Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2008

Tổng hợp các bài viết về Nghề Báo

Điều "cần có" của người dịch thuật

[07/10/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]



Có một nhà văn nói với tôi: - Cuốn tiểu thuyết X của một tác giả người Trung Quốc, đã được hai người Việt dịch thuật, và đã xuất bản cách nhau một vài năm, tôi đã đọc cả hai bản dịch ấy, thấy có một điều rất rõ ràng rằng, bản in sau của một nhà văn dịch, có gọn ghẽ, mạch lạc, và hay hơn hẳn bản dịch của người làm phiên dịch dịch, xuất bản trước đó.

Tôi nói đùa:
- Chính vì thế mà nhà xuất bản người ta mới chịu bỏ tiền ra thuê người dịch lại!

Một lát sau tôi nói lại:
- Nói như ông cũng có phần đúng, bởi nhà văn đã quen với cách lựa chọn chữ nghĩa, và "chuyên dùng" từ ngữ rồi, nên cách hành văn của họ cũng suôn sẻ hơn, câu văn của họ cũng mạch lạc, thông thuận hơn... nhưng nói như ông, có thể là chưa hoàn toàn đúng, tôi e rằng, những nhà phiên dịch, dịch tiểu thuyết người ta sẽ nổi đóa lên mất. Nếu như những người chuyên nghề phiên dịch ấy, người ta có trình độ văn học, có kiến thức xã hội đủ dùng, hoặc phong phú, rộng lớn, lại có trình độ vững vàng về ngoại ngữ thì bản dịch của người ta, tôi chắc chắn hay hơn, đúng hơn hẳn những nhà văn có kiến thức "hẹp hòi" và trình độ Trung văn "hạn chế". Cái tiêu chuẩn "nhà văn" cũng chỉ có tác dụng phần nào đó thôi, chứ chưa là cái "đinh gỉ" gì đâu nhé! Cho nên theo tôi, muốn có được một bản dịch hay, một bản dịch đúng, đặc biệt một bản dịch "phơi bày" được cái cốt cách, cốt lõi của tác giả, thì cần phải có những điều kiện tiêu chuẩn khác, bởi tôi thường gặp, những câu, những chữ, cũng như ở Việt Nam ta thôi, tác giả đó, "viết vậy mà không phải vậy", mình phải "moi ra" những ẩn ý, những "câu nói thứ hai", đằng sau những câu nói thứ nhất trần trần ra đó. Song lại không được phép "phơi bày", "câu thứ hai" thành câu thứ nhất mà vẫn phải để nó nằm ẩn sau "câu thứ nhất" trong bản dịch của mình vậy.

- Vậy theo ông, đó là những điều kiện, tiêu chuẩn nào? – Nhà văn bạn tôi hỏi.
- Tôi đã từng "hân hạnh" được mấy nhà báo trẻ, chả biết bị ai xui, đến phỏng vấn tôi, đúng những điều ông vừa hỏi. Và tôi đã trả lời như thế này: Điều kiện "cần và đủ" cho một người dịch sách văn học, nếu nói thật ngắn, thật gọn, thì nó nằm trong hai chữ: "Nhuần nhuyễn". Nhuần nhuyễn "tiếng" của người ta, và nhuần nhuyễn "tiếng" của mẹ đẻ mình. Nhuần nhuyễn tiếng của người ta giúp mình hiểu biết được mọi ngữ nghĩa, mọi góc cạnh, mọi "ý mờ" "ý tỏ" của mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn, thậm chí trong cả tên riêng của nhân vật, mà tác giả người ta dùng, còn nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ giúp mình chọn được chữ đúng nghĩa, từ ngữ hay, trúng ý, sát nghĩa của tác giả, bởi trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Trung Quốc, vẫn chỉ là một chữ, một cách viết, nhưng lại mang nhiều nghĩa khác nhau. Mỗi bên, tôi chỉ xin đưa ra một chữ làm ví dụ: Chữ "Can" ở Việt Nam chẳng hạn, nó có nghĩa trong thiên can, địa can, can gián, can đảm, can qua, can án, can vải, thậm chí cả những nghĩa phiên âm từ tiếng Pháp như can si, can bản đồ, can đựng nước, cầm cây can, vân vân, hay một chữ "đả" của Trung Quốc chẳng hạn, nó có rất nhiều nghĩa khác nhau, thí dụ như đánh (ẩu đả, đả đảo), kiện cáo, đan (len), kể từ đó, đi mua (rượu, nước mắm...), đánh bắt (cá, chim...), gạt thành (phái hữu, địa chủ)... kể cả nghĩa là một tá, 12 chiếc, (âm đọc có khác đi)... nhiều lắm, tất cả có tới 25 nghĩa khác nhau... Anh không "nhuần nhuyễn", dịch sai là cái chắc! Ngoài ra, tôi còn đưa thêm ra một "tiêu chuẩn", ấy là nắm bắt được phong tục, tập quán của đất nước ấy, cùng toàn cảnh xã hội, mà tác giả đã đặt tác phẩm mình vào. Và nếu như, bản thân người dịch được chứng kiến, được đằm mình, được "thân chinh bách chiến" trong những phong tục tập quán đó, thì thật "tuyệt vời, trên cả tuyệt vời". Tất nhiên, đây không phải là một "tiêu chuẩn" bắt buộc, vì có được nó là vô cùng khó, nhưng nếu có được, người dịch sẽ thấy dễ dàng, thoái mái, yên tâm hơn trong khi làm việc. Lại xin nêu một thí dụ về điều tôi vừa nói:

Khi tôi dịch cuốn tiểu thuyết Ngõ Gái Trinh của Tiếu Thạch, (Nhà xuất bản đem in, đổi tên là Trở về, và in nhầm tên tác giả là Tiểu Thạch, một nhà xuất bản khác khi tái bản, lại đổi tên là Ngõ Gái Ngoan (?), trong đó có một chi tiết: Bà hàng xóm sang chơi, nhà không có ghế, bà chủ nói: "Thôi mời bà ngồi lên giường". Bà khách đáp: "Ngồi giường càng ấm chân". Nếu cứ dịch nguyên văn như thế, tôi e rằng đọc tới đây, sẽ có độc giả hỏi: Tại sao ngồi trên giường lại ấm chân? Không, không dịch sai, nhưng đúng là có vẻ vô lý thật, cho nên tôi phải thêm chú thích, để "cứu vãn tình thế", bởi tôi đã biết những "chiếc giường ấm chân" như thế, ở vùng nông thôn giá lạnh của Trung Quốc. Gọi là giường, chẳng qua chỉ để mang được nghĩa là "nơi ngủ", chứ nó khác hẳn với cái giường ở bên ta, không có chân giường, không có gầm giường, nó là một cái bục hoặc bệ cao, được xây bằng gạch, hoặc đắp bằng đất, có khi kéo dài hết cả ngôi nhà, (ở những gia đình nông dân nghèo, thường cả vợ chồng bố, vợ chồng các con, cùng cả trẻ con, đều chia nhau, ngủ chung trên "chiếc giường dài" này), ở giữa để rỗng, rồi bắt khói bếp luồn qua đó, trước khi thoát ra bên ngoài, lợi dụng hết những nhiệt lượng dư của bếp khi đun nấu, sưởi ấm giường, ngủ cho đỡ rét. Làm được cái chú thích về "cái giường", về sự "ấm chân" như thế, tôi thấy "yên tâm" hơn, thậm chí có tinh thần "trách nhiệm" với độc giả hơn, bởi thế nào cũng có độc giả, chưa hề biết "mồm ngang mũi dọc", cái dịch là "giường" ấy, nó như thế nào.

Mới đây, tôi có tới một nhà xuất bản, gặp một anh bạn làm biên tập ở đó, để lĩnh nhuận bút một truyện ngắn tôi dịch, in trên tờ tạp chí của nhà xuất bản, do anh phụ trách, vì là "truyện dịch" nên chúng tôi nói đến chuyện "dịch thuật"... Chợt anh bạn kêu lên với tôi:
- Nói thật với ông, chúng tôi ở đây, "xin cạch" cái nhà ông X...X...

Tôi biết ông X...X...là người đã dịch khá nhiều sách, đã in ra khá nhiều, và cùng đã từng được khen là "dịch khá", cho nên tôi không hiểu vì lẽ gì mà ông bạn tôi đây lại "xin cạch", tôi hỏi:
- Vì cái nhẽ gì mà "cạch"?
- Ai đời, ký hợp đồng dịch với nhà xuất bản chúng tôi xong, ông ấy xé sách ra thành hàng chục phần, đem thuê sinh viên ngoại ngữ thất nghiệp dịch, dịch xong, ông trộn tất cả lại, không thèm sửa chữa, không thèm hiệu đính, kể cả việc không thèm đọc lại lấy một lần, đem nộp cho nhà xuất bản, coi như mọi việc "dịch thuật" đã hoàn tất, có thể "rủ áo, khoanh tay" chờ lĩnh nhuận bút...
- Làm sao ông biết được tất cả những điều đó? – Tôi hỏi
- Bởi vì, trong khi làm biên tập, chúng tôi phát hiện, có anh, có chị, gặp phải chỗ khó dịch, đã bỏ trống, một trang, vài trang, thậm chí cả chục trang không dịch, thế có chết chúng tôi không?

Tôi nói:
- Nếu đúng như vậy, cạch là phải, không những cạch một lần, mà là cạch vĩnh viễn nữa kia! Thật là quá đáng, không tưởng tượng nổi...

Bạn tôi nói:
- Chẳng lẽ chuyện như thế mà tôi dám vu khống cho ông ta ư?

Tôi nói thêm:
- Chuyện ông ta đi thuê dịch rẻ, bóc lột "cánh sinh viên" nghèo túng, thất nghiệp, trong cơ chế thị trường, lấy chênh lệch, ăn chặn lẫn nhau, tôi "chấp nhận quy luật", không thèm tính, nhưng đứng riêng về mặt văn chương, dịch thuật, rất thuần túy mà nói, thì điều đó cũng hoàn toàn, không có bất cứ một chút lý do nào, để mà chấp nhận được. Tôi xin nói rõ với ông thế này, với một anh sinh viên, dịch sách, gặp chữ mới – còn chưa học tới – gặp chữ cũ – được học rồi – nhưng lại chưa hiểu biết hết nghĩa sâu, nghĩa xa của nó – điều này là lẽ đương nhiên – thì cái sai cũng lại là một lẽ đương nhiên, nhưng ở đây, tôi cứ công nhận đấy là những sinh viên giỏi, dịch không sai một chữ, một nghĩa nào, đúng tất, đúng đến cả từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu than... nhưng cái chết ở là ở chỗ, văn phong thì mỗi người mỗi khác nhau, nếu không, thì làm gì còn có cái thứ gọi là "cá nhân chủ nghĩa" được nữa, vậy mà năm, mười cái thứ văn phong ấy trộn thành "một văn phong" của cuốn sách, của một tác giả, thì ông – hoặc bà – tác giả ấy, đâu còn là "mình" nữa? Một thứ văn phong hổ lốn, bát nháo, như thế là "phá sách" của người ta chứ đâu còn là "dịch sách" của người ta? Khắt khe nữa mà nói: Nhiều khi văn phong của người dịch, không phù hợp với văn phong của tác giả, cũng làm "hỏng sách" của người ta nữa là. Có lẽ chính vì điều này, mà nhiều dịch giả đã phải lựa chọn tác giả mà dịch, chứ không làm việc theo kiểu, cứ có bất kỳ cuốn sách nào trong tay, là ngay "tắp lự", dịch cuốn đó. "Cách" dịch thuật vô trách nhiệm với nhà xuất bản, kể cả với bản thân, đặc biệt là với độc giả như thế, đúng là nên "cạch" thật!

Điều "cần có" của một người dịch thuật, theo tôi, còn một "cái sự" nữa, đó là sự "tự biết mình", tự biết "trình độ" của mình làm được cái gì, cái gì không làm được, không nên bạ cái gì cũng chủ quan mà làm liều, rồi đi đến đổ vỡ, "không gì cứu vãn nối"... Tôi nhớ có một lần, bỗng nhiên, có tới ba cụ "lão thành", cất công từ một huyện ngoại thành Hải Phòng, lên Hà Nội, tìm đến đúng số nhà tôi, "xin gặp", đưa cho tôi một bài văn bia bằng tiếng Việt, nhờ tôi dịch thành văn bia chữ Hán, để về khắc vào "bia đá", dựng ở một ngôi đình, hay một ngôi chùa gì đó, mà xã các cụ vừa dựng xong. Khốn nạn thân tôi chưa? Khi đi học, tôi chỉ được học có "Bạch Thoại", nào tôi đâu có được học "Hán học" với "Hà Nội học", "Hải Phòng học" gì cho cam, làm sao tôi có thể dịch văn bia được? Tôi dứt khoát từ chối... Tôi chỉ các cụ sang bên Viện Hán Nôm, bên ấy, người ta "chuyên môn" làm việc này, có thể sẽ giúp được các cụ...

Khi tiễn các cụ đi, tôi còn dặn thêm:
- Các cụ chỉ nên tìm sang Viện Hán Nôm, ở đấy, có nhiều người giỏi, người ta mới giúp được, chứ các cụ không nên chỉ "nghe đồn", "nghe mách", rồi tìm tới, dễ hỏng việc lắm đấy. Xin nói thực, tôi biết có người "trình độ còn thua xa tôi", song nếu "vời tới", là họ nhận "làm giúp" ngay lập tức, mà lại còn "ba hoa chích chòe", trăm thứ, cho các cụ phải "tin sát đất" nữa là khác, bởi họ chẳng cần biết trăm năm bia đá có mòn đi hay không, cái hỏng của họ có được xóa đi hay không? Nhưng họ lại biết rất chính xác rằng, họ sẽ moi được tiền trong hầu bao các cụ! Có nhiều người dịch thuật, không có "lương tâm nghề nghiệp"!

Còn một điều nữa, nhiều lúc tôi cứ phân vân tự hỏi, những người dịch sách văn chương Trung Quốc, có cần phải biết làm thơ, làm câu đối, không nhỉ - ý tôi muốn nói ở đây là biết về vần điệu, bằng trắc, đăng đối? Bởi một lẽ rằng, trong văn chương Trung Quốc, ta thường gặp rất nhiều ca dao, lời bài hát cổ, rồi từ, thơ, phú... và cả câu đối nữa, mà những cái đó lại rất cần "vần vèo", rất cần "đối nhau chan chát", nghe thế, "nó mới sướng con nhĩ", nếu như, có được, một bài thơ Trung Quốc dịch thành một bài thơ Việt Nam, có vần, có điệu – như những nhà thơ dịch thơ – những câu đối dịch "đúng phong cách", bằng trắc, chữ nghĩa, đâu ra đấy, thì còn thích thú nào hơn? Song tôi lại cho rằng, đòi hỏi thế là quá cao, trong thực tế, có rất ít người làm nổi, đạt tới... Thôi thì, trong "hoàn cảnh khó khăn", lại theo tôi, ta cứ chép nguyên văn trước, cho người biết chữ Hán thưởng thức. Một người chỉ được học "Bạch Thoại" như tôi, dịch thành âm Hán, cũng đã là phải qua một "cửa tử" rồi - Sau đó, ta dịch nghĩa cho thật cặn kẽ, chính xác, cũng đã "tàm tạm" chấp nhận được, không ai nỡ chê trách gì nhiều...

Nhưng tôi lại phản đối, vâng, rất phản đối, cái "kiểu cách", người dịch "làm ra vẻ" ta cũng biết "dịch thơ", nhưng cả "bài thơ" chẳng thấy có "cái vần" nào, dù là vần bằng hay vần trắc, thi thoảng cũng có được cái vần, nhưng chẳng qua chỉ là do "may mờ", "thuận miệng", mà có được, chứ không phải "cố tình" tìm vần cho nó. Ai đời, dịch thành thơ "lục bát" mà cũng không có vần, thì "bố ai mà chịu được"? Nhất là, những câu thơ lục bát, không cần vần như thế, trong phim truyền hình, được người dịch trực tiếp, người thuyết minh, lấy giọng, véo von, điệu đà, ngâm theo phim... thì nghe mới chối tai làm sao chứ? Vừa nghe mà vừa buồn cười, vừa tức cả "cái... mình", còn lòng dạ đâu mà theo dõi nội dung phim của "nhà đài" phát để "tuyên truyền, giáo dục"?

Tất nhiên, chỉ một bài này, tôi chưa trình bày được hết ý tôi, nhưng dù sao tôi cũng đã nói được những ý chính của mình. Tôi hy vọng, còn được trình bày thêm, trong một bài tiếp theo...

(Lê Bầu, Báo Văn Nghệ số 39 – 24/09/2005)
Tên riêng nước ngoài: Dịch hay không dịch?

[20/11/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]



Cuộc tranh cãi chuyện phiên âm tên riêng nước ngoài vẫn còn bộn bề, nhưng không thể không nêu ra chuyện dịch tên riêng được vì nó đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ còn xảy ra hàng ngày trên báo chí của chúng ta.


Nhiều cái tên nước ngoài đã được dịch toàn bộ, hoặc một phần sang tiếng Việt, lâu lâu nghe cũng thấy "quen quen", nhưng cứ "bổ" ra mà xem xét thì cũng thấy khá là nhiều vấn đề cùng một đống câu hỏi tại sao mà xem ra khó có lời giải thích thỏa đáng.

Chẳng hạn chúng ta vẫn gọi là nước Nam Phi chứ chẳng thể nào gọi là nước South Africa, nhưng nếu có người hỏi tại sao không dịch nốt cái địa danh Cape Town của nước này mà lại để nguyên hoặc phiên âm thành "Kếp Thao" thì phải trả lời thế nào? Bảo rằng dịch Nam Carolina, bắc Carolina vì chỉ dịch được mỗi chữ "south" hay "north", thế thì tại sao Mexico City lại cứ để vậy hoặc phiên ra thành "Mêxicô Xiti", và chẳng lẽ cái gì dịch được thì dịch luôn, để rồi có các địa danh như thành phố Hồ Muối (Salt Lake) hay Tứ Quốc (Shikoku).

Mà đã vậy thì có lý gì không dịch quách các anh Nakano thành anh Trung Dã (thậm chí là anh Giữa Đồng), ông Honda thành ông Bản Điền. Và cái thành phố Giữa Đàng (Midway City) ở nước Mỹ xa xôi bỗng nghe như một cái làng nào đó ở Việt Nam. Thật là gần gũi quá!

Nói đi thì phải nói lại: ta dịch địa danh của nước ngoài thì bắt nước ngoài dịch tên riêng của ta, thế mới bình đẳng. Tên tiếng Việt hầu như tên nào cũng có nghĩa, Tây cứ tha hồ mà chóng mặt, nhẩy! "Ms. River comes from the Inner River City" (Chị Xuyên đến từ Hà Nội) Hô hô hô...

Thôi thì trên báo hình, báo tiếng, đọc tên riêng nước ngoài lên phiên phiến cũng xong, trên báo viết nó cứ sờ sờ ra đấy. Nhắm mắt làm ngơ thì thôi, nhưng về lâu dài không lẽ cứ để tình trạng vô tiêu chuẩn, "loạn cào cào" thế này?
Loạn phiên âm

[07/11/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]



Phiên âm tên nước ngoài đúng là chuyện dài kỳ nhiều tập, các vị cao tăng tha hồ đàm đạo, đề xuất ý kiến, thậm chí tranh cãi tứ tung trên báo, trên đài. Nhưng các vị trên đó muốn nói gì thì nói, chúng em dưới này thích gì làm nấy. Các cụ có câu “Phép Vua thua lệ làng” nhưng xem ra trong giới biên tập viên thì “Phép Giời còn đợi phép... mình.”

Trong bối cảnh không có chuẩn nào về phiên âm, may lắm thì có vài cơ quan báo chí ra quy định riêng (tuy không phải lúc nào cũng được các biên tập viên nghiêm chỉnh thực thi). Hình như các cơ quan “chính thống” như TTXVN, báo Nhân Dân hay Quân đội Nhân dân thì “chơi” kiểu phiên âm có gạch nối, các báo khác thì cứ nguyên chữ Tây mà... phệt.

Nguyên tắc chung là thế, nhưng ngay như trong đại bản doanh của TTXVN chúng tớ cũng mỗi ban mỗi kiểu. Chẳng hạn tin dịch của Ban Tin Kinh tế thì cứ để nguyên tên riêng, còn tin dịch “phổ biến” của Ban Thế giới thì khá quán triệt vấn đề phiên âm, tuy nhiều khi nghe hơi tức cười vì... ứ thống nhất tí nào, thậm chí nhiều khi còn sai. Lin-zi với Lin-xi (Linsey), Tếch-dát với Tếch-dớt (Texas), Ca-li-pho-ni-a với Ca-li-phoóc-ni-a (California) là những cái lỗi quá vặt, nhỏ như con thỏ. Ngay cả khi phiên âm tương đối đúng thì nhiều chữ nhìn thật ngô nghê: Đê-la-oe, Gơ-ri-phít, Tờ-ri-pô-li, Chư-cư-ba, Kếp Thao chẳng hạn. Hic, hic...

Không ít người kêu gọi giữ tiếng Việt trong sáng và phất cờ kêu gọi thực thi triệt để trong cả “khoản” phiên âm. Nghe thì cũng hợp lý bởi xét tình hình dân trí chung, nếu cứ để Vajpayee, Chicago, Chrysler... thì quá bằng đánh đố bà con. Nhìn loáng thoáng thì không sao, bảo đọc lên thì ối người tắc tị. Ngay cả chúng ta, tự dưng có người hỏi “Chicagô” hay “Sicagô,” “Đilân” hay “Đailân” mới đúng thì chắc cũng mất kha khá thời gian suy tưởng. Nhưng nói cho mà biết là sẽ có nhiều rắc rối kèm theo: Ví dụ điển hình là lâu nay chúng ta quen gọi “nước Mêhicô” nhưng cái thành phố quỷ quái lại là “Mexico City”, chẳng lẽ bây giờ phiên âm ra là “Mêhicô Xiti.” Không được! Và thế nào cũng có người hỏi: “Cùng một chữ Mexico, tại sao lúc thì phiên là x, lúc thành h.” Tịt ngòi luôn? Chưa kể là cùng 1 chữ nhưng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc phiêm âm khác nhau – nghe người Nhật nói thế (chữ “Lee”), chưa được ai xác nhận lại điều này – thì càng hóc búa hơn.

