước (phương ngữ học). Nxb Khoa học Xã hội, 1989.
Hồng Dân. Từ ngữ phương ngôn và vấn đề chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt (trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ). Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
Nguyễn Đức Dương. Mấy nhận xét bước đầu về những khác biệt từ vựng–ngữ nghĩa giữa phương ngữ miền Nam và tiếng Việt toàn dân. Tạp chí Ngôn ngữ số 1/1983.
Phạm Văn Hảo. Bàn thêm một số điểm về việc thu thập và định nghĩa từ địa phương trong "Từ điển tiếng Việt phổ thông tập 1". Tạp chí Ngôn ngữ số 2/1979.
Nguyễn Quang Hồng. Các lớp từ địa phương và chức năng của chúng trong ngôn ngữ văn hoá tiếng Việt (trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ). Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
Nguyễn Tri Niên. Một số ý kiến về những hiện tượng tương ứng từ vựng giữa phương ngữ và ngôn ngữ toàn dân (trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ). Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
Nguyễn Quang. Việc chọn và giải thích từ ngữ miền Nam trong một quyển từ điển tiếng Việt loại phổ thông. Tạp chí Ngôn ngữ số 4/1971.
Trương Văn Sinh. Bàn về việc xử lí từ ngữ địa phương trong khi chuẩn hoá tiếng Việt về mặt từ ngữ (trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ). Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
Trương Văn Sinh, Đặng Ngọc Lệ. Mấy suy nghĩ xung quanh việc thu nạp các yếu tố địa phương trong quá trình chuẩn hoá (trong Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam). Nxb ĐH và THCN, 1981.
Nguyễn Tài Thái. Nhìn lại việc dùng từ địa phương trong văn học Nam Bộ qua một thế kỉ, Ngữ học trẻ 2001: Diễn đàn học tập và nghiên cứu, Hội Ngôn ngữ học, 2001.
Ngô Ngọc Bích Tiên. Nhìn qua việc dùng từ địa phương miền Nam trong một số tác phẩm văn học gần đây (trong Nghiên cứu ngôn ngữ học). Nxb Khoa học Xã hội, 1968.
Nguyễn Quý Trọng. Dùng từ ngữ địa phương trong mối quan hệ với chuẩn từ vựng toàn dân (trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ). Nxb Khoa học Xã hội, 1981.
Một số truyện của các tác giả miền Nam:
Anh Đức:
Thư tháng bảy
Xôn xao đồng nước
Vào mùa nắng
Giấc mơ của ông lao vườn chim
Mùa gió
Trọng
Truyện của một người cùng quê
Những truyện xung quanh một trận càn hình móng ngựa
Nguyễn Thi:
Người mẹ anh hùng
Những sự tích ở đất thép
Trần Hiếu Minh:
Chiến thắng
Đơn vị Gi-rông
Nguyễn Sáng:
Chị đội trưởng
Chị Nhung
Chiếc lược ngà
Một chuyện vui
Quán rượu người câm
Người bạn mới quen
Thuỷ Thủ:
Ba ngày trên vành đai diệt Mĩ
Bá Điệp:
Viếng mộ Võ Thị Sáu
Lê Châu:
Qua những ngày đầu gian khổ
Minh Hồng:
Em đã thắng
Hoài Vũ:
Tiếng sáo trúc
Đường ra tiền tuyến
Đoàn Giỏi:
Đường đi qua làng
Nguyên Ngọc:
Rẻo cao


Khái quát về hệ thống ngữ âm của 3 vùng phương ngữ

Hiện nay, chuẩn ngữ âm chưa được chính thức quy định. Nếu ta lấy hệ thống âm vị tiếng Việt được phản ánh qua chính tả làm chuẩn để khảo sát sự khác nhau của 3 phương ngữ nói trên thì có thể nêu lên những đặc trưng ngữ âm chủ yếu như sau:
1. Những đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Bắc
1.1. Hệ thống thanh điệu
- Số lượng: 6 thanh.

- Khu biệt: đối lập từng đôi một về âm vực và âm điệu.

1.2. Hệ thống phụ âm đầu
- Số lượng: 20 âm vị.

- Trong số 20 âm vị trên, không có những phụ âm ghi trong chính tả là s, r, gi, tr. Tức là không phân biệt giữa: s/x, r/d/gi, tr/ch.

1.3. Hệ thống âm cuối
- Số lượng: Có đủ các âm cuối ghi trong chính tả.

- Có 3 cặp âm cuối nằm trong thế phân bố bổ sung là:

+ [-nh, -ch] đứng sau nguyên âm dòng trước: /i, e, ê/;

+ [-ng, -k] đứng sau nguyên âm dòng giữa (hàng sau không tròn môi – theo cách gọi của GS. Đoàn Thiện Thuật): /ư, ơ, â, a/.