Mà không phải là TTXVN chúng tớ không có người thích để nguyên chữ Tây, mỗi tội là người thì thích dùng tiếng Anh, kẻ lại ưa tiếng Pháp. Vậy mới chết dở! Tưởng Eltsine là ai, hóa ra ông béo Yeltsin, Cisjordan thì thật ra ta vẫn gọi là Bờ Tây sông Jordan. Nhiều vị vẫn nhất quyết viết là Iraq hay Israel tuy anh em đều viết là Irắc và Ixraen.

Phiên âm như TTXVN lâu nay có ổn không? Có một chức năng của tin TTXVN là cung cấp cho đài truyền hình và phát thanh, và thực tế rõ ràng là nếu không phiên âm thì nhiều đồng nghiệp xướng ngôn viên không biết đọc thế nào. Nhưng nếu chỉ để phục vụ tầng lớp “ngại nhìn chữ Tây” thì trong thời buổi hội nhập quốc tế hiện nay, tin của chúng ta sẽ đầy những Gơ-rin-xpan, Gô-ran-xơn, Van Nít-xtơ-roi, Che-ni trông thật lủng củng. Và nhiều chữ phiên âm xong trông... lạ hơn để nguyên.

Thêm vào đó, tiếng Việt hiện đại không dùng dấu gạch nối trong một chữ. Bây giờ chẳng ai viết Hà-nội hay Hải-phòng như hồi đầu thế kỷ trước. Từ phiên âm tiếng nước ngoài nói chung cũng thế, trừ tin phổ biến của TTXVN phát ra và tin trên báo Nhân dân. Đến 85-90% những chữ để gạch nối như vậy chỉ tổ làm cho dài dòng. Bỏ quách đi là hay nhất. Nhưng cũng phải nói luôn là trong cái hay cũng có cái dở: những chữ phiên âm có nhiều nguyên âm cạnh nhau mà không có gạch nối thì thế nào cũng bị đọc nhầm. Đêlaoe mà lại đọc thành “đê-lao-e”, Xuraoan thành “xu-rao-an” thì hỏng, Boócneo mà lại thành “boóc-neo” thì... teo.

Vậy để nguyên chữ Tây có phải là phương án khả thi? Xem ra số đông các báo đang theo cách này - khỏi cần suy nghĩ, cứ nguyên chữ của Tây mà “choảng”. Nhưng thực ra không đơn giản chút nào vì khó có thể thống nhất lấy tiếng Anh hay tiếng Pháp làm chuẩn. Kể ra vài chữ cho chư vị tranh cãi nhé: nên viết là Palestin hay Palestine, Thủ tướng Qorei hay Qureira, Tổng thống Kaddafi, Khadafi, hay Qadhafi? Ngay như tên riêng đã quá quen lâu nay như Mátxcơva cũng bắt đầu bị bỏ để viết bằng Moscow, nhưng có người lại thích viết thành Moscou thì... giết người ta à?

Thôi thì đề ra quy định nước nói tiếng Anh thì viết chữ tiếng Anh, nước nói tiếng Pháp thì theo chữ tiếng Pháp vậy, nhưng những nước dùng ngôn ngữ khác, nhất là những thứ tiếng như giun như dế thì “làm thế nào đây hả Giời.” Chẳng nói đâu xa, chữ Tây để viết tên các bác cao cấp bên Lào thì ít ra đã quen, nhưng mấy cái xã, huyện nhỏ hay hợp tác với Việt Nam và phải đưa tin thì viết thế nào, nếu không tự tin thì kiểm chứng với ai? Quá mệt!

Nếu tên riêng nào cũng như là chữ “Iran” thì tốt quá, khỏi phải cãi nhau, mỗi một kiểu viết. Nhưng đã không được như thế thì phải tìm ra một con đường chung khả dĩ. Xét cho cùng, mỗi tờ báo không có cách nào khác là phải làm một cuốn Style Guide để ít nhất thì cũng thống nhất trong phạm vi tờ báo của mình: như thế nào thì phiên âm, phiên âm như thế nào. Đương nhiên, việc lập ra các tiêu chuẩn nội bộ cũng không thể phớt lờ những gì đang phổ biến bên ngoài. Nhiệm vụ bất khả thi – song vẫn phải làm./.
Viết hoa là lá la...

[22/12/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]



Người Việt chúng ta chúa là viết hoa chẳng tuân theo quy tắc nào. Đơn cử ngay chuyện viết tên riêng, từ xưa đến nay đã chẳng thèm thống nhất. Đa số viết hoa tất cả các chữ nhưng không ít người chỉ viết hoa chữ đầu tiên đấy thôi.

Tôi cứ viết “Việt nam” và “Nguyễn mạnh Cường” đấy, làm gì tôi nào! Ngày xưa bố tôi thậm chí viết là “Nguyễn-mạnh-cường” nữa cơ. Và cũng chẳng có quy định rõ ràng nào bắt phải viết hoa tất cả các thành phần trong tên riêng của các tổ chức cả. Chả chết ai. Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản hay Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản mà chẳng giống nhau.

Trong khi đó, có những chữ chẳng đáng, hoặc chẳng nên, viết hoa thì lại đàng hoàng được hưởng... đặc ân này: “Quyết định mới yêu cầu các trường Đại học, Cao đẳng không được tuyển sinh...” hay “Được biết trong 3 năm qua, ngành Nông nghiệp và Lâm nghiệp của tỉnh đã tích cực áp dụng công nghệ...”

Ở “bển” thì sao? Họ quy định rằng tên tổ chức, công ty là phải viết hoa tuốt luốt, chức danh quan trọng như tổng thống, bộ trưởng, giám đốc, khi được gắn vào người cụ thể thì cũng viết hoa nhưng khi ám chỉ chung chung thì không cần.

Chẳng hạn “Bộ trưởng Văn hóa Anh Tessa Jowell” nhưng lại viết “tại cuộc họp tới, các bộ trưởng thuộc các ngành văn hóa-thông tin và an ninh sẽ phối hợp...”. Nói to tát thì có thể coi là một sự tôn trọng, song ít nhất thì cũng là một thứ quy định để cho khỏi loạn.

Song với tiếng Việt, phân tích sâu cũng rách việc ra phết đấy. Tiếng Anh quy định viết hoa rất đơn giản, nhưng tỷ cái dụ là Association of South East Asian Nations khi sang tiếng Việt thành “Hiệp hội các Nước Đông Nam Á” thì có người viết hoa “Các”, kẻ lại viết hoa “Nước”. Mà quả thực viết kiểu nào trông cũng hơi... buồn cười, dù tớ cho rằng viết hoa “Nước” là đúng hơn. "Hội Chữ Thập Đỏ" hay "Hội Chữ thập Đỏ" là đúng? Khó quá!

Tất nhiên, dùng riết theo chuẩn đã định thì rồi thiên hạ cũng quen thôi. Không phải cái gì Tây làm cũng đúng (quán triệt không?) nhưng khoản viết hoa thì xem ra họ cũng hợp lý đấy chứ! Ta cứ thử theo xem sao nhẩy.

Khó mà có được một tiêu chuẩn hoàn toàn chuẩn. Nhưng cách giải quyết cũng không khó: mỗi cơ quan báo chí cần có cuốn Style Guide riêng. Ít nhất thì cũng tạo được sự thống nhất trên một tờ báo. Vậy cũng là quá tốt./.
Website Tin tức qua mắt độc giả (Phần I)

[01/11/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]



Layout trang chủ đã hiệu quả chưa? Phần dẫn có tác dụng ra sao so với tiêu đề trên trang chủ? Cỡ chữ bao nhiêu là vừa? Viết tin trên mạng cách nào cho đúng? Khi nào thì nên sử dụng đa phương tiện? Đặt quảng cáo vào đâu?

Website tin tức ra đời đã lâu nhưng thực tế cho đến tận bây giờ, những câu hỏi như trên vẫn chưa có lời giải đáp xác đáng. Và đương nhiên, chưa thể có tiêu chuẩn hoàn hảo cho cả vấn đề thiết kế lẫn chuyên môn báo chí cho các tờ báo điện tử.

Viện Poynter, Trung tâm Estlow về Báo chí và Truyền thông mới, và Eyetools vừa công bố nghiên cứu dày 340 trang mang tên Eyetrack III (trước đây có 2 nghiên cứu).

Không thể nói những kết quả của nó chính là tiêu chuẩn để chúng ta làm báo điện tử, song đó là những bằng chứng mang tính khoa học về phản ứng chung của độc giả khi nhìn lên màn hình để đọc các thông tin. Hãy coi đây là bước đi đầu tiên trên cả chặng đường dài để tìm “chân chị Lý”.

Yếu tố cốt tử: Layout trang chủ

Trong khi kiểm tra những chuyển động của mắt của những người tham gia thử nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một cách đọc chung: nói chung người ta thường nhìn vào góc trên bên trái của trang, sau đó ánh mắt “chạy quanh” một lúc tại khu vực đó rồi mới chuyển từ trái sang phải. Và chỉ sau khi đọc kỹ phần đầu trang, ánh mắt mới chuyển xuống phần dưới.

Tất nhiên tùy thuộc vào layout của trang mà cách đọc có thể khác đi chút ít. Hình 1 là minh họa đơn giản về cách thức chuyển động chung của mắt đối với hầu hết các thiết kế trang web.

Một điểm đáng lưu ý khác: Các tiêu đề nổi bật chính là yếu tố đầu tiên thu hút người đọc - nhất là khi tiêu đề nằm ở góc trên bên trái (ở góc trên bên phải cũng vậy, nhưng không phải luôn luôn thu hút). Và trái với suy nghĩ thông thường, ảnh không phải là yếu tố thu hút. Trên màn hình máy tính thì chữ mới chiễm vị trí đầu - xét cả về trật tự được xem và thời lượng được xem.

Trong số 25 dưới đây thì có đến 20 website đặt hình ảnh/logo ở góc trên bên trái. Hầu hết các trang tin đều giữ thiết kế trang nhất quán chứ không thay đổi layout như báo in.

USAToday.com
NYTimes.com
WashingtonPost.com
CNN.com
ABCNews.com
FOXNews.com
LATimes.com
ChicagoTribune.com
AJC.com
AZCentral.com
SFGate.com
SignonSanDiego.com
WashingtonTimes.com
MiamiHerald.com
Boston.com
StarTribune.com
NJ.com
NYPost.com
ProJo.com
DallasNews.com
Guardian.co.uk
FT.com
ABClocal.go.com/kabc/
KCNC.com
CSMonitor.com
Nghiên cứu cho thấy bản năng của người đọc là trước hết hìn vào logo và các tiêu đề ở phần trên bên trái. Hình 2 cho thấy các “khu vực quan trọng” mà mắt độc giả thường tập trung.

Muốn độc giả đọc, hãy dùng font chữ nhỏ

Nghiên cứu đã phát hiện một điều cực kỳ quan trọng khi thử nghiệm về tiêu đề và cỡ font trên trang chủ: Cỡ chữ nhỏ kích thích sự tập trung (đọc cả từ), trong khi cỡ chữ lớn khiến cho độc giả chỉ đọc lướt. Nói chung, khi dùng chữ lớn thì độc giả có xu hướng không tập trung vào các từ và cứ nhìn quanh để tìm các từ hoặc cụm từ mà họ thấy chú ý.

Điều này đặc biệt đúng với các tiêu đề có cỡ chữ lớn trên trang chủ. Tiêu đề càng lớn thì người ta càng đọc lướt. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là càng thu nhỏ chữ càng tốt - phải đảm bảo cỡ chữ đủ để đọc.

Đặc biệt thú vị là cách đọc tiêu đề và phần dẫn trên trang chủ. Nếu cả tiêu đề và phần dẫn đều cùng cỡ font và đều được in đậm thì người ta chuyển ngay sang đọc phần dẫn. Nếu tiêu đề lớn hơn và nằm ở dòng riêng thì người ta có xu hướng chỉ đọc tiêu đề và bỏ qua phần dẫn.

Theo các nhà nghiên cứu, khi một tiêu đề lớn hơn phần dẫn kèm theo thì người ta cho rằng nó là yếu tố quan trọng hơn trong cái khối tiêu đề-phần dẫn đó – và như vậy thì chỉ cần đọc tiêu đề là đủ.

Các tiêu đề có gạch chân khiến người đọc thường bỏ qua phần dẫn. Ví dụ:

Pháp hợp tác nghiên cứu Hoàng thành
Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) và Viện
Khoa học Xã hội Việt Nam vừa ký thoả thuận
hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học.



Trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu chú ý tới hiện tượng độc giả không đọc quá dòng kẻ và dường như điều này mang vấn đề phản xạ tự nhiên. Hiện tượng này cũng ảnh hưởng đến các quảng cáo.

Đa số các website (22 trong số 25) sử dụng phần dẫn kèm theo tiêu đề trên trang chủ. Chỉ có 3 trang không dùng phần dẫn là CNN.com, NYPost.com, và ProJo.com. Về cỡ chữ của tiêu đề, tỉ lệ dùng chữ lớn và chữ nhỏ ngang nhau.

Và trong số 22 trang tin có dùng phần dẫn trên trang chủ thì chỉ 12 trang có tiêu đề gạch chân./.

Website Tin tức qua mắt độc giả (Phần II)

[01/11/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]



Phần II bản nghiên cứu dày 340 trang mang tên Eyetrack III Viện Poynter, Trung tâm Estlow về Báo chí và Truyền thông mới, và Eyetools tiếp tục giới thiệu những phát hiện về tiêu đề, phần dẫn và layout trang tin.


Độc giả chỉ nhìn vào một phần tiêu đề, phần dẫn

Khi nhìn vào phần dẫn ở dưới tiêu đề trên các trang tin, người ta thường chỉ nhìn vào một phần ba nằm ở bên trái. Nói cách khác, họ chỉ nhìn vào mấy chữ đầu và chỉ tiếp tục đọc nếu mấy chữ này hấp dẫn họ.

Hình trên là một “bản đồ sức nóng” để mô tả điều này. Phần màu vàng da cam là phần được xem nhiều nhất, phần màu xanh da trời được xem ít nhất.

Với một danh sách các tiêu đề, có thể dễ dàng nhận thấy người ta thường chú ý đến phần bên trái. Độc giả thường chỉ nhìn lướt cả danh sách các tiêu đề chứ không đọc từng tiêu đề. Nếu những chữ đầu tiên thu hút họ thì họ sẽ đọc tiếp. Nói chung, thời lượng mà người đọc dành cho mỗi tiêu đề không quá một giây.

Đối với các tiêu đề - nhất là các tiêu đề dài - nếu muốn người đọc chú ý thì phải dùng những chữ đầu tiên thật “đắt”.

Tình trạng tương tự với các phần dẫn. Nghiên cứu cho thấy không chỉ nên viết phần dẫn ngắn gọn mà những chữ đầu tiên phải thu hút sự chú ý của người đọc.

Trong số 25 trang tin được khảo sát, độ dài trung bình của phần dẫn là 17 chữ, ngắn nhất là 10 chữ và dài nhất là 25 chữ. (Đây là nói đến chữ tiếng Anh, còn một chữ tiếng Việt có thể gồm nhiều từ - tức là dài gấp rưỡi).

Layout trang tin, cách viết tin

Kết quả nghiên cứu cho thấy một số đặc điểm khi viết bài và lên trang có thể ảnh hưởng đến hành vi nhìn của độc giả.

Chẳng hạn xét về độ dài của tin. Hầu hết các trang tin hiện nay đều dùng đoạn văn ngắn, chỉ là một câu đơn với độ dài khoảng 20-25 chữ. Đoạn văn ngắn thì hiệu quả cao hơn. Nghiên cứu cho thấy mức độ tập trung vào các bài viết với các đoạn văn ngắn cao gấp đôi so với các bài với những đoạn văn dài. Các đoạn văn dài có xu hướng làm người đọc thấy ngại.

Hầu hết các trang tin trình bày dưới dạng một cột nhưng có một số trang như IHT.com và TheHerald.co.uk lại bắt chước cách trình bày của báo và để 2-3 cột. Nghiên cứu cho thấy cách trình bày một cột hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này chủ yếu là do thói quen đọc các bài 1 cột trên web. Có ý kiến cho rằng sự bất ngờ khi thấy lối trình bày 3 cột có thể lại hấp dẫn một số người đọc.

Vậy còn ảnh trong bài? Sẽ thật ngạc nhiên nếu biết rằng mắt thường nhìn vào phần chữ trước khi chuyển sang ảnh kèm theo, giống như ở trang chủ. Như đã lưu ý, hành vi ngược lại (xem ảnh trước) thường xảy ra với báo in.

Cuối cùng là phần tóm tắt. Thông thường khi đọc một bài có phần tóm tắt được in đậm, 95% sẽ đọc toàn bộ hoặc một phần đoạn tóm tắt đó. Tuy nhiên, có phần tóm tắt không có nghĩa là thu hút được người đọc hơn bởi thời lượng dành cho bài có tóm tắt và không có tóm tắt tương đương nhau. Và cần lưu ý một điểm: những người đọc kỹ phần tóm tắt thì thường đọc lướt phần nội dung, và những người đọc lướt phần tóm tắt thì lại càng lướt qua phần nội dung chính.

Chỉ có hơn 20% các tin trên website sử dụng phần tóm tắt đi cùng bài./.

Xem Phần I | Phần III


(Theo Poynter Online)


Website Tin tức qua mắt độc giả (Phần III)

[01/11/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]



Phần cuối cùng của bản nghiên cứu dày 340 trang mang tên Eyetrack III Viện Poynter, Trung tâm Estlow về Báo chí và Truyền thông mới, và Eyetools đề cập đến một phần hết sức quan trọng là vai trò của ảnh cũng như vị trí của quảng cáo - điều mà nhiều website chưa quan tâm đúng mức.


Quảng cáo

Điều đáng chú ý đầu tiên là người ta thường không để tâm đến các quảng cáo, nhưng vị trí của quảng cáo lại có tác động. Thời gian mà độc giả dành cho một quảng cáo thông thường chỉ vào khoảng 0,5 đến 1,5 giây, nhưng nếu quảng cáo nằm ở vị trí tốt, với format hợp lý thì con số này tăng lên.Chẳng hạn những quảng cáo đặt ở phía trên bên trái trang chủ sẽ được chú ý nhiều nhất. Quảng cáo đặt phía bên phải không hiệu quả bằng còn quảng cáo ở cuối trang thì đương nhiên là chỉ có một số ít người nhìn đến.

Quảng cáo càng gần phần nội dung thì càng được chú ý. Và nếu quảng cáo bị tách khỏi phần nội dung bằng một khoảng trắng hoặc một đường kẻ thì ít được để ý hơn khi không có những “rào cản” đó. Quảng cáo càng gần với các tiêu đề trên đầu trang thì càng hiệu quả. Một quảng cáo banner nằm phía trên biểu tượng của website thì không được chú ý bằng quảng cáo nằm bên dưới biểu tượng và bên trên phần nội dung.

Vị trí và Tỷ lệ xem quảng cáo
Cột trái: 68%
Đầu trang: 55%
Cột phải: 34%
Cuối trang: 14%

Trong tất cả các loại quảng cáo được thử nghiệm thì quảng cáo dạng chữ được chú ý nhiều nhất. Thời gian trung bình nhìn vào các quảng cáo dạng chữ là gần 7 giây trong khi quảng cáo hình ảnh với cách trình bày hấp dẫn trung bình chỉ được 1,6 giây.

Kích thước cũng đóng vai trò quan trọng. Quảng cáo lớn thì dễ được chú ý hơn. Quảng cáo nhỏ, lại nằm phía bên phải thì chỉ được 1/3 số người thử nghiệm để ý, số còn lại thậm chí không một lần “liếc mắt”. Trên các trang nội dung, được chú ý nhất là những quảng cáo có kích thước “nửa trang”, nhưng cũng có nhiều người không hề để tâm. Đứng thứ 2 là những quảng cáo nằm ngay trong nội dung bài, và thứ 3 là loại quảng cáo "Skyscraper" (chạy dọc cột phải hoặc cột trái).

Xem xét 25 website tin hàng đầu kể trên thấy khá nhiều quảng cáo banner nhỏ trên trang chủ và có một điểm chung là quảng cáo thường nằm ở cột phải. Khoảng một nửa trong số 25 website này đặt quảng cáo vào trong nội dung tin.

Ảnh to giữ mắt nhìn lâu

Các website tin thường dùng template và ấn định trước kích cỡ ảnh. Việc dùng thiết kế theo template vẫn còn đang được tranh cãi nhiều, nhưng ít ra kết quả của cuộc nghiên cứu Eyetrack III có thể cho chúng ta thấy nên để ảnh lớn đến mức nào.

Tuy ảnh không phải là điểm mà mắt người đọc nhìn vào trước tiên nhưng chúng cũng thu hút đáng kể. Và ảnh càng lớn thì người ta nhìn càng lâu hơn. Trên một trang thử nghiệm, chiếc ảnh bé bằng con tem chỉ được 10% người tham gia ngó đến, trong khi bức ảnh vuông cỡ 230 pixel được tới 70% chú ý.

Kết quả cho thấy những bức ảnh có kích thước tối thiểu 210 x 230 pixel sẽ được hơn 50% người đọc nhìn vào, và những ảnh trên trang chủ có các khuôn mặt rõ ràng thì càng được chú ý.

Trong số 25 website tin, chỉ có 20% thường xuyên dùng ảnh nhỏ trên trang chủ. Cứ 5 website thì có 4 website đặt ảnh chính ở góc trên bên trái trang chủ.

Một điều thú vị khác: Người đọc có xu hướng nhấp chuột vào các bức ảnh – tuy rằng ảnh trên các trang thử nghiệm chẳng dẫn họ tới đâu (và thông thường ảnh trên nhiều trang tin không hề có kết nối)./.

Mô hình biên tập hoàn hảo

[15/11/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]



Đi mãi thành đường mòn, và người sau cứ đường mòn đã có sẵn lại đi tiếp. Con đường mòn lại được kiên cố hóa, trải nhựa đẹp đẽ, to hơn một tí. Và thiên hạ tiếp tục đi trên con đường đó mà không hề biết là ngay bên cạnh từ lâu đã có một con đường to đẹp khác, dẫn thẳng đến trung tâm và tránh được nhiều chỗ hiểm trở.


Lâu nay chúng ta làm theo một trật tự có sẵn. Chẳng ai bảo đúng, cũng chẳng ai nói là sai. Thấy vài chỗ bất cập cũng kệ, chặc lưỡi rằng lâu nay vẫn làm thế. Liệu có nên đi theo một mô hình mới không nhỉ?

Trong tiếng Việt không có những từ riêng để phân biệt các “editor” – và chúng ta gọi tuốt luốt những người này là “biên tập viên.” Để chỉ những biên tập viên trình độ cao hơn, trong quy trình của chúng ta có thêm các vị hiệu đính, hoặc thậm chí gọi thẳng là biên tập viên cao cấp nếu là những người đã lên tới hàng… đỉnh. Kết quả, chúng tớ có một quy trình làm việc tại TTXVN như sau: phóng viên – trưởng phòng phóng viên – phê duyệt – phát tin (nếu là Ban Biên tập Tin Trong nước, Ban Tin Kinh tế); hoặc biên tập viên – hiệu đính – phê duyệt – phát tin (Ban Biên tập Tin Thế giới, Đối ngoại).

Cũng có nơi tin của phóng viên được đưa qua bộ phận biên tập, chẳng hạn như các tòa soạn (chứ không phải là ông trưởng phòng phóng viên hoặc bà trưởng ca trực kiêm luôn công tác biên tập), nhưng nói chung quy trình luôn được đốt cháy giai đoạn hoặc nhiều chức năng được tập hợp vào một người.

Chu trình của chúng ta khi vẽ lên thì cũng thấy có nhiều bước nhưng thực chất chỉ có hai bước mà thôi - phê duyệt không thể gọi là một khâu biên tập vì xét cho công bằng chỉ có mỗi chữ ký xác nhận rằng nội dung “không có vấn đề” (cũng có thể đôi khi sửa vài chữ hoặc cắt bớt một vài đoạn). Trong khi đó, người hiệu đính vừa phải sửa nội dung, vừa làm công việc nắn chữ nghĩa. Đấy là chưa kể trường hợp trưởng phòng phóng viên kiêm luôn chức năng biên tập - một sự kết hợp rất kỳ khôi.

Có một Mô hình Biên tập dựa trên 3 giai đoạn mà tớ cho là khá hoàn hảo bởi chỉ nhìn vào khâu tổ chức đã thấy ngay là có thể đảm bảo nâng cao chất lượng nội dung, giảm thiểu sai sót đồng thời tránh những khúc mắc không đáng có phát sinh trong toàn bộ khâu “chế biến tin”.

Mô hình này quy định mỗi bước do một bộ phận hoặc một cá nhân riêng rẽ thực thi. Do vậy có thể nói là có 3 loại biên tập viên: Biên tập viên nội dung (Content editors): Các biên tập viên này phụ trách đưa tin theo khu vực địa lý (ví dụ biên tập viên phụ trách các vấn đề trong thành phố - city editor) hoặc một chuyên ngành nhất định (biên tập viên thể thao). Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các biên tập viên này có thể giao cho phóng viên đi viết bài hoặc chọn bài của các hãng thông tấn. Khi biên tập bài, các biên tập viên này chỉ quan tâm đến vấn đề nội dung và đặt ra những câu hỏi như: đoạn mào đầu đã chuẩn chưa, có được bổ trợ bằng những thông tin khác trong bài hay không? Bài viết này có chính xác và công bằng không? Giọng văn như vậy đã phù hợp chưa?

Biên tập viên tin tức (News editors), hay còn gọi là thiết kế trang. Những biên tập viên này có trách nhiệm đánh giá tính liên kết giữa các bài viết có sẵn, các ảnh và hình vẽ kèm theo, sau đó thiết kế các trang để phản ảnh sự liên kết đó. Họ cũng là những người phải đảm bảo đáp ứng thời hạn chót trong việc thiết kế trang.

Biên tập viên (đúng chữ tiếng Anh là “Copy editors”). Những biên tập viên này phải đảm bảo rằng mọi bài viết theo đúng các tiêu chuẩn của tờ báo về độ chính xác và phong cách, họ cũng là những người viết tiêu đề, chú thích ảnh và các chi tiết khác phục vụ cho việc trình bày tin trên báo; sau đó cũng là những người đọc dò cuối cùng. Một nhiệm vụ quan trọng không kém của các biên tập viên này là phải xem xét nội dung và bổ sung thêm phần biên tập của các biên tập viên nội dung. Những biên tập viên này đọc bài viết theo góc nhìn của độc giả và được đào tạo để trong đầu luôn nảy ra những câu hỏi mà độc giả có thể nêu lên. Việc các biên tập viên này tách biệt hẳn khỏi quy trình làm tin là một yếu tố hết sức quan trọng.

Cần hiểu cho đúng rằng 3 công đoạn biên tập trên đây khác với kiểu biên tập của chúng ta hiện nay. Dù có bổ sung thêm 1 lần hiệu đính nữa thì các biên tập viên của chúng ta vẫn làm 1 việc như nhau chứ không tách bạch mỗi người một chức năng như các biên tập viên trên đây. Đối với tin thông tấn thì không cần biên tập viên thiết kế trang, nhưng với các tòa soạn báo trong cơ quan hoặc ngay như báo điện tử vẫn cần đầy đủ các loại biên tập viên này. Đấy là chưa kể còn phải có biên tập viên ảnh (photo, image và graphic) cùng phối hợp.

Ngay ở các nước tiên tiến, nhiều biên tập viên cũng cho rằng có thể “túm” mấy loại biên tập viên này lại làm một. Song thực tế, ngay cả ở các tờ báo nhỏ, mô hình này vẫn khả thi vì những lý do sau đây:

Tất cả các bài viết đều được đọc kỹ tới 3 lần tại 3 bàn khác nhau. Việc này giúp tăng khả năng phát hiện lỗi và sửa kịp thời. Nó đồng thời tạo ra sự ganh đua cần thiết ở nơi làm việc, nhờ đó tăng cường trách nhiệm của mỗi người và mọi biên tập viên đều phấn đấu đạt tiêu chuẩn cao nhất. Bản thân phóng viên cũng sẽ thấy tự hào nếu bài viết của họ “ngon” ngay từ đầu và không bị cả quy trình biên tập mổ xẻ nhiều.

Các biên tập viên nội dung không cần phải quá lo về công tác biên tập chữ nghĩa và có thể tập trung làm việc với các phóng viên. Trong khi đó, các copy editor và biên tập viên tin tức không cần báo cáo trở lại cho biên tập viên nội dung mà thuộc quyền điều hành của những biên tập viên có cùng những kỹ năng chuyên ngành với họ và hiểu hơn về những vấn đề mà họ thường mắc phải. Biên tập viên cấp cao nhất phụ trách các copy editor là người vừa nắm vững công tác biên tập, vừa có khả năng quản lý.
Mô hình Biên tập này xét về lý thuyết rõ ràng là rất hiệu quả, những không có nghĩa là nó đương nhiên giải quyết được mọi xung đột. Ngược lại, nó sẽ sụp đổ nếu không có tinh thần hợp tác và phối hợp trong công việc. Hệ thống này đòi hỏi thiện chí và tính chuyên nghiệp của tất cả các bên để đạt được mục tiêu chung là phụng sự độc giả./.

Trách nhiệm định hình ngôn ngữ của báo chí

[22/12/2004 - Kashiwa - Vietnam Journalism]



Tôi nhớ có lần đang bữa cơm, cháu tôi cầm tờ báo Hoa Học Trò đọc cho cả nhà nghe bài về một học sinh giỏi Việt Nam thi Đường Lên Đỉnh Olympia. Cháu tôi đọc đến giữa bài thì có câu "A học hành rất tanh tưởi", anh hai tôi đã phun cả cơm ra ngoài, còn chị dâu tôi thì giật lấy tờ báo quẳng vô sọt rác.

Tôi thực sự không hiểu, cái từ "tanh tưởi" chuyên dùng để chỉ những thứ rác rưởi bẩn thỉu hoặc cá mú ôi thiu, lại được dùng để chỉ tài học của một học sinh giỏi. Nếu từ đó được trích từ lời của một học sinh khác kể về bạn mình thì người viết báo cũng nên biên tập lại thế nào cho hay, chứ ai lại...

Thật sự người đọc rất phản cảm về những ngôn từ như vậy. Anh chị tôi đã cấm con đọc Hoa Học Trò sau khi lật lại một số báo cũ thấy nhan nhản những từ đại loại như tanh tưởi, chuối, tởm,..nằm chình ình trên các trang báo dành riêng cho tuổi học trò.

Tôi luôn nghĩ rằng báo chí ngoài chức năng cung cấp thông tin và định hướng dư luận thì còn có trách nhiệm góp phần định hình ngôn ngữ cho độc giả, đặc biệt là báo viết cho giới trẻ. Tiếc là những năm gần đây, nhiều tờ báo đã dùng những thứ ngôn ngữ thiếu trong sáng, ngôn ngữ chợ búa trên trang viết của mình, kể cả những tờ báo tuổi teen như Nhi Đồng cũng đầy những từ ngữ như thế.

Nhiều tờ báo còn dùng cả lối nói chuyện tếu táo sinh viên như "buồn con chuồn chuồn", "chán như con gián",... Những ngôn ngữ kiểu như trên nếu nói ngoài đường ngoài phố thì còn có thể tạm chấp nhận được, tất nhiên cũng tùy người nghe, nhưng lôi lên báo chí thì rất khó coi.

Các bậc phụ huynh mong con họ học được điều gì từ những tờ báo như Hoa Học Trò, Sinh Viên? Chắc chắn không phải là những kiểu nhận xét người khác là kinh dị, tanh tưởi hay chán như con gián./.

Ba vấn đề không được thông tin báo chí

[06/01/2008 - thaothucsg - Vietnam Journalism]

“Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề bí mật Nhà nước; những vụ án đang điều tra, chưa xét xử; những văn bản đang soạn thảo, chưa được phép công bố…” - đó là nội dung trong Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của UBND TP.HCM.

Theo quy chế này, người phát ngôn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí khi thấy cần phải thông tin về sự kiện, vấn đề quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội và cảnh báo kịp thời trong xã hội; về quan điểm và cách xử lý của TP, các cơ quan Nhà nước có liên quan đến vấn đề nào đó.

Trong trường hợp cần ngay ý kiến ban đầu về vụ việc mới xảy ra thì chậm nhất 2 ngày, người phát ngôn chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Nếu thấy báo chí đăng sai sự thật thì người phát ngôn có quyền yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

Theo phân công, Chánh Văn phòng HĐND - UBND TP.HCM là người phát ngôn của UBND TP.HCM và làm Tổ trưởng Tổ cung cấp thông tin cho báo chí của UBND thành phố.

(Sài Gòn Giải Phóng)

Tài liệu của UNESCO về phát triển bền vững

[23/04/2008 - minhlq - Vietnam Journalism]

UNESCO và Thomson Foundation vừa cho ra mắt một bộ tài liệu đào tạo mới dành cho các nhà báo nhằm hướng dẫn về các ưu tiên cho phát triển bền vững và cách thức xử lý hiệu quả nhất khi đưa tin.


Tài liệu này có ba phần. Bần đầu tiên nói về những vấn đề liên quan đến thay đổi khí hậu, rừng và nghề thủy sản, nước sạch, đa dạng sinh học và ô nhiễm. Phần thứ hai đề cập đến ý tưởng phát triển bền vững, và phần cuối cùng nói đến tương lai với những giả tưởng về những gì con người phải từ bỏ để đổi lấy cuộc sống "bền vững."

Một đĩa DVD với những đoạn phim và file âm thanh cùng một CD-ROM thông tin sẽ được kèm trong bộ tài liệu này.

Tìm hiểu thêm tại www.unesco.org/webworld/en/media-partners-education

10 nguyên tắc tại The Washington Post Online

[10/07/2007 - thaothucsg - Vietnam Journalism]

Tờ báo nổi tiếng The Washington Post Online vừa công bố 10 nguyên tắc làm việc cho báo. Những nguyên tắc này không chỉ phục vụ cho những nhân viên của tờ The Washington Post Online mà còn giúp ích cho tất cả những phóng viên đang làm việc cho các tờ báo điện tử.

Các nguyên tắc viết dưới dạng thông báo được chuyển đến tay từng nhân viên trong tòa soạn. Thông báo này nêu rõ: Đa số những người đang làm việc cho báo The Washington Post Online đều chuyển đến từ báo in, vì vậy trong suốt thời gian qua các cuộc tranh luận về cách viết cho báo điện tử liên tiếp diễn ra và đã có những suy nghĩ sai lệch về loại hình báo chí mới mẻ này.

Theo đó, 10 nguyên tắc vừa được The Washington Post Online đưa ra sẽ là kim chỉ nam, cơ sở để phóng viên viết bài cho báo điện tử.

1. The Washington Post Online chuyên cung cấp thông tin trực tuyến, nên đối tượng phục vụ hàng đầu là những người thường xuyên đọc báo trên Internet. Họ có những yêu cầu, sở thích riêng biệt so với bạn đọc của các loại hình báo chí truyền thống khác. Nhiệm vụ đầu tiên là đáp ứng những nhu cầu riêng biệt đó.

2. Trong tương lai, báo sẽ cập nhật thông tin 24/7 để đáp ứng nhu cầu nắm bắt được thông tin ngay khi nó vừa diễn ra. Nếu không đáp ứng được điều này, bạn đọc sẽ tìm đến một tờ báo khác. Vì vậy, thông tin luôn phải được cập nhật nhanh nhất.

3. Chú trọng vào việc làm sao có thể đưa tin sớm hơn tất cả các tờ báo khác và bắt đầu sở hữu những thông tin độc quyền.

4. Mới mẻ, độc đáo và thông tin có giá trị là những điếm khiến người đọc phân biệt The Washington Post Online với các tờ báo khác. Phải tập trung vào các bài phân tích, phê bình và điều tra.

5. Những bài được đăng trên báo điện tử phải có giá trị tương đương với các bài trên báo in. Hơn nữa, cần tăng cường khả năng tương tác bằng các dịch vụ như blog, chat và đa phương tiện như hình ảnh, âm thanh…

6. Chính xác, khách quan, dễ hiểu là những gì người phóng viên của báo điện tử phải đảm bảo khi viết bài.

7. Tôn trọng và khuyến khích người đọc bày tỏ quan điểm, ý kiến riêng của mình tuy nhiên với người phóng viên thì chỉ được phép khi có có sự đồng ý của tòa soạn hoặc đang viết cho các chuyên mục như bình luận, phê bình…

8. Cơ cấu tòa soạn của báo điện tử vẫn được giữ nguyên giống như báo in, cách sắp xếp headline, cấu trúc của bài viết của báo điện tử khá giống với báo in, đều có các phần như tít, sapô….

9. Các nhân viên làm việc cho The Washington Post Online đều phải tham gia một lớp đào tạo cách viết bài cho báo điện tử.

10. Cần nhận thức rõ ràng rằng báo điện tử không phải là phiên bản điện tử của báo in mà chúng ta sao chép lại những gì xuất hiện trên giấy vào máy tính. Thông tin mới mẻ, nhanh chóng và đa chiều là những gì báo điện tử cần có để phân biệt với báo in. Tuy nhiên cũng rất khó để tìm được một giới hạn chuẩn để phân chia rõ ràng hai loại hình này.

(VietNamNet)
Website cho nhà báo về tội phạm có tổ chức

[25/03/2008 - minhlq - Vietnam Journalism]

Một số cơ quan báo chí đã hợp tác với nhau để tạo lập Dự án Đưa tin về Tham nhũng và Tội phạm có Tổ chức (OCCRP) nhằm giúp những người dân ở Đông Âu và khu vực Á-Âu hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của tham nhũng và tình trạng tội phạm có tổ chức đối với cuộc sống của họ.

Website này bao gồm các bài phóng sự cũng như tin tức mới nhất về các tổ chức tội phạm và các hoạt động tham nhũng ở Đông Âu và khu vực Á-Âu.

Trong tương lai, website sẽ có một trung tâm nguồn tài liệu liên quan đến tội phạm có tổ chức, bao gồm các hồ sơ tòa án, luật, báo cáo, nghiên cứu và các hồ sơ công ty.

Địa chỉ website là www.reportingproject.net/new/index.php.

(IJNet)

Tường thuật và viết tin - những điều cơ bản

[06/08/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]

Cuốn sổ tay này của Peter Eng và Jeff Hodson đề cập đến các nguyên tắc cơ bản để tường thuật, đưa tin và viết phóng sự, chủ yếu dành cho những phóng viên báo chuyên viết về tin tức tổng quát. Tuy nhiên phần lớn những nguyên tắc này có thể áp dụng cho các phóng viên phát thanh và truyền hình.

Một số nguyên tắc trong "Tường thuật và viết tin - Sổ tay những điều cơ bản" khác với những gì các phóng viên Đông Nam Á đã từng quen thuộc, nhưng đây là nguyên tắc mà các phóng viên giỏi tại khắp nơi trên thế giới áp dụng.

Cuốn sách hơn 240 trang - do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành với giá 32.000 đồng - bắt đầu bằng cách mô tả công việc của một phóng viên, đâu là các tiêu chuẩn để có bài viết chất lượng tốt và đâu là các phẩm chất cần có của một phóng viên giỏi; Diễn tả cung cách họ tìm tòi các phương pháp, cách họ khai thác các ý tưởng để viết bài và thu thập tin tức cho các bài viết đó. Sau đó bước vào tiến trình viết bài, làm cách nào tìm ra điểm mở đề và sắp xếp bài viết....

Tuy nhiên làm phóng viên không có nghĩa chỉ là tường thuật, là đưa tin và viết. Vì thế có một chương cũng rất quan trọng trong cuốn sách: Đạo đức nghề nghiệp./.

Website đa ngôn ngữ cho phóng viên y tế

[28/06/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]

Một nguồn tin trực tuyến dành cho các phóng viên phụ trách lĩnh vực y tế đang phá bỏ rào cản ngôn ngữ để có thể được sử dụng rộng rãi hơn. Nhiều phần của trang GlobalHealthReporting.org hiện được cung cấp bằng tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Hindi, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.

Quỹ Kaiser Family (KFF) điều hành trang này với sự hậu thuẫn về tài chính của Quỹ Bill and Melinda Gates. Mục tiêu của dự án là giúp các phóng viên và những ai quan tâm có thể tìm thấy những thông tin mới nhất và tin cậy nhất về vấn đề y tế.

Có thể tham khảo tại http://www.globalhealthreporting.org/diseaseinfo.asp. Để biết thêm thông tin, liên hệ với Robin Sidel theo địa chỉ rsidel@kff.org.

KFF: http://www.kff.org/.
Gates Foundation: http://www.gatesfoundation.org/.

Tài liệu về HIV/AIDS bằng 5 ngữ cho nhà báo

[15/12/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]

Những phóng viên quan tâm đến vấn đề HIV/AIDS giờ đây có thể truy cập một tài liệu hướng dẫn mới trên mạng Internet, với 5 ngôn ngữ là tiếng Anh, Pháp, Tamil, Khơme và Tagalog.

Tài liệu này được Liên đoàn các Nhà báo Quốc tế (IFJ) và mạng lưới các tổ chức của IFJ ở châu Á và châu Phi công bố hôm 30/11. Đây là một phần của chương trình 2 năm với sự hỗ trợ của phong trào công đoàn Thụy Điển LO-TCO.

Mục tiêu chính của tài liệu này là cải thiện các tiêu chuẩn quốc tế trong việc đưa tin về HIV/AIDS bằng cách giải đáp những câu hỏi mà phóng viên thường vấp phải về nguyên nhân, cách truyền nhiễm, ảnh hưởng và cách chữa trị căn bệnh này.

Tài liệu được soạn riêng cho từng khu vực nên có thông tin cụ thể về những người liên hệ và ví dụ về các bài báo liên quan vấn đề HIV/AIDS.

Tham khảo tại www.ifj.org, www.ifj-asia.org hoặc www.ifjafrique.org.

(IJNet)

Dịch vụ tin trực tuyến Wikio

[02/02/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]

Dịch vụ tin tức trực tuyến hoàn hảo sẽ như thế nào? Chúng ta đã biết tới Google News, Digg, Newsvine, và vừa ra mắt mới đây là Daylife - mỗi chương trình đều có tính năng đặc biệt riêng. Ở châu Âu thì còn có một hệ thống nữa là Wikio.

Khởi nguồn nó chỉ là một trang tiếng Pháp (wikio.fr) sau đó có thêm tiếng Đức (wikio.de), tiếng Ý (wikio.it), tiếng Tây Ban Nha (wikio.es), và kể từ tháng 12/2006 có bản tiếng Anh dành cho độc giả người Mỹ (wikio.com).