+ [-ngm, kp] đứng sau nguyên âm dòng sau tròn môi: /u, ô, o/.

Trong chính tả, đôi phụ âm thứ 3 này không được thể hiện phân biệt với đôi phụ âm thứ 2, mặc dù chúng được phát âm khác nhau (cặp thứ 2 là các âm cuối mở, còn cặp thứ 3 lại là các âm cuối ngậm môi).

1.4. Phương ngữ Bắc lại có thể được chia thành 3 vùng nhỏ hơn:
- Phương ngữ vòng cung biên giới phía Bắc nước ta.

Phần lớn người Việt ở khu vực này đều mới đến từ các tỉnh đồng bằng có mật độ cao như Thái Bình, Hà Nam Ninh (cũ). Do quá trình cộng cư xảy ra gần đây nên phương ngữ này phát triển theo hướng thống nhất với ngôn ngữ văn học, mang những nét khái quá chung của phương ngữ Bắc, và không chia manh mún thành nhiều thổ ngữ làng xã như phương ngữ Bắc ở các vùng đồng bằng – cái nôi của người Việt cổ.

- Phương ngữ vùng Hà Nội và các tỉnh xung quanh (Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Hà Sơn Bình (Hà Tây, Hoà Bình), Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên), Hải Phòng)

Đây là vùng mang những đặc trưng tiêu biểu của phương ngữ Bắc.

- Phương ngữ miền hạ lưu sông Hồng và ven biển (Thái Bình, Hà Nam Ninh, Quảng Ninh).

Vùng này còn lưu giữ lại cách phát âm khu biệt d với gi,r ; s với x; tr với ch mà các phương ngữ Bắc khác không phân biệt nữa.

2. Những đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Trung
2.1. Hệ thống thanh điệu
Gồm 5 thanh điệu, khác với hệ thống thanh điệu phương ngữ Bắc cả về số lượng lẫn chất lượng.

2.2. Hệ thống phụ âm đầu
- Số lượng: 23 phụ âm.

- Trong số 23 phụ âm trên, hơn phương ngữ Bắc 3 phụ âm uốn lưỡi /ş, z, / (chữ quốc ngữ ghi bằng s, r, tr). Trong nhiều thổ ngữ có 2 phụ âm bật hơi [ph, kh] (giống như chữ viết đã ghi lại) thay cho 2 phụ âm xát /f, χ/ trong phương ngữ Bắc.

2.3. Hệ thống âm cuối
Phụ âm /-ŋ, -k/ có thể kết hợp được với nguyên âm ở cả 3 hàng. Tuy vậy, trong những từ chính trị-xã hội mới xuất hiện gần đây vẫn có các cặp âm cuối [-nh, ch] và [-ngm, kp]

2.4. Phương ngữ Trung cũng có thể chia thành 3 phương ngữ nhỏ hơn
Cơ sở của sự phân chia này là sự khác nhau về thành điệu giữa 3 khu vực.

- Phương ngữ Thanh Hoá

+ Lẫn lộn thanh hỏi với thanh ngã (phát âm không phân biệt).

+ Các thanh còn lại giống với phương ngữ Bắc.

- Phương ngữ vùng Nghệ Tĩnh

+ Không phân biệt thanh ngã với thanh nặng.

+ Cả 5 thanh tạo thành một hệ thống thanh điệu khác với phương ngữ Bắc do có độ trầm lớn hơn.

- Phương ngữ vùng Bình Trị Thiên

+ Không phân biệt thanh hỏi và thanh ngã.

+ Về mặt điệu tính lại giống với thanh điệu Nghệ Tĩnh. Riêng vùng Thừa Thiên-Huế có hệ thống vần và âm cuối giống phương ngữ Nam. Điều này có nguồn gốc lịch sử -xã hội. Vì vậy, do sự pha trộn phương ngữ Trung và phương ngữ Nam trong pưhơng ngữ Thừa Thiên-Huế, nên nó không tiêu biểu cho cả vùng. Tiêu biểu cho phương ngữ Trung là dải phương ngữ từ Nghệ Tĩnh đến sông Bến Hải.

3. Những đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Nam
3.1. Hệ thống thanh điệu
- Số lượng: 5 thanh.

- Thanh ngã với thanh hỏi trùng làm một.

- Xét về mặt điệu tính thì đây là một hệ thống khác với phương ngữ Trung và phương ngữ Bắc.