Wikio tự mô tả là "một trang tin tức được cá nhân hóa, bao gồm cả một công cụ tìm kiếm tin tức giúp tìm các trang media, blog và các ấn phẩm thành viên." Giống như Google News, nó tự động tập hợp tin tức bằng cách đọc rất nhiều trang tin.

Wikio cũng có các blog, nhận những gợi ý về nội dung, và cho phép người sử dụng xếp hạng các bài viết. Người sử dụng có thể tạo ra các trang cá nhân hóa chỉ bằng cách đánh các "tag" giống như các cụm từ khi tìm kiếm. Người sử dụng cũng có thể viết tin của họ.

(Poynter.org)

Cẩm nang báo chí ở Đông Nam Châu Âu

[14/03/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]

Tổ chức Truyền thông Đông Nam Châu Âu (SEEMO) vừa xuất bản cuốn cẩm nang báo chí thường niên, đề cập đến tình hình hoạt động báo chí và luật pháp ở Anbanni, Bosnia Herzegovina, Bungari, Croatia, Cyprus, Hy Lạp, Hungary, Macedonia, Moldova, Rumani, Secbi Montenegro (kể cả Kosovo), Slovakia, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ucraina. Cuốn sách nhằm khắc phục tình trạng thiếu thông tin về hoạt động báo chí trong khu vực này.

SEEMO Media Handbook 2005/2006 đã vẽ một bức tranh toàn cảnh về truyền thông của khu vực – ngành đang phải đối mặt với những áp lực liên tục từ phía chính phủ và các đảng phái chính trị.

Cuốn sách cũng nêu lên một số trường hợp các bộ trưởng và quan chức cấp cao đã đe dọa biên tập viên, nhà báo, đồng thời nói đến những áp lực kinh tế đối với các cơ quan báo chí hiện nay.

SEEMO cũng mời các nhà báo và chuyên gia về truyền thông đóng góp cho cuốn cẩm nang của năm sau bằng việc gửi thông tin về các vụ vi phạm quyền tự do báo chí.

SEEMO là một mạng lưới các nhà báo, biên tập viên và những nhà quản lý báo chí với mong muốn chung là thúc đẩy quyền tự do báo chí và nâng cao chuẩn mực của báo chí trong khu vực Đông Nam Châu Âu. Có trụ sở ở Áo, SEEMO là hội viên của Viện Báo chí Thế giới (IPI), cũng đóng tại thủ đô Viên.

(International Journalists Network)

Tạp chí ảnh Enter tăng thêm nguồn thông tin

[06/02/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]

Một tạp chí trực tuyến dành cho các phóng viên ảnh trên thế giới vừa thêm một mục mới để thông báo về các giải thưởng, học bổng cũng như các sự kiện liên quan đến lĩnh vực ảnh báo chí.

Mục mới này - được gọi là Agenda - là một phần của tạp chí Enter thuộc tổ chức World Press Photo (http://www.enterworldpressphoto.com).

Người sử dụng có thể tìm thấy trong Enter rất nhiều tài nguyên về ảnh báo chí, ví dụ như các các thủ thuật hữu ích, những bài đánh giá, các phần câu hỏi-trả lời của các chuyên gia trong lĩnh vực này, cũng như các bộ sưu tập ảnh.

World Press Photo, có trụ sở tại Hà Lan, hiên tổ chức cuộc thi ảnh hằng năm có quy mô lớn nhất thế giới. Tổ chức này cũng thường xuyên chủ trì các hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm khuyến khích phát triển ảnh báo chí.

(International Journalists Network)

Cẩm nang Internet cho các nhà báo

[27/01/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]

Tổ chức UNESCO phối hợp với Quỹ Thomson và Hiệp hội Phát thanh Truyền hình khối thịnh vượng chung xuất bản cuốn cẩm nang về cách thức sử dụng Internet trong hoạt động tác nghiệp cho các nhà báo.

Cuốn sách "Net for Journalists", do phóng viên kiêm giảng viên Martin Huckerby viết, là nguồn thông tin hữu ích cho cả các phóng viên báo in lẫn phát thanh truyền hình cũng như sinh viên báo chí ở các nước đang phát triển. Đĩa CD kèm theo có một số phần mềm, các nguồn khác và những kế hoạch đào tạo cho các giảng viên.

Cuốn cẩm nang cung cấp cho các nhà báo, nhất là nhà báo thuộc các nước đang phát triển, những kỹ năng thông dụng khi khai thác Internet để lấy thông tin cho các bài viết. Nó bày cách để tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, không chỉ với các thông tin dạng chữ (text) mà cả hình ảnh, âm thanh và video.

Một điều quan trọng của cuốn sách này là nó không chỉ cho biết nên lấy thông tin ở những đâu mà còn chỉ cách thẩm định những thông tin thu được.

Có thể download tại đây.

(UNESCO)
Báo chí dưới cái nhìn xã hội học

[08/04/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]

Những nhóm độc giả nào đọc báo để theo dõi tin tức, mở mang kiến thức và nhóm nào chủ yếu để giải trí? Trước một sự kiện xảy ra quá bất ngờ, các nhà báo đã vận dụng cái “khung giải thích” như thế nào? Không gian công cộng của truyền thông đại chúng mang đặc điểm gì? Phải chăng các phương tiện truyền thông là nguồn gốc dẫn đến tình trạng bạo lực ngày càng tăng và “xã hội thông tin” do Internet tạo ra chỉ là một thứ huyền thoại…?

Những vấn đề đó được tác giả Trần Hữu Quang phân tích, trình bày trong cuốn sách mới nhất của ông: “Xã hội học báo chí”, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (VAPEC) và NXB Trẻ xuất bản.


Như tên gọi, “Xã hội học báo chí” là một công trình nghiên cứu về các vấn đề căn bản của truyền thông đại chúng nói chung, báo chí nói riêng, theo nhãn quan xã hội học. Đây là đóng góp đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu báo chí, bởi vì trước nay, có rất ít các công trình nghiên cứu được triển khai theo phương pháp này.

Một cách nhìn của nhà xã hội học về quá trình truyền thông, nghề báo và hoạt động của của nhà báo, đặc điểm và ứng xử của công chúng truyền thông, tác động xã hội của truyền thông đại chúng… sẽ giúp người đọc phát hiện thêm những khía cạnh mới mẻ, những ý nghĩa bề sâu của một định chế xã hội đang phát triển mạnh nhưng còn chưa được nghiên cứu nhiều ở nước ta.



Tác giả không chỉ dừng lại ở việc trình bày một cách có hệ thống các lý thuyết xã hội học truyền thông đại chúng, mà quan trọng là vận dụng các lý thuyết đó vào việc phân tích, luận giải các vấn đề do thực tế đặt ra. Mặt khác, cuốn sách cũng cung cấp nhiều tài liệu, kết quả điều tra cùng những diễn giải khá thuyết phục từ các kết quả đó.



Một công trình có giá trị, một cuốn sách rất hữu ích cho những ai quan tâm, nghiên cứu lĩnh vực truyền thông đại chúng - đặc biệt là với sinh viên các ngành báo chí, xã hội học.

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Website về hoạt động nghiên cứu-phát triển

[14/01/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]

ResearchSEA, tại địa chỉ http://www.researchsea.com, là một website mới mẻ được lập cách đây không lâu với mục tiêu kết nối giới báo chí với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại châu Á.

Truy cập website này, các phóng viên có thể nắm được nhiều thông tin từ các trường đại học và các viện nghiên cứu trong khu vực. Việc đăng ký hoàn toàn miễn phí.

Thành viên của ResearchSEA sẽ thường xuyên nhận được thông cáo báo chí về những nghiên cứu mới nhất, tin tức về các hội thảo, thông báo về những trung tâm, dự án nghiên cứu cũng như những cuốn sách mời, và cả thông tin để liên hệ với các chuyên gia.

Hiện có 62 viện nghiên cứu và phát triển thuộc 22 quốc gia đã đăng ký với ResearchSEA.

Các phóng viên đăng ký tại
http://www.researchsea.com/html/user/signup_journalist.php

Các thuật ngữ chung liên quan WTO

[26/02/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]

Trong quá trình đọc các tài liệu về WTO, bạn sẽ bắt gặp nhiều thuật ngữ xung quanh các quy định, nguyên tắc, hiệp định của tổ chức này. Tuổi Trẻ Online hệ thống lại các thuật ngữ đó như sau:


Hội nghị Bộ trưởng: Cơ quan quyết định tối cao của WTO, bao gồm các Bộ trưởng của tất cả các thành viên, nhóm họp ít nhất 2 năm 1 lần.

Đại hội đồng: Cơ quan quyết định tối cao của WTO trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị Bộ trưởng; bao gồm các đại diện của các thành viên WTO, thường là các nhà ngoại giao thường trú tại Giơnevơ.

Vòng đàm phán Uruguay: Vòng đàm phán thương mại đa phương bắt đầu từ tháng 9 - 1986 tại thành phố Punta del Esta ở Uruguay, và kết thúc tại Giơnevơ vào tháng 12 - 1993. Các Bộ trưởng đã ký Biên bản cuối cùng ghi nhận các kết quả đạt được tại vòng đàm phán này tại hội nghị Bộ trưởng ở Marrakesh (Marốc) tháng 4 năm 1994.

GATT: Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, là tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Phiên bản mới của hiệp định này từ nay là một phần trong các Hiệp định của WTO.

GATT 1947: Phiên bản cũ của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (trước phiên bản GATT 1994).

GATT 1994: Phiên bản mới của GATT và là một phần của Hiệp định về WTO, điều chỉnh các vấn đề về thương mại hàng hoá.

MFN - Quy chế tối huệ quốc (được ghi trong điều 1 của GATT 1994, điều 2 của GATS và điều 4 của Hiệp định TRIPS): là nguyên tắc bắt buộc một nước không được có sự phân biệt đối xử giữa các nước đối tác trong thương mại.

TPRB, TPRM - Cơ quan kiểm điểm chính sách thương mại - khi Đại hội đồng nhóm họp theo những trình tự bất thường nhằm kiểm điểm chính sách và hoạt động thương mại của các thành viên WTO trong khuôn khổ một Cơ chế kiểm điểm chính sách thương mại.

Chương trình tiếp nối: Các công việc phải tiến hành sau năm 1995 được xác định trong các Hiệp định của WTO.

Chế độ đối xử quốc gia: Nguyên tắc bắt buộc một quốc gia phải dành cho đối tác nước ngoài cùng một chế độ đãi ngộ như đối với các thể nhân và pháp nhân trong nước. Điều III của GATT 1994 qui định các hàng hoá nhập khẩu sau khi hoàn thành thủ tục hải quan phải được đối xử giống như đối với hàng hoá cùng loại trong nước. Điều XVII của GATS và điều 3 của Hiệp định TRIPS cũng đề cập đến những qui định về nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ.

Minh bạch: Sự đánh giá về tính công khai và dễ dự đoán của các chính sách và tập quán thương mại cũng như quá trình triển khai chúng.

ITA - Hiệp định về công nghệ thông tin - còn gọi là Tuyên bố của các Bộ trưởng về thương mại sản phẩm công nghệ thông tin; theo hiệp định này đến năm 2000 các nước tham gia sẽ phải dỡ bỏ thuế quan đối với loại sản phẩm này.

ITA II: các cuộc đàm phán nhằm mở rộng danh mục các sản phẩm trong Hiệp định ITA.

Thương mai điện tử: các hình thức sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm thông qua các mạng lưới viễn thông.

Cố định mức thuế trần: cam kết không được tăng thuế quan lên cao hơn mức đã thoả thuận. Trong trường hợp một mức thuế quan trần được ấn định, sẽ không được phép nâng thuế quan lên cao hơn mức này nếu không có hình thức bù lỗ cho bên bị thiệt hại.

Mức thuế đỉnh: mức thuế quan tương đối cao, thường được áp dụng đối với các sản phẩm "nhạy cảm" trong khi mặt bằng thuế quan chung lại thấp. Đối với các nước công nghiệp phát triển, mức thuế trần15% thường được coi là "mức thuế đỉnh".

Thuế quan: loại thuế áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu. Được tính theo giá trị hàng hoá (theo tỷ lệ phần trăm của giá trị hàng hoá) hoặc theo một cơ sở cố định (ví dụ 7 đô la trên 100 kg). Thuế quan sẽ tạo lợi thế về giá cho các sản phẩm nội địa cùng loại và là một nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Mức thuế hại: mức thuế quan thấp đến mức chi phí cho việc thu thuế còn cao hơn số tiền thu được.

Free-rider - hay quốc gia được hưởng lợi mà không cần phải có đi có lại - Đây là thuật ngữ được sử dụng để chỉ một nước không đưa ra các cam kết nhượng bộ trong thương mại nhưng lại được giảm thuế quan và có được sự nhượng bộ của các nước thông qua đàm phán trên cơ sở nguyên tắc tối huệ quốc.

(Tuổi Trẻ)
Hãng AP phát hành cuốn stylebook mới

[02/07/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]

AP, một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới, vừa ấn hành phiên bản mới nhất của cuốn sách về phong cách viết tin (stylebook), trong đó có cả những chỉ dẫn mới khi viết tin về các chủ đề như Liên minh châu Phi, ngày nghỉ lễ của đạo Hồi và một cách phiên âm một số tên riêng.

Ngoài bản in 2007 của cuốn "Associated Press Stylebook," hãng này còn đưa lên Internet bản điện tử mà bất kỳ phóng viên nào cũng có thể đăng ký. Người sử dụng cũng có thể tra cứu, nhận email về những phần cập nhật cho cuốn sách hoặc thậm chí tự tạo stylebook của riêng mình.

Tuy cuốn sách dựa trên tiếng Anh Mỹ, nó vẫn được coi là một công cụ hữu dụng cho các phóng viên và biên tập viên trên toàn thế giới. Trong sách này còn có một phần chi tiết về các luật báo chí. Có một số từ mới được cập nhật như BlackBerry, Chennai, hip-hop và intefadah.

Chi phí đăng ký online là 25 USD/năm. Các tòa soạn có thể đăng ký mức sử dụng cho nhiều người với giá 200 USD/10 người sử dụng. Bản in giá 17,95 USD.

Xem thêm chi tiết tại http://www.apbookstore.com.
Thế nào là một “bài báo khoa học”?

[14/01/2006 - thaothucsg - Vietnam Journalism]

Báo điện tử VietnamNet số ra ngày 11/3/2004 trong bài phỏng vấn giáo sư Đỗ Trần Cát về tiêu chuẩn mới trong việc phong chức danh giáo sư có một trao đổi đáng chú ý như sau: “Phóng viên: 'Thực ra, đến nay vẫn chưa có định nghĩa nào về ‘bài báo khoa học’. Vậy năm nay, với những sửa đổi như ông nói thì quy định về 'bài báo khoa học' có gì khác?” Trả lời: Bài báo khoa học phải là công trình khoa học chứa đựng kết quả nghiên cứu mới, phù hợp với chuyên ngành đăng ký chức danh. Bài báo đó phải được công bố trên một trong những tạp chí khoa học chuyên ngành quy định. Cụ thể là: Các tạp chí uy tín do các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành lựa chọn, đề nghị thường trực Hội đồng nhà nước về chức danh giáo sư quyết định” (http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2004/03/54931/, truy nhập ngày 22/11/2005)

Bài viết này sẽ nới rộng định nghĩa trên và cụ thể hóa thế nào là một bài báo khoa học xoay quanh ba khía cạnh chính: phân loại bài báo, tập san và cơ chế bình duyệt bài báo khoa học.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ là sản phẩm tri thức, mà còn là một loại tiền tệ của giới làm khoa học, bởi vì qua đó mà người ta có thể đánh giá khả năng chuyên môn và năng suất khoa học của nhà nghiên cứu. Nhưng ngay cả trong giới khoa bảng và giáo sư đại học, có khá nhiều người vẫn chưa biết thế nào là một bài báo khoa học nghiêm chỉnh và có lẽ vì hiểu sai cho nên một số giáo sư đã trình bày trong lí lịch khoa học của mình một cách thiếu chính xác, có khi khá khôi hài.

Nói một cách ngắn gọn, bài báo khoa học (tiếng Anh: “scientific paper” hay có khi viết ngắn là paper) là một bài báo có nội dung khoa học được công bố trên một tập san khoa học (scientific journal) đã qua hệ thống bình duyệt (peer-review) của tập san. Ở đây có ba vế của định nghĩa mà bài này sẽ lần lược bàn đến: nội dung bài báo, tập san, và cơ chế bình duyệt.

Nội dung bài báo khoa học

Giá trị khoa học của một bài báo tùy thuộc một phần lớn vào nội dung của bài báo. Bởi vì báo cáo khoa hoc xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, giá trị của chúng cũng không nhất thiết đồng nhất. Sau đây là một số bài báo khoa học thông thường và tôi xếp loại theo thang giá trị (cao nhất đến thấp nhất).

1/ Những bài báo mang tính cống hiến nguyên thủy (original contributions), nhằm báo cáo kết quả một công trình nghiên cứu, hay đề ra một phương pháp mới, một ý tưởng mới, hay một cách diễn dịch mới. Có khi một công trình nghiên cứu có thể có nhiều phát hiện mới, và cần phải có nhiều bài báo nguyên thủy để truyền đạt những phát hiện này. Cống hiến mới cho khoa học không chỉ giới hạn trong phát hiện mới, mà có thể bao gồm cả những phương pháp mới để tiếp cận một vấn đề cũ, hay một cách diễn dịch mới cho một phát hiện xa xưa. Do đó các bài báo khoa học ở dạng này cũng có thể xem là những cống hiến nguyên thủy.

Tất cả các bài báo này trên nguyên tắc, đều phải thông qua hệ thống bình duyệt trước khi được công bố. 2/ Những bài báo nghiên cứu ngắn (short communications), đây là những bài báo rất ngắn (chỉ khoảng 600 đến 1000 chữ, tùy theo qui định của tập san) mà nội dung chủ yếu tập trung giải quyết một vấn đề rất hẹp hay báo cáo một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng. Những bài báo này vẫn phải qua hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh, nhưng mức độ rà soát không cao như các bài báo cống hiến nguyên thủy. Cần phải nói thêm ở đây là phần lớn những bài báo công bố trên tập san Nature (một tập san uy tín vào hàng số 1 trong khoa học) là “Letters”, nhưng thực chất đó là những bài báo nguyên thủy có giá trị khoa học rất cao, chứ không phải những lá thư thông thường.

3/ Những bài điểm báo (reviews). Có khi các tác giả có uy tín trong chuyên môn được mời viết điểm báo cho một tập san, thường tập trung vào một chủ đề hẹp nào đó mà tác giả phải đọc tất cả những bài báo liên quan, tóm lược lại, và bàn qua về những điểm chính cũng như đề ra một số đường hướng nghiên cứu cho chuyên ngành. Những bài điểm báo thường không qua hệ thống bình duyệt, hay có qua bình duyệt nhưng không chặt chẽ như những bài báo khoa học nguyên bản.

4/ Những bài xã luận (editorials). Có khi tập san công bố một bài báo nguyên thủy quan trọng với một phát hiện có ý nghĩa lớn, ban biên tập có thể mời một chuyên gia viết bình luận về phát hiện đó.

5/ Những thư cho tòa soạn (letters to the editor). Nhiều tập san khoa học dành hẳn một mục cho bạn đọc phản hồi những bài báo đã đăng trên tập san. Đây là những bài viết rất ngắn (chỉ 300 đến 500 chữ, hay một trang-tùy theo qui định của tập san) của bạn đọc phê bình hay chỉ ra một sai lầm nào đó trong bài báo khoa học đã đăng. Những thư bạn đọc thường được gửi cho tác giả bài báo để họ đáp lời hay bàn thêm.

Và sau cùng là những bài báo trong các kỉ yếu hội nghị. Trong các hội nghị chuyên ngành, các nhà nghiên cứu tham dự hội nghị và muốn trình bày kết quả nghiên cứu của mình thường gửi bài báo để đăng vào kỉ yếu của hội nghị. Có hai loại bài báo trong nhóm này:
Nhóm 1 gồm những bài báo ngắn (proceedings papers) thực chất là những bản tin khoa học ngắn (chỉ dài từ 250 chữ đến 500 chữ) mà nội dung là tóm tắt một công trình nghiên cứu. Nhóm 2 gồm những bản tóm lược (abstracts), (khoảng 5 đến 10 trang), mà nội dung chủ yếu là báo cáo sơ bộ những phát hiện hay phương pháp nghiên cứu mới. Cần nhấn mạnh rằng đây không phải là những bài báo khoa học bởi vì chúng chưa xuất hiện trên các tập san khoa học và qua bình duyệt nghiêm chỉnh.

Phần lớn, nếu không muốn nói là 100%, các bài tóm lược đều được chấp nhận cho in trong các kĩ yếu của hội nghị vì ban tổ chức muốn có nhiều người dự hội nghị (cũng có nghĩa là tăng thu nhập cho ban tổ chức) cho nên họ không muốn từ chối một bài báo nào.

Tập san khoa học và hệ số ảnh hưởng

Giá trị khoa học của một bài báo không chỉ tùy thuộc vào nội dung, mà tập san công bố cũng đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn như trong y học một bài báo trên các tập san lớn như New England Journal of Medicine (NEJM) hay Lancet có giá trị hơn hẳn một bài báo trên các tập san y học của Pháp hay Singapore Medical Journal. Điều này đúng bởi vì những công trình nghiên cứu quan trọng thường được công bố trên các tập san lớn và có nhiều người đọc, nhưng quan trọng hơn hết là những tập san này có một hệ thống bình duyệt nghiêm túc.

Uy tín và giá trị của một tập san thường được đánh giá qua hệ số ảnh hưởng (Impact Factor hay IF). IF được tính toán dựa vào số lượng bài báo công bố và tổng số lần những bài báo đó được tham khảo hay trích dẫn (citations). Theo định nghĩa hiện hành, IF của một tập san trong năm là số lần tham khảo trung bình các bài báo được công bố trên tập san trong vòng 2 năm trước. Chẳng hạn như trong 2 năm 1981 và 1982, Tập san Lancet công bố 470 bài báo khoa học nguyên thủy; trong năm 1983 có 10.011 bài báo khác trên các tất cả các tập san (kể cả Lancet) có tham khảo hay trích dẫn đến 470 bài báo đó; và hệ số IF là 10.011/470 = 21,3. Nói cách khác, tính trung bình mỗi bài báo nguyên thủy trên tờ Lancet có khoảng 21 lần được tham khảo đến hay trích dẫn.

Vì yếu tố thời gian của việc tính toán, cho nên hệ số IF cũng thay đổi theo thời gian và cách xếp hạng tập san cũng thay đổi theo. Chẳng hạn như vào thập niên 1990s British Medical Journal từng nằm trong nhóm các tập san hàng đầu trong y học, nhưng đến đầu thế kỉ 21 tập san này bị xuống cấp nghiêm trọng.

Do đó, tập san nào có hệ số IF cao cũng được hiểu ngầm là có uy tín cao và ảnh hưởng cao. Công bố một bài báo trên tập san có hệ số IF cao có thể đồng nghĩa với mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng của bài báo cũng cao. Xin nhấn mạnh là “có thể” mà thôi, bởi vì qua cách tính vừa trình bày trên, IF là chỉ số phản ánh ảnh hưởng của một tập san, chứ không đo lường hệ số ảnh hưởng của một bài báo cụ thể nào. Một bài báo trên một tập san có hệ số IF thấp nhưng có thể được trích dẫn nhiều lần. Chẳng hạn như một bài báo viết về một phương pháp phân tích thống kế trong di truyền học công bố trên tập san Behavior Genetics (với IF thấp hơn 2), nhưng được trích dẫn và tham khảo hơn 10.000 lần trong 20 năm sau đó!

Khiếm khuyết của hệ số IF đã được nêu lên khá nhiều lần trong quá khứ. Ngay cả người sáng lập ra hệ số IF cũng thú nhận những thiếu sót của hệ số này. Một số bộ môn khoa học có xu hướng (hay truyền thống) công bố ra nhiều bài báo ngắn, hay đơn thuần là họ có truyền thống trích dẫn lẫn nhau, thậm chí tự mình trích dẫn mình! Có nhiều nhà khoa học trích dẫn hay liệt kê những bài báo mà họ hoặc là không hay chưa đọc (nhưng chỉ trích dẫn theo sự trích dẫn của người khác, đây là một vi phạm khoa học). Ngoài ra, những bộ môn nghiên cứu lớn (như y khoa chẳng hạn) có nhiều nhà nghiên cứu và con số bài báo cũng như chỉ số trích dẫn cũng tăng theo. Nói một cách ngắn gọn, con số thống kê bài báo và chỉ số trích dẫn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại vi hơn là chất lượng khoa học. Cũng không loại trừ khả năng những công trình nghiên cứu tồi, sai lầm vẫn được nhiều người nhắc đến và trích dẫn (để làm gương cho người khác). Phần lớn những bài báo được trích dẫn nhiều lần là những bài báo liên quan đến phương pháp, hay thuộc loại điểm báo. Nhiều nghiên cứu “tốt”, có chất lượng thường đi trước thời gian, và người ta chỉ hiểu rõ giá trị của chúng sau nhiều năm sau khi công bố.

Dù bíết rằng hệ số IF có nhiều khiếm khuyết như thế, nhưng hiện nay chúng ta chưa có một hệ thống nào công bằng và tốt hơn để thẩm định chất lượng một tập san. Cho nên, hệ số IF vẫn được sử dụng như là một thước đo chất lượng, với một sự dè dặt và cẩn thận cần thiết.

Cơ chế bình duyệt

Sau khi tác giả gửi bản thảo của bài báo đến một tập san chuyên môn, tổng biên tập hay phó tổng biên tập sẽ xem qua bài báo và quyết định bài báo có xứng đáng được gửi ra ngoài để bình duyệt hay không. Nếu không xứng đáng, tổng biên tập sẽ báo ngay (trong vòng 1 tháng) cho tác giả biết là bài báo không được bình duyệt. Nếu thấy bài báo có giá trị và cần được bình duyệt, tổng biên tập sẽ gửi bản thảo cho 3 (hoặc có khi 4) người bình duyệt.

Những người bình duyệt là những chuyên gia, giáo sư có cùng chuyên môn với tác giả và am hiểu về vấn đề mà bài báo quan tâm. Tác giả sẽ không biết những người này là ai, nhưng những người bình duyệt thì biết tác giả là ai vì họ có toàn bộ bản thảo! Những người bình duyệt sẽ xem xét toàn bộ bài báo, và viết báo cáo đề nghị tổng biên tập nên chấp nhận hay từ chối đăng bài báo. Tuy quyết định cuối cùng là của tổng biên tập, nhưng thông thường chỉ một người bình duyệt đề nghị từ chối bài báo thì số phận bài báo coi như “đã rồi”. Giai đoạn này tốn khoảng 1 đến 4 tháng.

Tùy theo đề nghị của những người bình duyệt, tổng biên tập có thể cho tác giả một cơ hội để phản hồi những phê bình của người bình duyệt, hay từ chối đăng bài. Nếu có cơ hội phản hồi, tác giả phải trả lời từng phê bình một của từng người bình duyệt. Bài phản hồi phải được viết như một báo cáo, và tất cả những thay đổi trong bài báo tác giả phải báo cho tập san biết. Giai đoạn này tốn từ 1 đến 3 tháng. Nếu bài phản hồi không trả lời tất cả phê bình, hay trả lời không thỏa đáng, tổng biên tập có thể từ chối đăng bài ngay mà không cần gửi cho người bình duyệt xem lại. Nếu bài phản hồi cần xem xét lại tổng biên tập sẽ gửi cho những người bình duyệt xem lại một lần nữa và tác giả có khi phải phản hồi một lần sau cùng. Giai đoạn này cũng tốn từ 1 đến 3 tháng.

Nói chung một bài báo từ lúc nộp bài cho đến lúc xuất hiện trên mặt giấy – nếu mọi bình duyệt và phản hồi đều trôi chảy – tốn khoảng 9 tháng đến 12 tháng. Bởi vì thời gian quá lâu như thế, cho nên một số tác giả có khi quyết định tự công bố trước dưới dạng sơ bộ (còn gọi là “pre-print”) để chia sẻ với đồng nghiệp.

Cơ chế bình duyệt có mục đích chính là đánh giá và kiểm tra các bài báo khoa học trước khi chấp nhận cho công bố trên một tập chí khoa học và còn được ứng dụng trong việc duyệt những đơn xin tài trợ cho nghiên cứu. Trên nguyên tắc, đây là một cơ chế hay và công bằng, bởi vì những người duyệt bài hay công trình nghiên cứu là những người có cùng chuyên môn, họ chính là những người có thẩm quyền và khả năng đánh giá chất lượng của công trình nghiên cứu. Nhưng nhà khoa học cũng chỉ là những người có tình cảm và thiên kiến, cũng là những người chịu sự chi phối của các nhu cầu tất yếu, cũng cạnh tranh, cho nên kết quả duyệt bài khoa học không phải lúc nào cũng hoàn toàn khách quan. Rất nhiều người từng trải qua cái cơ chế này cho rằng đó là một hệ thống không hoàn chỉnh và có khi thiếu công bằng.

Ý nghĩa xã hội của bài báo khoa học

Đọc đến đây, tôi hi vọng bạn đọc đã hiểu được thế nào là một bài báo khoa học. Xin nhắc lại để nhấn mạnh: một bài báo chỉ khi nào được xem là “bài báo khoa học” nếu nó đã qua cơ chế bình duyệt và được công bố trên một tập san chuyên môn. Những bài báo xuất hiện dưới dạng “abstracts” hay thậm chí “proceedings” không thể xem là những bài báo khoa học bởi vì nó không đáp ứng được hai yêu cầu trên. Thế nhưng trong thực tế đã có rất nhiều nhà khoa học, kể cả ở trong nước, có lẽ do hiểu lầm đã liệt kê những “abstracts” và “proceedings” như là những bài báo khoa học trong lí lịch khoa học của họ! Đối với nhiều người không am hiểu hoạt động khoa học thì những ngộ nhận này chẳng ảnh hưởng gì to lớn, nhưng đối với giới làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, một lí lịch khoa học với toàn những “bài báo khoa học” như thế cho biết nhiều về tác giả hơn là khả năng nghiên cứu khoa học của tác giả.

Trên bình diện quốc gia, công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học, của nước nhà. Ở phương Tây người ta thường đếm số lượng bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên các tập chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia. Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa của nước ta chưa cao. Phần lớn các công trình nghiên cứu tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án. Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án tiến sĩ hay thạc sĩ, nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn.

Nguyễn Văn Tuấn (Theo Tạp chí Tia Sáng. Số 17 - 05.12.2005)
_________________
Để xét đề bạt giáo sư trong các đại học Tây phương, ngoài các tiêu chuẩn về giảng dạy, tài trợ nghiên cứu và phục vụ xã hội, một tiêu chuẩn quan trọng số một là số lượng và chất lượng bài báo khoa học của ứng viên. Theo một qui định gần như “bất thành văn”, muốn được đề bạt lên “assistant professor” (giáo sư dự khuyết) ứng viên phải có từ 3-5 bài báo khoa học; một associate professor (phó giáo sư) phải có từ 30 bài báo khoa học trở lên; và một professor (giáo sư) phải có từ 50 bài báo trở lên. Đây chỉ là những tiêu chuẩn rất chung chung và có thể nói là tối thiểu. Cố nhiên, các tiêu chuẩn này còn tùy thuộc vào trường đại học và chuyên môn, cho nên không ai có thể đưa ra một qui định chính xác được.

Qui định về đạo đức người làm báo.

[03/09/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]

Ngày 13/8, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam như sau:

1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4. Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.
9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác./.

Ra mắt cuốn sách "Trò chuyện với 50 nhà báo"

[09/07/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]

Ngày 8/7, tại trụ sở Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Nghề Báo đã giới thiệu cuốn "Trò chuyện với 50 nhà báo" - ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 80 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đông đảo nhà báo thuộc nhiều thế hệ đã cùng gặp gỡ nhân dịp ra mắt cuốn sách.

Ấn phẩm tập hợp những bài phỏng vấn đã đăng trên chuyên mục "Phỏng vấn những người chuyên đi phỏng vấn" trên tạp chí Nghề Báo (Hội nhà báo TP HCM) trong nhiều năm qua, với những gương mặt quen thuộc và nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ trong làng báo: NSND Phạm Khắc, nhà văn Nguyễn Thúy Ái, nhà báo Tạ Bích Loan, Trần Bình Minh, Nguyễn Công Khế, Huỳnh Sơn Phước, Thái Phong Sương, Thế Thanh, Võ Phi Hùng...

Mỗi bài phỏng vấn không chỉ là những trao đổi quý báu về kinh nghiệm nghề nghiệp mà còn là những cuộc trò chuyện chân tình, cởi mở, thẳng thắn của các nhà báo về chuyện đời, chuyện nghề.

Ngoài ra, bạn đọc trong và ngoài làng báo, sinh viên ngành báo chí phần nào có thể tìm thấy ở quyển sách này nguồn tư liệu bổ ích và lý thú về các giai đoạn phát triển của báo chí Việt Nam.

Sách được phát hành với sự kết hợp của Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, Xí nghiệp In Fahasa, và nhà tài trợ là Công ty Canon./.

(VNExpress)

Tài liệu về các dịch cúm dành cho nhà báo

[04/01/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]

Để giúp làm sáng tỏ các vấn đề khoa học liên quan đến dịch cúm gia cầm và các loại cúm dễ lây lan khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xuất bản một cuốn cẩm nang dành riêng cho các nhà báo.

"Cuốn sách này giới thiết tất cả những gì mà các nhà báo cần biết về cúm, kể cả về cúm gia cầm và nguy cơ dẫn đến đại dịch," WHO thông báo trên website của họ.

Thông cáo báo chí còn cho biết thêm: "Đối với những phóng viên đã hiểu về cúm và cúm gia cầm, cuốn sách cần thiết vì là một tài liệu tham khảo không thể thiếu. Đối với những người còn bỡ ngỡ về vấn đề này, nó giúp việc đưa tin được chính xác đồng thời là một nguồn thông tin quý giá. Dịch cúm gia cầm tiếp tục trở nên nghiêm trọng, vì vậy cuốn sách sẽ được cập nhật liên tục".

Tham khảo tại http://www.who.int/mediacentre/news/new/2005/nw08/en/index.html

(World Health Organisation Media Centre)


Cẩm nang cho phóng viên những khu vực khủng hoảng

[15/04/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]

Chưa bao giờ phóng viên tại những chiến tuyến lại gặp nhiều nguy hiểm như hiện nay nhưng vai trò của họ cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Cẩm nang cho phóng viên những khu vực khủng hoảng (Reporting for Change: A Handbook for Local Journalists in Crisis Areas) do Viện Báo chí Chiến tranh và Hòa bình xuất bản là một cuốn sách hữu ích nhằm giúp các phóng viên khi tác nghiệp trong hoàn cảnh xảy ra những cuộc khủng hoảng lớn.

Có thể đọc bản PDF tài liệu này - của C Bickler, A Borden, Y Chazan, A Davis, S Jukes, J MacLeod, A Stroehlein, S Sullivan, J Vultee, J West - tại địa chỉ http://www.iwpr.net/special_index1.html./.

Giáo trình làm báo có tại VN từ hơn nửa thế kỷ trước

[28/11/2004 - minhlq - Vietnam Journalism]

Một tư liệu tham khảo cần và quý cho những người làm báo ở Việt Nam đã tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ qua và hiện thuộc sở hữu của một gia đình.

Nguyên bản tiếng Pháp "Cours de legislation de la presse" - tạm dịch là "Giáo trình nghề làm báo" - được viết vào khoảng những năm cuối thập niên 30 hoặc đầu thập niên 40 của thế kỷ XX. Sách dày hơn 1.000 trang, gồm tài liệu nghiên cứu có hệ thống về báo chí Pháp.

Bộ sách được chia làm 27 phần: Lịch sử báo chí với tư liệu từ thời cổ đại cho đến những năm 30 của thế kỷ XX; Những kiến thức, phương pháp cơ bản của nghề làm báo: công việc của phóng viên, biên tập... từ văn phong cho tới quan điểm đạo đức, pháp lý...

Sách hướng dẫn phương thức thực hiện những thể loại phóng sự, phỏng vấn và điều tra, thông tín viên, tranh luận, xã luận, phê bình nói chung (phê bình văn học, phê bình sân khấu, phê bình âm nhạc, phê bình nghệ thuật), cho tới những kiến thức cơ bản để thông tin trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, thông tin giải trí, và cả những kinh nghiệm trong việc kinh doanh, phát hành báo chí. Phần phụ lục có đề cập đến vấn đề pháp chế và báo chí.

Hiện tư liệu này thuộc sở hữu của gia đình con cháu ông Trịnh Hồ Thị, bản dịch của Bùi Nam Mạnh, chưa chính thức được in ấn và xuất bản tại Việt Nam./.

BBC cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí

[01/07/2005 - minhlq - Vietnam Journalism]

Hãng truyền thông BBC của Anh vừa cho phép phóng viên trên toàn thế giới truy cập một bộ mođun và hướng dẫn nghiệp vụ trực tuyến vốn chỉ dành cho nhân viên của hãng.

Những phóng viên muốn được đào tạo về các chủ đề như quay video kỹ thuật số, biên tập, phỏng vấn cho đài phát thanh và truyền hình hoặc làm hậu kỳ có thể truy cập các khóa học này của BBC mà không phải trả bất cử khoản phí nào.

Người sử dụng cũng có thể in các bản hướng dẫn này để sử dụng trong quá trình làm việc. Có các loại sách hướng dẫn dùng cho người mới vào nghề, các nhà nghiên cứu hoặc các phóng viên kinh nghiệm muốn nâng cao trình độ.

Để xem hoặc tải tài liệu về các khóa học, hãy truy cập http://www.bbctraining.com/onlineCourses.asp.

Xu hướng báo chí thế giới 2008

[14/08/2008 - minhlq - Vietnam Journalism]



Tài liệu mới nhất của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN) đã nêu ra nhiều xu hướng của báo chí năm 2008: vấn đề đa truyền thông, từ đó đặt ra yêu cầu phải liên thông giữa tòa soạn báo giấy và báo mạng, vấn đề tham gia làm báo của công dân, online video và mobile...

Đa truyền thông

Ngày nay, chẳng còn mấy tờ báo không có website. Ngày càng có nhiều tờ báo tung ra video online, đồ họa flash, blog... Những quy trình làm báo tồn tại hàng thập niên đang lần lượt bị phá vỡ. Ngày nay, nội dung thông tin được phát hành liên tục bằng đủ các phương tiện đa truyền thông. Phải làm sao để tin tức được phát hành thật nhanh. Những xu hướng này bắt buộc các tòa soạn phải tự điều chỉnh cho phù hợp. Có ba lựa chọn:

1/ Liên thông giữa tòa soạn báo in và online.
2/ Hai tòa soạn riêng lẻ.
3/ Hợp nhất hai tòa soạn.

The New York Times

Để thúc đẩy “tư duy đa truyền thông,” báo New York Times (NYT) thành lập một bộ phận mới mang tên “Tin tức liên tục” để chủ trì các cuộc họp buổi sáng giữa các nhóm video, đồ họa, audio và những người phụ trách nội dung online. Cuộc họp quyết định tăng viện nhân lực và vật lực cần thiết để thực hiện những tin tức/phóng sự đa truyền thông được chọn ra trong ngày.

Kết quả như Jim Robert nhận xét: “Bạn có thể thấy rõ mối quan tâm của mỗi bộ phận đối với báo mạng đã cao hơn rất nhiều so với trước kia.”

“Nếu bạn nói với nhân viên rằng họ cần thay đổi nhưng bạn lại không chịu thay đổi không gian vật lý xung quanh họ thì họ sẽ chẳng tin bạn đâu”.
Jan Hart - biên tập viên của De Volkskrant, tờ báo hàng đầu của Hà Lan.

“Hãy thay đổi văn hóa của tòa báo trước khi thay đổi chính tòa soạn”.
Trends in Newsroom 2008

“Người ta không hề mất quan tâm đối với tin tức. Người ta chỉ mất quan tâm đối với cách thức mà các nhà báo ấn định tin tức và giới thiệu những tin tức ấy”.
Mary Nesbitt, giám đốc Viện Nghiên cứu độc giả thuộc Đại học Northwestern, Mỹ

“Truyền thông không đơn thuần là người gác cổng nữa. Vì không ai còn muốn bị xem là người tiêu thụ thông tin”.
Richard Sambrook - giám đốc của BBC Global News

“Trong hai ngày, chúng ta có thể có 50 hay 100 người làm việc cho chúng ta một giờ mỗi ngày. Họ có thể làm được những việc mà thông thường một phóng viên có thể mất đến hai tháng mới làm xong.”
Marc Cooper - trưởng ban biên tập của OffTheBus.com (OTB) - nói về báo chí của công dân
Thông tin nhanh hơn và đầy đủ hơn trên báo mạng có tác dụng thúc đẩy chiều sâu trên báo giấy. Biên tập viên mảng kinh doanh Larry Ingrassia nói: “Báo giấy trở nên giống như tuần báo. Đó là vì báo mạng đã trở nên hơi hơi giống nhật báo. Do đó công việc của chúng tôi là thúc đẩy báo mạng, đồng thời duy trì báo giấy như một thứ mà mọi người cần phải tìm đến.”

Những con số đã cho thấy NYT đang phát triển khá tốt: nytimes.com tiếp tục duy trì vị thế “tờ báo mạng được nhiều người Mỹ ghé thăm nhất”: hơn 17 triệu khách mỗi tháng so với 14,6 triệu hồi tháng 9-2007. Mỗi khách dành 34 phút trên nytimes.com. Tờ báo mạng đứng thứ hai là usatoday.com chỉ được 9,9 triệu khách/tháng, mỗi khách chỉ "dạo" 16 phút.

Thay đổi văn hóa ở NYT:
- Thay đổi về nhịp độ sản xuất tin tức: thay vì “một hạn chót mỗi ngày” (one deadline per day) là chế độ 24/7 (24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần).
- Thay đổi hoạt động của nhà báo: thay vì là nhà báo cho một loại hình báo chí, trở thành “người kể chuyện” (storyteller) cho nhiều loại hình.
- Thay đổi cách tư duy của chính tờ báo: từ “nhà sản xuất báo” trở thành “nhà cung cấp nội dung.”
- Thay đổi cách nhìn về bạn đọc: bạn đọc trở thành trung tâm và là người quyết định (thay vì tờ báo là trung tâm và quyết định luôn người ta đọc gì).

The Daily Telegraph

Sau chuyến đi học tập kinh nghiệm vòng quanh thế giới (Mỹ, Nam Mỹ, Nhật Bản và châu Âu), năm 2006 tổng biên tập Will Lewis đưa ra kế hoạch cải tổ. Kế hoạch này bắt đầu từ việc dồn các nhà báo vào một tầng lầu, trong một không gian mở, rộng lớn. Không thể nào có sự liên thông nếu vẫn tiếp tục tồn tại các vách ngăn vật lý.

Daily Telegraph áp dụng mô hình “trục nan hoa,” trong đó bộ phận mạng được xóa sổ với tư cách một bộ phận riêng lẻ, nhưng lại là cấu thành không thể thiếu trong mọi quy trình biên tập và phát hành. Giờ đây tất cả bộ phận (ban) dọc mỗi “nan hoa” đều có một nhà báo online. Các trưởng ban ngồi ở đầu “nan hoa” gần sát khu trung tâm, tiện cho việc hội họp ở chiếc bàn lớn ở ngay giữa.