3.2. Hệ thống phụ âm đầu
- Số lượng: 23 phụ âm.

- Có các phụ âm uốn lưỡi /ş, z, / (chữ viết ghi là s, r, tr). Ở Nam Bộ, có thể phát âm rung lưỡi [r]. So với các phương ngữ khác, phương ngữ Nam thiếu phụ âm /v/, nhưng lại có thêm âm [w] bù lại; không có âm /z/ và được thay thế bằng âm [j].

3.3. Âm đệm /-w-/ đang biến mất dần trong phương ngữ Nam.
3.4. Phương ngữ Nam cũng mất đi nhiều vần so với phương ngữ Bắc và phương ngữ Trung. Và nó cũng thiếu cặp âm cuối /-ŋ, k/. Trong khi đó, cặp âm cuối [-ngm, kp] lại trở thành những âm vị độc lập.

3.5. Phương ngữ Nam có thể chia thành 3 vùng nhỏ hơn
- Vùng phương ngữ Quảng Nam-Quảng Ngãi:

Vùng này khác các nơi khác ở sự biến động đa dạng của âm /a/ và /ă/ trong kết hợp với các âm cuối khác nhau.

- Các phương ngữ Quy Nhơn đến Thuận Hải mang đặc trưng chung nhất của phương ngữ Nam.

- Phương ngữ Nam Bộ đồng nhất các vần:

-in, -it với -inh, -ich

-un, -ut với -ung, -uc

Vùng này cũng có khuynh hướng lẫn lộn s/x và tr/ch như phương ngữ Bắc. Nhưng trong ngôn ngữ thông tin đại chúng, trong các hoạt động văn hoá giáo dục, sự phân biệt các phụ âm này lại được duy trì rất có ý thức.



Khái quát về hệ thống ngữ âm của 3 vùng phương ngữ

Hiện nay, chuẩn ngữ âm chưa được chính thức quy định. Nếu ta lấy hệ thống âm vị tiếng Việt được phản ánh qua chính tả làm chuẩn để khảo sát sự khác nhau của 3 phương ngữ nói trên thì có thể nêu lên những đặc trưng ngữ âm chủ yếu như sau:
1. Những đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Bắc
1.1. Hệ thống thanh điệu
- Số lượng: 6 thanh.

- Khu biệt: đối lập từng đôi một về âm vực và âm điệu.

1.2. Hệ thống phụ âm đầu
- Số lượng: 20 âm vị.

- Trong số 20 âm vị trên, không có những phụ âm ghi trong chính tả là s, r, gi, tr. Tức là không phân biệt giữa: s/x, r/d/gi, tr/ch.

1.3. Hệ thống âm cuối
- Số lượng: Có đủ các âm cuối ghi trong chính tả.

- Có 3 cặp âm cuối nằm trong thế phân bố bổ sung là:

+ [-nh, -ch] đứng sau nguyên âm dòng trước: /i, e, ê/;

+ [-ng, -k] đứng sau nguyên âm dòng giữa (hàng sau không tròn môi – theo cách gọi của GS. Đoàn Thiện Thuật): /ư, ơ, â, a/.

+ [-ngm, kp] đứng sau nguyên âm dòng sau tròn môi: /u, ô, o/.

Trong chính tả, đôi phụ âm thứ 3 này không được thể hiện phân biệt với đôi phụ âm thứ 2, mặc dù chúng được phát âm khác nhau (cặp thứ 2 là các âm cuối mở, còn cặp thứ 3 lại là các âm cuối ngậm môi).

1.4. Phương ngữ Bắc lại có thể được chia thành 3 vùng nhỏ hơn:
- Phương ngữ vòng cung biên giới phía Bắc nước ta.

Phần lớn người Việt ở khu vực này đều mới đến từ các tỉnh đồng bằng có mật độ cao như Thái Bình, Hà Nam Ninh (cũ). Do quá trình cộng cư xảy ra gần đây nên phương ngữ này phát triển theo hướng thống nhất với ngôn ngữ văn học, mang những nét khái quá chung của phương ngữ Bắc, và không chia manh mún thành nhiều thổ ngữ làng xã như phương ngữ Bắc ở các vùng đồng bằng – cái nôi của người Việt cổ.

- Phương ngữ vùng Hà Nội và các tỉnh xung quanh (Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Hà Sơn Bình (Hà Tây, Hoà Bình), Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên), Hải Phòng)

Đây là vùng mang những đặc trưng tiêu biểu của phương ngữ Bắc.

- Phương ngữ miền hạ lưu sông Hồng và ven biển (Thái Bình, Hà Nam Ninh, Quảng Ninh).