Để có các video clip tốt
- Độ dài của video clip: 2-3 phút.
- Thời gian sản xuất: trung bình 2-4 giờ, hay cứ một phút video mất một giờ sản xuất.
- Số lượng sản xuất: nhật báo thực hiện 4-8 video/tuần, tuần báo 1-4 video/tuần.
Xác định được ba giờ cao điểm trên mạng (8g-10g, 12g-14g và cuối giờ làm việc), tổng biên tập Will Lewis đưa ra lịch trình phát hành tin mới, trong đó nhấn mạnh sự khác biệt giữa các loại hình báo chí theo thói quen của độc giả ở từng thời điểm trong ngày. Biên tập viên báo mạng Edward Roussel nói: “Chúng tôi phát hiện rằng trước tiên độc giả muốn nắm được chuyện gì đang xảy ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn gọn. Sau đó, vào giờ ăn trưa, độc giả muốn xem những thứ nhàn nhã hơn. Đó chính là lúc chúng tôi tăng cường video. Vào khoảng thời gian cuối ngày làm việc, Daily Telegraph tung ra TelegraphPM - một bản e-news dạng PDF - để độc giả có thể tải về và in ra thành tờ báo của chính họ.”

Figaro.fr: tiếp cận thương mại, tận dụng sức mạnh của báo giấy

Nhật báo Pháp Le Figaro tung ra trang web Lefigaro.fr và nghiêng về hướng thương mại. Năm 2005. Lefigaro.fr chỉ có sáu nhà báo, tạo ra thu nhập vỏn vẹn 1 triệu euro. Năm 2007, Tập đoàn Figaro đã tuyển dụng 450 nhân viên cho báo mạng, tạo ra 15% tổng thu nhập của tập đoàn. Báo mạng của Le Figaro mang tính thương mại hơn là nội dung: trong số 450 nhân viên nói trên chỉ 120 người làm nội dung và khoảng 40 người là phóng viên chính thức (ở báo giấy 350 nhà báo).

Le figaro.fr tạo ra thu nhập thông qua các dịch vụ cổng thông tin với chút ít “hương vị báo chí”: cung cấp hàng loạt dịch vụ từ bán vé, mua sắm cho đến những trò chơi mới nhất. Để xây các dịch vụ này, Tập đoàn Figaro đổ tiền mua các trang web uy tín như trang thể thao Sport24.com, trang tin thị trường BazaarChic, trang bán vé xem kịch Tich e Tac...

Bạn đọc - cuộc cách mạng thật sự của báo chí

Ngày nay, tin tức đang tràn ngập mọi nơi. Điện thoại di động, máy ảnh số, blog, mạng xã hội, email, chat... tất cả đều đang tạo thuận lợi cho việc kiến tạo nội dung ở mức độ mà mới chỉ hai thập niên trước đây chúng ta không thể nào hình dung nổi. Đó chính là sự tham gia làm báo của mọi người, ở mọi nơi và vào mọi lúc. Các tờ báo ngày nay đang đối mặt với UGC (User Generated Content - Nội dung tạo ra bởi người sử dụng) hay còn gọi là “báo chí của công dân,” một mảng chủ đạo trong hoạt động của báo chí.

Kết quả cuộc điều tra trên 3.000 nhà lãnh đạo truyền thông tại cuộc triển lãm Ifra Expo cho thấy có đến 40% trong số họ tin rằng chỉ trong ba năm nữa nội dung báo họ sẽ là UGC. Phần lớn người được hỏi đều tin rằng những trang mạng xã hội như MySpace hay Facebook sẽ trở thành những người khổng lồ trong nền công nghiệp tin tức tương lai.

Tháng 7-2007, tại một diễn đàn do Hãng quảng cáo Northlich tổ chức, Tom Callihan, phó chủ tịch tờ The Enquirer, đã mô tả UGC là “cách thức để các tờ báo tái tạo chính mình trong cuộc cạnh tranh để sinh tồn.” Ông nhấn mạnh: “Phải thay đổi (vận dụng UGC) hay là chết!”

Mạng xã hội - từ Facebook đến Skyrock
Được Mark Zuckerberg khai sinh từ năm 2004, Facebook đã bùng nổ vào năm 2007, trở thành một mạng xã hội “hot” nhất thế giới với 69 triệu người tham gia, trở thành một không gian ảo được đông đảo người tham gia nhất thế giới. Tháng 10-2007, Microsoft đầu tư 240 triệu USD để sở hữu 1,6% cổ phần của Facebook. Giá trị của trang mạng xã hội này đã tăng lên đến 15 tỉ USD.

Skyrock là một mạng xã hội có khả năng thích ứng rất cao, có thể sử dụng cho các cộng đồng lớn lẫn các thị trường đặc thù. Nó hiện đứng thứ 17 thế giới về số lượng page view, vượt qua cả eBay và Amazon.com. Skyrock có đến 22 triệu người đăng ký tham gia, 14 triệu blog, 5 triệu tiểu sử, 20,2 triệu khách tham quan mỗi tháng, 1,8 tỉ bình luận, 22,5 triệu video clip, 400 triệu bức ảnh.
Callihan giới thiệu hai thử nghiệm của The Enquirer về UGC: trang web GetPublished và CincyMoms. Đó là những trang web cộng đồng (vùng xung quanh Cincinnati và bắc Kentucky, Mỹ) với nội dung do chính người sử dụng kiến tạo. Thống kê đến tháng 5-2007 cho thấy GetPublished có 1.180 tin tức/phóng sự, 523 ảnh, 864 thông báo sự kiện, hơn 157 pageview và tăng trưởng với tốc độ đều đặn 16%/năm.

Sự tham gia của người đọc đôi khi còn đóng vai trò mấu chốt. Đó là trường hợp đưa tin về trận lũ lụt tại Anh vào tháng 6-2007 của tờ Grimsby Telegraph. Chỉ trong ngày đầu của trận lũ, bản online của báo này - Thisisgrimsby.co.uk - đã đưa 33 bản tin nóng về trận lũ. Bốn ngày sau có đến 80 bài viết được đưa lên. Thông qua phần bình luận, người đọc được báo động về những khu vực bị lũ tàn phá nặng. Thisisgrimsby.co.uk còn trình làng ba video clip, 200 bức ảnh về trận lũ do người dân tự quay, tự chụp. Nhờ các hoạt động này, Thisisgrimsby.co.uk đã tăng gấp ba lần số lượng khách tham quan, giúp báo giấy tăng 3.700 bản bán ra trong cùng thời gian.

Online video vào cuộc

Online video - Vì sao? Cách nào?
- Giá trị cộng thêm: không nên làm Internet video vì bạn “có thể làm” mà hãy làm vì bạn “cần phải làm” để giúp bạn đọc hiểu hơn các bài viết của bạn.
- Phản ứng nhanh: một ưu thế so với truyền hình là video online có thể tung ra ngay sau khi vừa quay xong và biên tập nhanh. Công nghệ ngày một hiện đại giúp video online cạnh tranh trực tiếp với truyền hình và bất cứ ai có điện thoại di động kết nối Internet.
- Ngắn gọn: thế mạnh của Internet video là những thông tin, những clip ngắn, vui, cung cấp cho người xem đúng ngay điều mà họ cần trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
- Liên kết với các nhà sản xuất video chuyên nghiệp: đôi khi báo bạn không thể làm được tất cả mọi thứ.
Không giống như sự phát triển của truyền hình, sự đi lên của Internet video được xem là một cuộc cách mạng truyền thông có thể hậu thuẫn cho báo in. Khi mà băng thông ngày một rộng hơn trên khắp thế giới, các tờ báo cũng phải tập thích ứng với thói quen đang thay đổi của người đọc và bổ sung video vào hoạt động của mình. Các nghiên cứu đều dự đoán video online sẽ phát triển mạnh trong thời gian sắp tới.

Mobile: di chuyển cùng người đọc

Với 3 tỉ người khắp thế giới dự kiến được trang bị điện thoại di động vào năm 2010, mobile đang tỏ ra là một loại hình đầy triển vọng. Ngày càng có nhiều tờ báo tạo ra thu nhập từ mobile. Năm 2007, DallasNews của Mỹ thu nhập 500.000 USD từ mobile, trong khi Aftonbladet của Thụy Điển thu nhập 600.000 euro. Từ 2002-2006, Asahi Shimbun của Nhật Bản đã bán hơn 1 triệu đăng ký cho tin tức thể thao, 21.000 đăng ký mua báo qua mobile...

Đi cùng với xu hướng di động này cũng phải kể đến e-paper - một dạng báo đọc trên các thiết bị di động, trung thành với hình thức trình bày của báo giấy và thích ứng với thói quen của người đọc báo giấy. Theo nghiên cứu của Tập đoàn Nano-Markets, giá trị thương mại của e-paper trên khắp thế giới sẽ đạt đến 2 tỉ USD vào năm 2012 và hơn 4 tỉ USD vào năm 2014.

(Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tiếng "Tây" làm hỏng tiếng ta

[30/04/2008 - minhlq - Vietnam Journalism]



Có thể nói không ngoa rằng, hiện nay có nhiều người Việt Nam bỗng nhiên trở nên mù chữ vì không đọc được và hiểu được hết những gì người ta viết trên báo chí của Việt Nam. Đó là do sự du nhập ồ ạt các từ ngữ nước ngoài vào tiếng Việt mà không có sự kiểm soát của ý thức xã hội.


Sự vay mượn từ ngữ tiếng nước ngoài luôn luôn xảy ra đối với mọi ngôn ngữ. Tuy nhiên, đối với nhiều ngôn ngữ, sự vay mượn đó được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ý thức xã hội mà đại diện là những cơ quan hay tổ chức có đủ quyền lực để quyết định về những trường hợp vay mượn cụ thể.

Mục đích của sự kiểm soát này trước mắt là nhằm bảo vệ sự trong sáng của tiếng nói của dân tộc, nhưng về lâu dài là bảo vệ ngôn ngữ dân tộc khỏi sự diệt vong. Hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới đang mất đi với nhịp độ rất nhanh trước sự truyền bá rộng rãi của một vài ngôn ngữ lớn.

Báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng nói chung được coi là công cụ vừa để phổ biến tiếng chuẩn của ngôn ngữ dân tộc vừa để bảo vệ tiếng mẹ đẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố ngoại lai.

Đọc thêm:

Tiếng "Tây" không làm sang tiếng Việt


Ấy thế nhưng ở ta, nhiều người đang nắm giữ các phương tiện thông tin đại chúng lại không thấy được vai trò xã hội của mình. Không những thế, chính các phương tiện thông tin đại chúng lại đang góp phần đáng kể, nếu không muốn nói là chủ yếu, vào việc làm cho tiếng mẹ đẻ bị méo mó đi, thông qua việc tiếp nhận và sử dụng thiếu nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài.

Nhờ vào sức mạnh tác động của mình, một số phương tiện thông tin đại chúng đã và đang góp phần phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, và hơn thế nữa, đang làm cho nhiều người Việt Nam trở nên mù chữ từng phần.

Thật là khó tưởng tượng nổi khi mà chỉ trên một trang của một tờ báo nọ (xin miễn nêu tên), chúng tôi đã nhặt ra được cả chục câu viết lai căng, lổn nhổn những từ nước ngoài - đó là những câu viết hoặc câu nói đặc trưng cho các biệt ngữ mà dạng gây ác cảm nhất đối với xã hội là tiếng lóng. Quả thực, đọc những ví dụ sau đây, nhiều người không khỏi nghĩ đến một thứ tiếng lóng:

- Cô bé hát dân ca hay, là giọng ca trẻ của tỉnh Nghệ An, thường xuyên tham dự những program ca nhạc đài truyền hình tỉnh tổ chức.

- Trả lời câu hỏi, các teen muốn bước chân vào nghề MC cần có những yếu tố gì, chị trả lời hồn nhiên: Với lứa tuổi bọn em, để làm MC tốt thì phải tự tin, bản lĩnh, có kiến thức chuyên môn, có duyên, đặc biệt phải lỳ và liều.

- Nét lỳ và liều ở cô MC trẻ trung này chính là việc không có năng khiếu dẫn vẫn giới thiệu rất oai trong profile như thế.

- ... Dẫu sao trở thành một MC có hiểu biết thì vẫn hơn là một MC diễn theo kịch bản.

- Tại sao mình không được như những bạn gái khác, đi chơi, đi shopping.

- Thời gian vừa qua, Diễn đàn tuổi teen đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ 8X, 9X.

- Trong số đầu tiên, mời các bạn hãy cùng tìm hiểu về công việc MC - một người được đa số các teen đang tham gia và đạt được một số thành công bước đầu.

- Một trong sô đó là Diệp Chi - MC của gameshow truyền hình dành cho sinh viên...

Tôi không biết có bao nhiêu độc giả Việt Nam đọc được và hiểu được hết ý nghĩa của những câu nói lai căng mang màu sắc tiếng lóng như thế, bởi vì trong bài, người ta không hướng dẫn cách đọc cũng không giải thích ý nghĩa của những từ ngữ vay mượn của tiếng nước ngoài.

Nhưng tôi dám chắc rằng, khi đọc cái thứ tiếng Việt này, nhiều độc giả cảm thấy mình bị coi thường, bị hạ thấp vì đó là những câu viết rất cẩu thả, vi phạm rất nhiều nguyên tắc của chuẩn mực tiếng Việt. Các từ ngữ nước ngoài được bê nguyên xi vào trong tiếng Việt mà hoàn toàn không có một chút Việt hoá nào. Điều này chắc chắn sẽ làm cho nhiều độc giả không đọc được hết tiếng Việt, và như vậy, họ trở nên mù chữ từng phần.

Có lẽ ngày nay, nhiều người nghĩ rằng, khi nói hay viết mà có đệm tiếng Tây thì câu nói hay câu viết của mình sẽ sang trọng hơn, bản thân họ sẽ được đánh giá cao hơn. Và vì cái sự sang này mà người ta cứ cố chêm cho bằng được một từ tiếng Tây vào những câu nói hay câu viết mà chẳng cần biết cái từ tiếng Tây đó có làm cho tiếng Việt trở nên trong sáng hơn không, rõ nghĩa hơn không.

Chẳng hạn, trong một tờ báo khác, người ta cho chạy một hàng chữ lớn: Những ngành hot ở các trường đại học trong năm 2007. Độc giả bình thường có thể đặt câu hỏi: Tại sao người ta phải cố chêm cái từ "hot" (nóng) của tiếng Anh (vốn là từ biệt ngữ trong tiếng Việt) vào nhan đề hết sức nghiêm túc như vậy? Cái từ "hot" của tiếng Anh đó liệu có làm cho tên báo trở nên rõ nghĩa hơn hay diễn cảm hơn không? Và, không biết nên đọc cái từ tiếng Anh đó là hót hay hốt?

Ở một tờ báo khác, khi viết về một vấn đề văn hóa, người ta đã chêm xen từ ngữ nước ngoài để tạo ra cách viết nửa Tây nửa ta rất khó hiểu như sau: Nhạt liveshow, đậm phòng trà, trong đó liveshow được hiểu là biểu diễn ca nhạc sân khấu lớn còn phòng trà ở đây là phòng trà ca nhạc, sân khấu ca nhạc mini, ở đó biểu diễn ca nhạc mà các ca sĩ hát trực tiếp. Hay: Sau mùa liveshow và ào ạt ra mắt album mới vào cuối năm, phần lớn các ca sĩ tên tuổi dành khoảng thời gian sau tết để nghỉ ngơi, du lịch...

Đó thực sự chỉ là thói sính dùng từ nước ngoài, một cách làm sang nhờ vào tiếng Tây. Cách nói chêm nguyên xi từ nước ngoài vào các câu văn như vậy hoàn toàn chỉ là sở thích của các cá nhân chứ không phải là việc làm xuất phát từ nhu cầu ngôn ngữ hay trách nhiệm xã hội của nhà báo đối với ngôn ngữ dân tộc.

Hiện tượng sính dùng từ nước ngoài còn tạo ra những cách nói hay cách viết hết sức phi lí. Phi lí là do người ta sử dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa của các từ vay mượn. Chẳng hạn, trong một tờ báo, người ta đưa tin như sau:

Đồng Nai: Nhóm côn đồ tuổi teen tấn công trưởng công an xã.

Lúc 1 giờ sáng ngày 21/2, một nhóm côn đồ tuổi từ 19 đến 22 đã dùng gạch, đá, gậy tấn công trung tá Hoàng Đình Sấm...

Quả thật, nếu dịch đoạn văn này cho người Anh nghe thì có lẽ họ sẽ vô cùng ngạc nhiên vì tuổi teen ở Việt Nam lại bao gồm cả tuổi "ty" (tuổi hai mươi trở lên).

Và họ sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa, khi mà ở một tờ báo khác, tuổi teen được quan niệm là độ tuổi từ hai mươi trở lên, vì tác giả một bài báo viết về các cặp nam nữ tuổi teen đi nhà nghỉ như sau: Đặc điểm chung của những cặp này là đều rất trẻ, thậm chí dưới 20 tuổi.

Có thể thấy rằng, việc du nhập vô nguyên tắc các từ ngữ nước ngoài đang làm cho tiếng Việt trở nên rối rắm, khó hiểu và kì lạ. Đã đến lúc cần phải có một chính sách ngôn ngữ hợp lí để dọn dẹp những rác rưởi mà các cá nhân đã tạo ra do thái độ vô trách nhiệm đối với ngôn ngữ dân tộc, để không đến nỗi người Việt Nam ta trong thế kỉ hai mốt này lại không thể đọc trôi chảy một trang báo viết bằng chính tiếng mẹ đẻ.

TS.Lê Đình Tư
(Tri Thức Trẻ)
Qui ước Ingelfinger và báo chí

[27/02/2008 - Nguyễn Văn Tuấn - Vietnam Journalism]

Báo chí nước ta, kể cả báo mạng, thường có chuyên mục “khoa học” hay “sức khỏe” nhằm cung cấp những thông tin khoa học. Một vấn đề đáng quan tâm là có rất nhiều thông tin về thành tựu nghiên cứu khoa học ở trong nước đã được cung cấp cho công chúng nhưng lại chưa bao giờ được công bố trên các tập san khoa học quốc tế hay qua bình duyệt.

Có một qui ước rất phổ biến trong truyền thông khoa học có tên là Qui ước Ingelfinger. Theo đó, giới truyền thông chỉ có quyền cung cấp những thông tin khoa học sau khi những thông tin này đã được công bố trên tập san khoa học.

Khoa học là một lĩnh vực hoạt động phức tạp và khá đặc biệt, bởi vì sản phẩm của khoa học là tri thức và thông tin chứ không phải những sản phẩm cụ thể như đồ gia dụng. Chính vì thế mà công chúng thường không có hiểu biết về khoa học. Một cuộc điều tra lớn ở Mỹ (nơi mà trình độ dân trí cao) cho thấy chỉ có khoảng 30% đến 40% người được hỏi trả lời đúng những câu hỏi về kiến thức phổ thông liên quan đến y tế và khoa học. Phần lớn công chúng tiếp cận thông tin khoa học qua hệ thống truyền thông đại chúng, kể cả báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, và internet.

Do đó, chất lượng về hiểu biết khoa học của công chúng tùy thuộc một phần lớn vào chất lượng thông tin khoa học mà hệ thống truyền thông đại chúng chuyển tải. Nhưng chất lượng của thông tin khoa học do truyền thông đại chúng chuyển tải tùy thuộc vào nguồn thông tin, tức là trung tâm thực hiện nghiên cứu và tập san khoa học. Mối tương tác giữa khoa học và truyền thông chịu sự chi phối của các tập san khoa học.

Ở nước ngoài, quá trình chuyển tải thông tin khoa học đến công chúng thường tuân thủ theo một qui ước có tên là Qui ước Ingelfinger. Năm 1969, bác sĩ Franz J. Ingelfinger được bổ nhiệm làm tổng biên tập tập san New England Journal of Medicine (NEJM), một tập san có lịch sử trên 100 năm và cho đến nay vẫn là tập san số 1 trong ngành y. Khi mới nhậm chức, ông phát hiện một số công trình nghiên cứu khoa học đang được xem xét cho in hay sắp in trên tập san NEJM đã được hệ thống truyền thông đại chúng công bố trước! Không hài lòng trước tình trạng “cầm đèn chạy trước ôtô” này, ông đề ra một qui ước mà sau này được biết đến là Qui ước Ingelfinger. Theo Qui ước Ingelfinger, NEJM sẽ không công bố bất cứ bài báo nào nếu kết quả bài báo đó đã được các cơ sở truyền thông đại chúng đưa tin.

Thoạt đầu Qui ước này bị giới báo chí phản đối dữ dội, và ngay cả giới y khoa cũng không đồng tình. Nhưng ngày nay tất cả các tập san khoa học đều chấp nhận đây là một biện pháp để đảm bảo chất lượng thông tin y khoa đến công chúng.

Để hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa của Qui ước Ingelfinger, có lẽ cần phải điểm qua vài nét chính trong qui trình nghiên cứu khoa học. Xin nói thêm rằng tôi chỉ nói đến nghiên cứu khoa học thực nghiệm, như y sinh học, vốn có truyền thống tương tác với truyền thông, chứ không nói đến các ngành “khoa học cơ bản” như toán học.

Sau khi một công trình nghiên cứu được hoàn tất, nhà nghiên cứu thường trình bày kết quả trong một (hay vài) hội nghị chuyên ngành cấp quốc tế hay quốc gia dưới hình thức một bài báo ngắn. Mục đích chính của việc trình bày kết quả trong hội nghị là xin ý kiến phản biện của các đồng nghiệp. Sau khi đã có những ý kiến phản biện, nhà khoa học soạn một báo cáo đầy đủ hơn và đệ trình cho một tập san chuyên ngành để được bình duyệt (hay phản biện) nghiêm chỉnh hơn. Qua bình duyệt, bài báo có thể được chấp nhận hay từ chối cho công bố. Theo Qui ước Ingelfinger, chỉ khi nào bài báo được công bố trên một website hay báo giấy của tập san thì nhà nghiên cứu mới có quyền được tiếp xúc với giới truyền thông đại chúng để nói về thành quả nghiên cứu của mình. Trong thời gian bài báo còn được bình duyệt, hay ngay cả sau khi đã được chấp nhận cho công bố nhưng chưa đưa lên website, nhà nghiên cứu vẫn không có quyền tiếp xúc với truyền thông.

Do đó, một khi bản tin được chuyển tải đến công chúng, thì các chi tiết về ý tưởng, phương pháp, kết quả, và diễn giải của công trình nghiên cứu được phê bình và duyệt qua bởi những chuyên gia trong ngành, và đảm bảo chất lượng của thông tin. Nếu không qua khâu “nội bộ” này thì công chúng không thể biết công trình nghiên cứu đó có giá trị khoa học ra sao, phương pháp đúng hay sai, cách suy luận có quá đà hay không, v.v…

Nhưng Qui ước Ingelfinger không phải là luật, nên vẫn có một số nhà khoa học vì lí do nào đó vi phạm. Năm ngoái, một chuyên gia về bệnh tim mạch, giáo sư Martin Leon, tiết lộ với báo chí về kết quả của một công trình nghiên cứu mà ông bình duyệt cho tập san NEJM, nhưng công trình chưa được công bố. Hệ quả là ông bị tập san “kỉ luật”, không cho công bố bài báo trên tập san trong vòng 5 năm, và cũng tướt luôn vai trò chuyên gia bình duyệt cho tập san.

Việc công bố kết quả nghiên cứu một cách hấp tấp trên hệ thống truyền thông đại chúng có khi dẫn đến hệ quả nghiêm trọng, vì nó tạo nên một sự hi vọng hảo huyền. Vào thập niên 1980, báo chí Mĩ rầm rộ đưa tin rằng một nhóm bác sĩ bên Mỹ đã thành công điều trị bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) bằng cách bơm bethanechol chloride vào não. Vì bệnh Alzheimer là bệnh nan y (ông Ronald Reagan từng mắc bệnh này trong thời gian làm tổng thống Mỹ), không có thuật điều trị dứt, cho nên báo chí Mỹ lúc đó ca ngợi đây là “một sự đột phá trong việc điều trị bệnh Alzheimer”, và “các bác sĩ hi vọng rằng bệnh Alzheimer sẽ được chinh phục nay mai”! Nhưng sự thật là họ chỉ điều trị 4 bệnh nhân, và kết quả được đánh giá một cách chủ quan theo cảm nhận của bác sĩ. Đến khi thuật điều trị đó được áp dụng cho vài bệnh nhân khác, kết quả hoàn toàn vô dụng, và bản tin trở nên câu chuyện hài hước trong giới y khoa.

Ở nước ta trong thời gian gần đây, có quá nhiều thông tin khoa học được báo chí đưa tin nhưng chưa bao giờ được công bố trên các tập san quốc tế, và chưa bao giờ qua bình duyệt bởi giới chuyên môn. Vài tuần qua, giới khoa học trong và ngoài nước xôn xao về bản tin cho biết các nhà khoa học Việt Nam đã thành công trong việc ứng dụng kĩ thuật tế bào gốc để điều trị một bệnh nhân bị hỏng mắt (hội chứng Stevens – Johnson). Nhưng theo dõi tin tức thì thấy một số chuyên gia trong hội đồng nghiệm thu đề án nghiên cứu tỏ ra dè dặt trước kết quả này vì họ cho rằng có thể các nhà nghiên cứu do hiểu lầm về thành quả của mình và hiểu lầm này có thể xuất phát từ vấn nạn thiếu thông tin khoa học. Thật ra, vì nghiên cứu này chưa bao giờ được công bố trên một tập san khoa học quốc tế, nên rất khó mà đánh giá thành tựu của công trình nghiên cứu này.

Tôi thấy ý kiến của giáo sư Nguyễn Văn Thuận là hoàn toàn hợp lí khi ông nói “Mọi công trình nghiên cứu phải được đánh giá thông qua các tạp chí khoa học thế giới. Như vậy, không cần phải có hội đồng nghiệm thu làm mất thời gian mà lại tranh thủ được sự góp ý của các nhà khoa học trên thế giới trong nghiên cứu của mình.” Để tiếp theo ý này của giáo sư Thuận, tôi xin trích lại câu nói nổi tiếng của giáo sư Frank Davidoff, cựu tổng biên tập tập san Annals of Internal Medicine (một tập san y học hàng đầu trên thế giới) rằng “khoa học chỉ tồn tại sau khi kết quả của nghiên cứu khoa học được công bố trên các tập san quốc tế.”

Cũng cần nói thêm rằng vì năng suất khoa học nước ta (tính theo số lượng bài báo khoa học trên các tập san quốc tế) còn quá khiêm tốn. Tôi đã làm phân tích và thấy số lượng bài báo khoa học Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Singapore và 1/5 của Thái Lan. Do đó, vấn đề công bố quốc tế cần phải được xem là một chuẩn mực trong hoạt động khoa học ở nước ta. Thực hiện chuẩn mực này sẽ đảm bảo chất lượng thông tin khoa học tốt hơn trong tương lai.

Có thể xem các bài báo trên các tập san khoa học như là những viên gạch để xây dựng kho tàng tri thức con người. Trong thời kì hội nhập quốc tế, thiết tưởng đã đến lúc giới truyền thông Việt Nam nên áp dụng Qui ước Ingelfinger để đảm bảo chất lượng thông tin khoa học cho công chúng. Giới truyền thông chỉ nên công bố những thành quả khoa học nào đã qua bình duyệt bởi chuyên gia, hay đã được công bố trên một tập san khoa học quốc tế.

Tiếng Việt đang khủng hoảng?

[30/04/2008 - minhlq - Vietnam Journalism]

Chúng ta không thể không cảm thấy xót xa khi thế hệ trẻ có riêng "một cách tạo từ vựng mới", vô hình trung dựng nên khoảng cách lớn giữa các thế hệ trong gia đình (ví dụ: ặc ặc, seo mừ pậy pạ wúa, vìa dzụ nè hén, mẹc mẹ ló đei...).

Chúng ta không thể không cảm thấy xót xa khi nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phát biểu trước những hội nghị, hội thảo lớn lại có thể nhầm lẫn phát âm "l" thành "n" và ngược lại...

Chúng ta càng xót xa hơn khi đa số đám đông chỉ "cười xòa", bình thản trước sự lẫn lộn này mà không hề có bất kỳ thái độ phản ứng nào khác. Sự bình thản trước những hiện tượng bất thường này không tìm cũng thấy trong nhiều vấn đề khác của xã hội.

Và trong lĩnh vực ngôn ngữ học, thái độ đó đang đẩy tiếng Việt của chúng ta vào sự khủng hoảng. Vậy có muộn không khi chúng ta cần thẳng tay tuyên chiến với sự thật này?

GS.TS Nguyễn Như Ý - Nguyên Viện phó Viện Ngôn ngữ học: Nên thiết kế chương trình giáo dục ngôn ngữ cộng đồng trong thời gian dài

Vấn đề nêu trong bài viết này nếu được quan tâm đúng mức chắc chắn sẽ góp phần làm dịu bớt cơn khủng hoảng của tiếng Việt hiện nay. Nói năng, viết lách chính xác, chuẩn mực, trong sáng trước hết là phẩm chất tất yếu mà mỗi cá nhân phải trau dồi từ bé đến lớn, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi ra làm việc, sống giữa mọi người, chứ không còn là yêu cầu xã hội như lâu nay ta vẫn nghĩ.

"Các phương tiện truyền thông đại chúng phải dấy lên một phong trào bảo vệ tiếng Việt, tiếp tục đưa phong trào "Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt" vào cuộc sống để tiếng Việt mãi "giàu và đẹp" trong tầm thức của mỗi người Việt Nam."
GS-TS Văn Giá, khoa Sáng tác Văn học, ĐH Văn hóa
Để làm được điều đó, trước hết phải làm cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ ý thức được giá trị của ngôn ngữ nói và viết. Đồng thời tạo ra hệ thống xã hội quan tâm, chăm sóc, uốn nắn, dạy bảo, kiểm soát lời nói ra của mỗi con người, không thể chỉ dừng lại ở việc "đánh động" như "chống dịch H5N1" mà cần phải tìm ra loại vắc-xin "tiêm" vào lớp trẻ để "chiến đấu" với loại "vi khuẩn" gây "mầm bệnh".

Theo tôi, chúng ta nên thiết kế một chương trình và lộ trình khả thi với sự đồng thuận, sự hợp lực tự giác của tất cả các cá nhân, tổ chức (trường học, cơ quan, doanh nghiệp, báo chí...) cùng thực hiện chức năng giáo dục ngôn ngữ cộng đồng trong một thời gian dài.

TS. Hà Quang Năng - Trưởng Phòng Từ vựng tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học: Tiếng Việt đang bị biến dạng trong giới trẻ

Chúng ta có thể thống kê sự khủng hoảng của tiếng Việt ở mọi cấp độ, mọi nơi, mọi lúc và đặc biệt đang bị biến dạng trong giới trẻ khi có quá nhiều từ tiếng Anh, từ lóng được dùng chêm vào một cách tùy tiện.

Hiện tượng phổ biến trong ngôn ngữ, cách sử dụng văn phong của giới trẻ là biến cái sai thành thói quen, một cách có hệ thống để trở thành cái đúng.

Chẳng hạn như "xì-tin" (style) là một từ sai, nhưng lại được sử dụng khá phổ biến và được mọi người công nhận. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng đó và cần bắt đầu từ đâu?

Rồi tình trạng các phương tiện thông tin đại chúng cũng "vô tình" quảng bá, cổ súy cho những hiện tượng lệch chuẩn đó. Cụ thể, trên các báo điện tử, báo giấy, tạp chí, đặc biệt là báo dành cho học trò, thể thao việc sử dụng ngôn ngữ theo kiểu biến âm, biến thể đã trở nên quá phổ biến.

Ví dụ các fan hâm mộ, phong cách xì-tin (style), trận play off (loại), join vào (gia nhập), cho die luôn (chết)... Lẽ ra các phương tiện thông tin đại chúng phải đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong việc hình thành và phát triển ngôn ngữ của giới trẻ nói chung nhưng thực thế đang diễn ra hoàn toàn trái ngược.

Vậy bằng cách nào để chúng ta có được một quy định thống nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng này? Hàng loạt những câu hỏi tương tự như thế cần phải được đặt ra và giải quyết một cách chuẩn xác, triệt để để nhằm vãn hồi sự trong sáng của tiếng Việt.

TS. Hoàng Anh - Trưởng ban Quản lý khoa học, giảng viên Ngôn ngữ học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Lạm dụng ngoại ngữ - Phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt

Không cẩn thận, tiếng Việt sẽ trở thành mớ hổ lốn, không mang dấu ấn văn hóa dẫn đến tầm thường hóa ngôn ngữ như một thứ mốt. Việc lạm dụng quá mức tiếng nước ngoài cũng là một biểu hiện coi thường và tẩy chay tiếng Việt.

Một số báo chỉ hướng tới nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ để đáp ứng mà quên mất chức năng quảng bá văn hóa, tôn vinh giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Giới trẻ nói chuyện với nhau hay đệm từ nước ngoài nhưng họ lại không phân định được lúc nào thì nên sử dụng, không phân biệt được hoàn cảnh giao tiếp. Trên truyền hình gần đây có câu: "Tôi với LVS nhảy cẫng lên như những thằng điên," rất dị ứng. Hay kiểu như: 2 anh! = Chào anh!; Anh 6 chó lại = Anh xích chó lại... đó là kiểu đánh tráo khái niệm, chỉ phù hợp trong các truyện cười, cách tư duy vòng vèo. Kiểu nói như thế đang phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt.

Sẽ không có một quy tắc nào có thể áp dụng cho mọi người, mọi cơ quan phát ngôn. Cũng không có một người thầy nào có thể theo suốt cuộc đời học trò để rèn giũa. Môi trường sống, nhận thức giáo dục của cha mẹ, của quá trình nhận thức... chính là yếu tố cốt lõi tạo nên một nền tảng ngôn ngữ vững chắc cho mỗi người.

Mỗi báo có một quy định riêng và được công chúng của báo đón nhận. Ngôn ngữ giới trẻ hiện nay sai nhiều thứ quá, đáng báo động từ lâu. Báo chí phải là tấm gương về ngôn ngữ.

Việc sử dụng ngôn ngữ vốn thuộc về quyền chủ quan của người sử dụng nó, chỉ có cách mỗi người tự nâng cao văn hóa đọc của bản thân, nâng cao tính tự trọng của bản thân để tự trang bị cho mình trở thành một con người văn hóa.

GS - TS Văn Giá, khoa Sáng tác Văn học, ĐH Văn hóa: Tâm hồn nghèo nàn, trí tuệ cạn kiệt là đồng lõa của sự phá hoại tiếng Việt

Các phương tiện truyền thông đại chúng và năng lực ngôn ngữ cá nhân chính là 2 tầng tác động lớn nhất đến sự trong sáng của tiếng Việt. Các cơ quan truyền thông chưa chú ý đúng mức, thể hiện ngay trong các tác phẩm báo chí, giật tít, sử dụng tiếng Hán Việt, tiếng nước ngoài, ý thức, lòng tự trọng tiếng Việt cũng rất yếu, họ không trau chuốt cho ngôn từ.

Giới trẻ sống vội, nghĩ vội, làm vội, nói vội dẫn tới ý thức làm đẹp, bảo vệ tiếng Việt vốn đã yếu kém nay lại càng trở nên nguy hại. Họ chế biến, lai tạo, lắp ghép ngôn ngữ, dẫn đến việc tiếng Việt biến thái đang trở thành mốt. Không nói theo, không làm theo thì cảm thấy kém cỏi trước bạn bè.

Tiếng Việt đang bị tấn công, hàng ngày hàng giờ. Điều đó không đáng sợ bằng mỗi chủ thể phát ngôn tự làm mòn mỏi, nghèo nàn đi tiếng mà họ đang sử dụng. Trên các phương tiện truyền thông, hàng ngày vẫn diễn ra tình trạng đưa những ngôn ngữ chỉ có trong giao tiếp cá nhân lên, tạo ra một thói quen nghe, thói quen nói làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt.

Việc nói trơn miệng, đại ngôn tráng ngữ, nói tục, nói kinh dị, nói theo mốt... đang trở nên quá phổ biến. Chưa bao giờ, tiếng Việt bị suy thoái như ngày nay.

Tâm hồn nghèo nàn, trí tuệ cạn kiệt đồng nghĩa với sự phá hoại của tiếng Việt. Trong blog có vàng, nhưng cũng có rác rưởi, vi khuẩn lây bệnh chính là thứ ngôn ngữ biến thái, phóng tính đó. Tôi không đưa ra những ví dụ đó ở đây bởi chính tôi cũng không dám nhớ, tôi sợ đầu óc mình bị vẩn đục theo những thứ rác rưởi đó nếu mình nhớ.

Khó có cách nào để bắt người khác phải nói theo một quy tắc nào đó, chỉ có thể là quá trình tự nhận thức. Các phương tiện truyền thông đại chúng phải dấy lên một phong trào bảo vệ tiếng Việt, tiếp tục đưa phong trào "Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt" vào cuộc sống để tiếng Việt mãi "giàu và đẹp" trong tầm thức của mỗi người Việt Nam. Ngôn ngữ nào cũng có cá tính và vẻ đẹp của nó.

(Khoa học & Đời sống)

Tiếng "Tây" không làm sang tiếng Việt

[30/04/2008 - minhlq - Vietnam Journalism]



Hiện nay, trong xã hội ta dường như đã hình thành nên một tầng lớp những người nói một thứ tiếng Việt khá khó hiểu đối với đại bộ phận dân chúng. Cái thứ tiếng Việt của họ nhiều khi nghe lơ lớ, nửa tây nửa ta.


Đó là một thứ tiếng Việt mà từ cách phát âm đến cách dùng từ, thậm chí cả các kết cấu ngữ pháp đều mang dáng dấp của một ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt, hay những Việt kiều rời Việt Nam từ nhỏ, khi tiếng Việt của họ chưa được định hình vững chắc hoặc do lâu năm sống ở nước ngoài nên quên một số quy tắc hoặc từ ngữ của tiếng Việt.

Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là những người nước ngoài thực sự hoặc là những Việt kiều thực sự, vì người Việt ta vốn có lòng vị tha, lại rất coi trọng những người nước ngoài biết nói tiếng Việt, một thứ tiếng mà ngay cả người Việt cũng cho là khó học.

Nhưng đằng này, họ lại là người Việt chính hiệu, không những thế, cái thứ tiếng Việt pha tạp đó lại được sử dụng ở những nơi mà lẽ ra, nó phải được thể hiện dưới dạng chuẩn mực nhất là trong sáng nhất - đó là trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực ra, một cách không chính thức, tất cả chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng những thứ ngôn ngữ pha tạp mà các nhà khoa học gọi là các thứ tiếng xã hội hay biệt ngữ.

Tiếng xã hội hay biệt ngữ là một thứ ngôn ngữ được tạo ra và sử dụng trong một phạm vi hẹp, trong khuôn khổ của các nhóm hay tầng lớp xã hội, tức những người có quan hệ công việc hàng ngày với nhau, ví dụ như trong các nhóm học sinh, sinh viên, giáo viên, lái xe, bộ đội, hoặc trong giới buôn lậu, tiêm chích, trộm cắp, v.v...

Trong các thứ tiếng xã hội đó, chúng ta có thể nhận thấy sự pha trộn những yếu tố chuẩn với những yếu tố lệch chuẩn.

Các yếu tố lệch chuẩn có thể là những từ ngữ bình thường, vẫn tồn tại trong ngôn ngữ toàn dân, nhưng được sử dụng với ý nghĩa khác, ví dụ: "phao" (=tài liệu chuẩn bị sẵn được đưa vào phòng thi để quay cóp); "nộp tiền ngu" (=nộp lệ phí thi lại); "đứt cước" (=hỏng việc hay thất bại).

Đó có thể là những từ ngữ mới, do các nhóm xã hội đó tự tạo ra, ví dụ: "xê" (= một chỉ vàng); "xao li" (= nói dối, nói láo); "sọi" (= một nghìn đồng).

Đó còn là những từ hay tên gọi được làm biến dạng đi theo những quy ước của các nhóm xã hội, ví dụ: "Cô Loan" (=Đài Loan); "vitamin E" (đàn bà); "vitamin T" (=tiền); "Trần Văn Chuồn" (=chuồn, bỏ đi).

Nhưng đó cũng có thể là những yếu tố tiếng nước ngoài được đưa vào lời nói nhằm tạo nên những hiệu quả giao tiếp nào đó hoặc để che đậy những nội dung bí mật mà chỉ những người "trong cuộc" mới giải mã được.

Một học sinh học tiếng Pháp, trong khi nói chuyện với bạn bè của mình, có thể sử dụng một thứ tiếng Việt "bồi" kiểu như: "Chốn biu rô" (chốn văn phòng), hay "Toa với moa kết nghĩa ami" (Mình với cậu kết bạn với nhau) mà không bị phản đối gì vì trong nhóm bạn bè của mình, đó là thứ ngôn ngữ "của nhà làm", ai cũng hiểu được.



Cái thứ tiếng Việt pha tạp đó thậm chí được sử dụng ở những nơi mà lẽ ra, nó phải được thể hiện dưới dạng chuẩn mực nhất là trong sáng nhất - đó là trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tương tự, một học sinh học tiếng Anh có thể dùng xen những từ như nâu (không), gơn (cô gái), đai (chết), xì tai (phong cách), xêm xêm (gần như nhau) trong các câu nói của mình khi nói chuyện với bạn cùng học mà người nghe vẫn chấp nhận vì đấy là cách để bạn bè cùng trang lứa vui đùa với nhau.

Tuy nhiên, đối với những người "ngoại đạo" thì cách nói pha trộn như vậy thường gây phản cảm vì người ta không hiểu, hoặc cho đó là thứ ngôn ngữ lai căng hay một thứ tiếng lóng bí mật và đáng ngờ.

Vì vậy, một cách tự nhiên, trong ý thức của xã hội, tiếng Việt sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông thường phải là thứ tiếng Việt của toàn dân, một thứ tiếng Việt phổ thông, trong sáng để ai cũng có thể hiểu được.

Hơn nữa, trong văn hóa của người Việt Nam, nếu một người trẻ tuổi sử dụng một câu tiếng Việt "bồi" kiểu "Nâu vấn đề" (Không có vấn đề gì) trong khi nói chuyện với người hàng trên như ông bà, bố mẹ thì sẽ bị coi là vô lễ, thiếu giáo dục.

Ấy thế nhưng, trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta, có rất nhiều yếu tố lệch chuẩn mang tính chất nước ngoài và đặc trưng cho các thứ tiếng xã hội. Việc sử dụng các yếu tố lệch chuẩn trước hết thể hiện ở cách phát âm các tên gọi nước ngoài.

Một điều rất dễ nhận thấy là nhiều tên gọi nước ngoài vốn đã được định hình từ bao nhiêu năm nay, đã được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong tiếng phổ thông, bỗng nhiên bị một số phát thanh viên "sửa lại" theo cách phát âm của một thứ tiếng nào đó mà phát thanh viên đó biết.

Và thế là những tên gọi này không còn chuẩn mực nữa, vì người biết tiếng Anh thì phát âm chúng theo kiểu tiếng Anh, người biết tiếng Pháp thì phát âm theo kiểu của tiếng Pháp: Thủ đô Luân Đôn của nước Anh cứ được phát âm là Lân Đần; thủ đô Mátxcơva của nước Nga, lúc thì phát âm là Mốtxcâu, lúc lại phát âm là Mốtxcơva; thủ đô Pari của Pháp nhiều lúc được phát âm thành Peơruýtxơ; nước Ítxaraen có người cứ đọc thành Ítxroaoeo.

Đọc thêm:
- Loạn phiên âm
- Trách nhiệm định hình ngôn ngữ của báo chí

- Tên riêng nước ngoài: Dịch hay không dịch?
- Vài góp ý về cách viết địa danh nước ngoài

- Viết hoa là lá la...
- Ô hô cái sự viết tắt!


Ngay như nước Xinhgapo cạnh ta, lúc thì được đọc là Xinhgapua, có lúc lại đọc thành Xanhgapo. Sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra trong ngôn ngữ nói mà cả trong ngôn ngữ viết. Chỉ xin nêu một ví dụ: Hiện nay, phần lớn người Việt không biết viết tên nước Xinhgapo thế nào cho đúng.

Điều đó có lẽ cũng chẳng có gì là lạ, vì trên báo chí, người ta cũng viết rất lung tung: Lúc thì viết là Xinhgapo, lúc khác thì lại là Singapore hoặc Xingapo. Điều đáng ngạc nhiên là những hiện tượng lệch chuẩn như vậy chẳng có ai thấy cần phải sửa đổi hay phê phán.

Nếu như việc phát âm lệch chuẩn gây nên cảm giác về sự lai căng của ngôn ngữ thì việc sử dụng những từ ngữ nước ngoài được đưa vào một cách không chính thức lại tạo ra cảm giác về sự khó hiểu của ngôn ngữ.

Chẳng hạn, khi nghe câu: "Họ có nhiều phaxilitix hơn chúng ta", thì có thể đoán trước được là đại đa số khán/thính giả của đài truyền hình Việt Nam không hiểu từ phaxilitix (tiếng Anh: facilities = những tiện nghi) nghĩa là gì, bởi vì đó là từ được vay mượn không chính thức vào tiếng Việt và chỉ có những người biết tiếng Anh mới hiểu được ý nghĩa của nó.

Thế mà không có ai giải thích cho người nghe về ý nghĩa của từ này, cứ như thể tất cả các khán/thính giả Việt Nam đều thông thạo tiếng Anh vậy.

Bởi thế, đối với một khán giả bình thường, đó là một thứ ngôn ngữ hoàn toàn giống như tiếng lóng của một nhóm xã hội nhất định mà khi nghe, người ta vẫn thường liên tưởng tới mục đích che đậy những nội dung bí mật nào đấy, nên thường gây nên ác cảm ở những người nghe không nằm trong nhóm xã hội đó.

Hiện tượng vay mượn không chính thức nhưng lại sử dụng tràn lan các từ ngữ nước ngoài trong các lĩnh vực như âm nhạc, thể thao, giải trí... trên các phương tiện thông tin đại chúng ở ta đang tạo ra những thứ tiếng xã hội khá lộn xộn và cũng đang gây nên những phản cảm như vậy.

Người ta nói đến các emxi (người dẫn chương trình), cátxê (tiền mặt), sô (biểu diễn), lai-vờ-sâu (biểu diễn trực tiếp), nhạc claxích (nhạc cổ điển), nhạc congtruy (nhạc đồng quê), nhạc đăngxơ (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ), huligân (côn đồ)... một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu, cũng biết.

Thực ra, chúng ta có thể đồ rằng ngay cả những người đang sử dụng những từ này của tiếng Anh cũng chưa chắc đã hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Như từ emxi chẳng hạn. Đó là một từ viết tắt trong tiếng Anh (MC = Master of Ceromonies), có nghĩa là người dẫn chương trình có nhiệm vụ giới thiệu các tiết mục biểu diễn (tất nhiên là ở đây ta chỉ nói đến ý nghĩa đã được lựa chọn để vay mượn vào tiếng Việt), nhưng có phát thanh viên ở ta đã giới thiệu nhà báo X. với khán giả truyền hình là một emxi về thú chơi cây cảnh mà lẽ ra phải giới thiệu là nhà báo.

Đó không phải là trường hợp nhầm lẫn cá biệt mà là hiện tượng có tính phổ quát về sự mơ hồ trong việc tiếp thu và sử dụng các từ ngữ nước ngoài, khiến cho xã hội ta hiện nay bị loạn các emxi tự phong: Chúng ta có cả các lại emxi cây cảnh; emxi trò chơi; emxi cầu truyền hình; emxi ăn hỏi; emxi đám cưới; emxi khai trương; emxi khai giảng; emxi khánh thành... mà không cần phải có tay nghề ở mức nghệ nhân (master) như ở các nước.

Vấn đề đáng phê phán là: Mục đích của việc vay mượn các từ ngữ nước ngoài vào trong tiếng Việt hiện nay rất không rõ ràng. Người ta đang vay mượn những từ ngữ đã có các yếu tố tương đương trong tiếng Việt.

Vì vậy, không thể giải thích được lí do tại sao trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta phải nói nhạc claxích thay cho nhạc cổ điển, hay nhạc congtruy thay cho nhạc đồng quê.

Chính sự mù mờ về mục đích vay mượn từ ngữ ngoại lai đang tạo ra những cách nói dư thừa trong tiếng Việt như: Các fan hâm mộ, các sô diễn, tiền cátxê, emxi dẫn chương trình, một buổi diễn lai vờ sâu, hoặc cách nói tối nghĩa như: "Thầy X. chạy mỗi ngày ba sô".

Đặc biệt, một từ như từ "teen" được vay mượn vào tiếng ta bất chấp cả sự khác biệt về hệ thống cấu tạo của hai thứ tiếng, khiến cho việc sử dụng nó trở nên khá rối rắm. Cái từ teen chỉ phù hợp với tiếng Anh là thứ tiếng có cách cấu tạo những số từ từ 13 đến 19 bằng cách thêm yếu tố teen vào phía sau.

Vì cái bộ phận teen chung cho các số từ đó nên người Anh có thể sử dụng từ teenage để chỉ độ tuổi thanh thiếu niên từ 13 đến 19 tuổi hoặc teenager để chỉ những người nằm trong độ tuổi đó.

Đây cũng là độ tuổi trong đó có một số tuổi trùng với tuổi dậy thì nên teenager đôi khi còn hàm chứa ý nghĩa "tuổi nổi loạn". Tiếng Việt ta không có cách cấu tạo từ như vậy, nhưng chúng ta có nhiều cách để nói về những độ tuổi khác nhau, phù hợp với hệ thống tiếng Việt, ví dụ: Tuổi thanh thiếu niên, tuổi mới lớn, tuổi ô mai, tuổi dậy thì, tuổi chanh cốm, tuổi xanh, tuổi học trò, tuổi trăng tròn, tuổi mười bảy, tuổi đôi mươi, tuổi vị thành niên. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có tuổi đá buồn.

Tiếng ta không nghèo nàn đến mức phải mượn từ teen của tiếng Anh, mà thực ra chẳng hợp gì với các cách nói về độ tuổi cả: Nó không phải là tuổi học trò, cũng không phải là tuổi dậy thì hay tuổi vị thành niên... Đơn giản đây chỉ là độ tuổi mà trong tiếng Anh các số đếm chỉ tuổi có chứ bộ phận teen, ví dụ Thirteen, fourteen, fifteen...

Số đếm tương đương của chúng ta là mười ba, mười bốn, mười lăm... nên tất nhiên chúng ta cũng có thể nói tuổi mười hay tuổi mươi được. Nhưng nếu nói như vậy thì tuổi mười sẽ bao gồm cả tuổi lên mười, tuổi mười một và mười hai, vì cách cấu tạo số đếm của tiếng ta là như vậy.

Rõ ràng là ở đây, người Việt không thấy có lí do gì để nói về độ tuổi theo cách này, chứ tuyệt nhiên không phải do tiếng Việt chúng ta quá kém cỏi hay không sang trọng. Sự vay mượn thiếu nguyên tắc này đã làm cho tiếng Việt có thêm một từ mà cách viết đến cách sử dụng đều không phù hợp với hệ thống ngôn ngữ và văn hóa của người Việt Nam, và đồng thời cũng đang tạo ra những cách hiểu không thống nhất.

Có nhiều người, khi nói tới tuổi teen, cứ nghĩ đó là tuổi học trò. Thật oan uổng cho những cô cậu học trò ở độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi, cũng bị vơ vào số đó. Lại có người hiểu đó là tuổi vị thành niên nên viết: "Nhà nghỉ trên đường Hoàng Quốc Việt là điểm hẹn lí tưởng của lứa tuổi teen ngây thơ".

Không lẽ ở ta các cô cậu 13, 14 tuổi đã ồ ạt rủ nhau đến các nhà nghỉ, hoặc không lẽ những thanh niên 18, 19 tuổi (tuổi thành niên) ở ta vẫn còn nằm ở lứa tuổi ngây thơ? Do sự mù mờ này mà chính tác giả đó ở chỗ khác lại viết: "Đặc điểm chung của những cặp này là đều rất trẻ, thậm chí dưới 20 tuổi" (???).

Như vậy, tuổi teen lại được hiểu là tuổi trên 20. Không những thế, từ teen lúc thì được dùng làm tính từ, ví dụ: Tuổi teen, lúc khác lại đừng dùng làm danh từ khiến cho người nghe/người đọc không biết đâu mà lần, ví dụ: "Teen bây giờ khác quá," "... những thắc mắc của teen về chuyện học hành, thi cử, yêu đương...".

Bản thân cái việc đưa nguyên xi dạng chữ viết tiếng Anh vào tiếng Việt như vậy cũng là một điều cần phải lên án mạnh mẽ vì nó vi phạm trắng trợn hệ thống chữ viết của tiếng Việt.

Như vậy có thể thấy, nhiều trường hợp vay mượn các yếu tố tiếng nước ngoài vào tiếng Việt không có lí do chính đáng: Chúng không có tác dụng bổ sung những từ ngữ đang thiếu cho tiếng Việt trở nên chính xác hơn hay phong phú hơn, cũng không làm cho nó sang trọng hơn.

Một điều chắc chắn rằng, sự vay mượn lộn xộn và cẩu thả các yếu tố nước ngoài đang tạo ra những biệt ngữ xã hội. Chỉ có điều những biệt ngữ xã hội đó lại đang hoạt động trong chức năng của ngôn ngữ toàn dân. Đó thật sự là một "lỗi hệ thống" trong tiếng Việt hiện nay của chúng ta.

Tiến sĩ Ngôn ngữ học Lê Đình Tư
(Tri Thức Trẻ)

Blog và cuộc đua với báo chí chính thống

[23/08/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]



Blog là một hiện tượng xã hội có ảnh hưởng to lớn! Điều đó là một thực tế không cần phải bàn cãi. Nó không còn là nhật ký trực tuyến mang tính cá nhân thuần túy vào năm 1994 của những blogger đầu tiên như Justin Hall hay Jerry Pournelle.

Tung ra dịch vụ 360o, Yahoo đã biến blog thành trò chơi phổ biến của thanh thiếu niên. Tân Hoa Xã của Trung Quốc từng đưa tin blog của Xu Jinglei có hơn 50 triệu page-view, trở thành blog được nhiều người biết nhất trên thế giới.

Blog cũng phát triển với tốc độ khó ai tưởng tượng được. Năm 1997 chỉ có khoảng 100 nhật ký trực tuyến nhưng đến tháng 12/2005 đã có tới 20 triệu blog. Kể từ đó, mỗi ngày có thêm 120.000 blog mới ra đời và cứ 300 ngày, số lượng blog lại tăng gấp đôi. Hãng Gartner dự đoán năm 2007 là năm đỉnh cao của blog với con số ước tính khoảng 100 triệu blog hiện diện trên mạng Internet. Tạp chí Time thậm chí bầu nhân vật xuất sắc của năm 2006 là “You” - chính bạn, tức các blogger và những người đóng góp vào cái gọi là “nội dung do người dùng tạo nên.”

Sự phát triển của blog là điều hết sức tự nhiên bởi cá nhân mỗi người đều muốn bày tỏ quan điểm của mình, và muốn ý kiến đó được nhiều người khác biết tới. Patsi Krakoff, chủ nhân của The Blog Squad, nói rằng với blog, “mỗi người có cơ hội chứng tỏ mình là ai, mình quan tâm tới vấn đề gì theo cách thức không thể áp dụng với một website thông thường.” Xét từ yếu tố chi phí, cách thức “quảng bá” này càng hấp dẫn hơn ở chỗ nó chẳng hề tốn kém.

Blog tiếng Việt cũng phát triển mạnh, nhưng chưa thấy blog nào nổi lên theo khía cạnh báo chí, và cuộc đua nóng bỏng giữa blog và báo chí chính thống trên thế giới vẫn đang nguội lạnh trên các blog Việt.
Thiết lập dễ dàng, chẳng mất tiền (chỉ mất công sức) nhưng tác động lan tỏa lại vô cùng to lớn. Kết quả là nhiều blogger hoạt động chẳng khác gì phóng viên. Sau trận sóng thần ở Indonesia cuối năm 2004, thế giới có được nhiều hình ảnh và thông tin cập nhật về tình hình là nhờ blog chứ không phải các hãng tin lớn hay các đài truyền hình, khi xảy ra vụ đảo chính ở Thái Lan tháng 9/2006, thông tin sớm nhất đến với toàn cầu cũng là từ weblog.

Blogger thường vạch rõ ranh giới giữa họ với giới báo chí chính thống (mainstream) trong khi nhiều nhà báo dùng blog như một kênh khác để họ thông tin. Nhiều tổ chức coi blog là cách thức để “né tránh bộ lọc” và đưa thông điệp trực tiếp đến với công chúng. Một số blog phát triển mạnh thậm chí còn trở thành đối tác của các hãng tin lớn, chẳng hạn như trường hợp giữa Global Voices và Reuters. Xét về góc độ báo chí, blog đang thực sự tạo ra một cuộc cách mạng về cái gọi là "citizen journalism" - toàn dân làm báo.

Nhiều blogger chỉ bình luận về các sự kiện nhưng cũng có những blogger thực sự đưa tin (reporting) và cách họ đưa tin thì khác hẳn với kiểu đưa tin truyền thống. Xét cho cùng, đa số các blogger không phải là nhà báo và họ không được đào tạo về các kỹ năng đưa tin truyền thống. Nhưng cách blogger kể chuyện cũng khác, và rất có tính cách.

Đọc thêm:
- Blogger học được gì từ phóng viên
- Phóng viên học được gì từ blogger
Có lẽ lời phàn nàn nhiều nhất mà giới nhà báo truyền thống thường dành cho các blogger là: Một số blogger quá vội vã công bố những thông tin họ nắm được, chẳng cần biết hậu quả của điều đó ra sao, chẳng cần thẩm định tính chính xác của nó. Đôi khi, việc đăng tin cẩu thả như thế gây tác tác hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, các blogger lại lập luận rằng trong thời buổi hiện nay, độc giả thừa đủ thông minh để phân tích, vì thế chỉ cần cung cấp thông tin dưới dạng “thô” mà thôi. Nếu chờ “đánh bóng” tin thì tính nhanh nhạy sẽ bị giảm và trong một số trường hợp các tin tức này thậm chí có phần méo mó hơn so với nguyên bản. Một lập luận khác của họ là nếu đưa tin sai thì… đính chính. Với các blogger, chuyện xin lỗi xem ra rất đơn giản và họ thực hiện rất nhanh chóng chứ không rắc rối vì lo ngại giảm uy tín như chuyện đính chính trên báo chính thống.

Một vấn đề khác khiến blog như con dao hai lưỡi là việc thu thập thông tin từ những trao đổi riêng tư. Một cuộc trò chuyện giữa hai người bạn, một đoạn chatting vu vơ, câu nói vui trong lúc hứng khởi tại một bữa tiệc rất có thể xuất hiện chỉ vài chục phút sau trên một blog nào đó dưới dạng một câu phát ngôn chính thức về một vấn đề nhất định. Kiểu lấy thông tin này khiến người dùng Internet nghi ngờ tính tin cậy của các thông tin đăng trên blog cũng như việc các blogger xâm phạm đời tư bởi một trong những nguyên tắc của báo chí là những ý kiến off-record đều không thể đăng tải.

Tham khảo
- Quản lý blog như trói chân chim trời
- Xinhgapo bỏ kế hoạch kiểm soát blogger
Blog tiếng Việt cũng phát triển mạnh, nhất là các blog trên Yahoo 360o nhưng chưa thấy blog nào nổi lên theo khía cạnh báo chí, và cuộc đua nóng bỏng giữa blog và báo chí chính thống trên thế giới vẫn đang nguội lạnh trên các blog Việt. Đóng góp nổi bật nhất của blog Việt xét theo tính báo chí có lẽ là vụ chụp ảnh anh cảnh sát giao thông chặn một chiếc xe lái ẩu - được nhiều báo in và website thông tin dẫn lại. Có một số weblog “chất lượng” của một số nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu và cả những cá nhân bình thường song chủ yếu là đăng các bài nhận định, bình luận. Người người lập blog, từ trẻ em cho đến người lớn, và cả đại biểu Quốc hội, nhưng phần lớn các blog Việt chỉ dừng ở việc nêu ý kiến cá nhân dưới dạng bình phẩm mà thôi. Nhưng điều cũng cần phải bàn là bên cạnh những quan điểm cá nhân nghiêm túc và những câu chuyện riêng khá hấp dẫn đăng trên blog Việt thì có rất nhiều bài có thể coi là “rác rến.” Không ít người coi blog như một công cụ để họ thể hiện mình. Blog vốn là nhật ký cá nhân trực tuyến, nhưng nhiều người viết ra không phải đáp ứng nhu cầu bày tỏ ý kiến của bản thân mà là cho người khác đọc. Sự giả tạo đang tràn lan, và do tính kết nối của Internet, nó cũng có tác động lớn tới cộng đồng.

Blog phát triển tự phát và đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Bằng chứng là số lượng các blog đáng tin cậy quá nhỏ so với những trang nhật ký điện tử giả dạng báo chí đang nở rộ. Do khả năng tự động nhận diện bạn bè trên các mạng xã hội, blog có sức lan tỏa nhanh và tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ không kém báo chí chính thống, và trong một số trường hợp cụ thể thì thậm chí còn lớn hơn. Một bài báo về một kẻ xấu có thể làm nhiều người đọc phẫn nộ, nhưng một bài viết trên blog về kẻ xấu này tạo cơ hội để mọi người bày tỏ ý kiến trực tiếp, thông tin thêm từ nhiều nguồn và phơi bày luôn cả những chi tiết không hề liên quan đến vụ việc. Đó là chưa kể đến đa số blogger lợi dụng blog để lừa đảo, trục lợi, phổ biến văn hóa đồi trụy hoặc khiêu dâm trẻ em. Một số chính phủ tính đến việc kiểm soát blog nhưng không thể làm nổi. Singapore đã rút lại lệnh bắt các blogger đăng ký với cơ quan chức năng hồi tháng 7/2006. Bản thân giới blogger cũng nhận thấy vấn đề này. Đầu năm nay, Tim O’Reilly, người phát minh ra Web 2.0, đã đề nghị có Quy định Đạo đức cho Blogger (Blogger’s Code of Conduct).

Liệu weblog có lấn át truyền thông chính thống trong việc tạo ra tác động xã hội không? Không ai dám khẳng định là không nhưng câu trả lời “có” thì dường như là quá mức. Jakob Nielsen, tác giả cuốn “Ưu tiên tính sử dụng của web” và là người sáng lập trang useit.com, cho rằng blog chỉ tốt cho “những hàng hóa giá rẻ,” còn những công ty có sản phẩm giá trị cao thì không nên dùng phương thức này. Và ông cũng có lời khuyên cho các blogger rằng họ nên dành thời gian nhiều hơn để tạo ra những thông tin ít hơn nhưng có chất lượng cao./.

LQM
(Tham luận dự hội thảo "Blog trong thế giới thật," ngày 21/8/2007)

Top 100 website - Chuyện vui hay buồn?

[02/07/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]



Tôi cứ nghĩ mãi xem có nên nói cái quan điểm của mình về vụ VNExpress lọt vào Top 100 hay không. Đang lúc những người liên quan - kể cả những người trong cuộc lẫn các quan chức quản lý - bày tỏ niềm hân hoan, tôi ngại có ai đó nói mình là kẻ... phá quấy.

Nhưng hôm nay thì đã qua gần hai tuần, có lẽ mọi người sẽ nhìn nhận phát biểu của tôi chỉ là một trăn trở bình thường.

Trước hết phải nói về niềm tự hào nho nhỏ mà tôi cũng cảm nhận thấy lúc đầu. Chẳng gì cũng đã có một website của Việt Nam vượt qua được cái ngưỡng 100. Xét về số liệu mà nói thì cũng đáng ca ngợi và đáng khoe lắm chứ. Nhưng cái sự "méo mó nghề nghiệp" khiến tôi phải bình tĩnh lại và có một vài phân tích.

Nói rằng một website tin tức của Việt Nam, cụ thể là VNExpress, nằm trong "100 website đứng đầu thế giới" thì liệu có đúng với cái chữ "đứng đầu" về mọi ý nghĩa không? Vậy nếu New York Times ở vị trí 171 (tính vào ngày 1/7/2007), Tân Hoa Xã - tiếng Trung (170), CCTV (382), Nhân dân Nhật báo (423), Guardian (554), Washington Post (566), Wall Street Journal