Vùng này còn lưu giữ lại cách phát âm khu biệt d với gi,r ; s với x; tr với ch mà các phương ngữ Bắc khác không phân biệt nữa.

2. Những đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Trung
2.1. Hệ thống thanh điệu
Gồm 5 thanh điệu, khác với hệ thống thanh điệu phương ngữ Bắc cả về số lượng lẫn chất lượng.

2.2. Hệ thống phụ âm đầu
- Số lượng: 23 phụ âm.

- Trong số 23 phụ âm trên, hơn phương ngữ Bắc 3 phụ âm uốn lưỡi /ş, z, / (chữ quốc ngữ ghi bằng s, r, tr). Trong nhiều thổ ngữ có 2 phụ âm bật hơi [ph, kh] (giống như chữ viết đã ghi lại) thay cho 2 phụ âm xát /f, χ/ trong phương ngữ Bắc.

2.3. Hệ thống âm cuối
Phụ âm /-ŋ, -k/ có thể kết hợp được với nguyên âm ở cả 3 hàng. Tuy vậy, trong những từ chính trị-xã hội mới xuất hiện gần đây vẫn có các cặp âm cuối [-nh, ch] và [-ngm, kp]

2.4. Phương ngữ Trung cũng có thể chia thành 3 phương ngữ nhỏ hơn
Cơ sở của sự phân chia này là sự khác nhau về thành điệu giữa 3 khu vực.

- Phương ngữ Thanh Hoá

+ Lẫn lộn thanh hỏi với thanh ngã (phát âm không phân biệt).

+ Các thanh còn lại giống với phương ngữ Bắc.

- Phương ngữ vùng Nghệ Tĩnh

+ Không phân biệt thanh ngã với thanh nặng.

+ Cả 5 thanh tạo thành một hệ thống thanh điệu khác với phương ngữ Bắc do có độ trầm lớn hơn.

- Phương ngữ vùng Bình Trị Thiên

+ Không phân biệt thanh hỏi và thanh ngã.

+ Về mặt điệu tính lại giống với thanh điệu Nghệ Tĩnh. Riêng vùng Thừa Thiên-Huế có hệ thống vần và âm cuối giống phương ngữ Nam. Điều này có nguồn gốc lịch sử -xã hội. Vì vậy, do sự pha trộn phương ngữ Trung và phương ngữ Nam trong pưhơng ngữ Thừa Thiên-Huế, nên nó không tiêu biểu cho cả vùng. Tiêu biểu cho phương ngữ Trung là dải phương ngữ từ Nghệ Tĩnh đến sông Bến Hải.

3. Những đặc điểm ngữ âm của phương ngữ Nam
3.1. Hệ thống thanh điệu
- Số lượng: 5 thanh.

- Thanh ngã với thanh hỏi trùng làm một.

- Xét về mặt điệu tính thì đây là một hệ thống khác với phương ngữ Trung và phương ngữ Bắc.

3.2. Hệ thống phụ âm đầu
- Số lượng: 23 phụ âm.

- Có các phụ âm uốn lưỡi /ş, z, / (chữ viết ghi là s, r, tr). Ở Nam Bộ, có thể phát âm rung lưỡi [r]. So với các phương ngữ khác, phương ngữ Nam thiếu phụ âm /v/, nhưng lại có thêm âm [w] bù lại; không có âm /z/ và được thay thế bằng âm [j].

3.3. Âm đệm /-w-/ đang biến mất dần trong phương ngữ Nam.
3.4. Phương ngữ Nam cũng mất đi nhiều vần so với phương ngữ Bắc và phương ngữ Trung. Và nó cũng thiếu cặp âm cuối /-ŋ, k/. Trong khi đó, cặp âm cuối [-ngm, kp] lại trở thành những âm vị độc lập.

3.5. Phương ngữ Nam có thể chia thành 3 vùng nhỏ hơn
- Vùng phương ngữ Quảng Nam-Quảng Ngãi:

Vùng này khác các nơi khác ở sự biến động đa dạng của âm /a/ và /ă/ trong kết hợp với các âm cuối khác nhau.

- Các phương ngữ Quy Nhơn đến Thuận Hải mang đặc trưng chung nhất của phương ngữ Nam.

- Phương ngữ Nam Bộ đồng nhất các vần:

-in, -it với -inh, -ich

-un, -ut với -ung, -uc

Vùng này cũng có khuynh hướng lẫn lộn s/x và tr/ch như phương ngữ Bắc. Nhưng trong ngôn ngữ thông tin đại chúng, trong các hoạt động văn hoá giáo dục, sự phân biệt các phụ âm này lại được duy trì rất có ý thức.

Không có nhận xét nào: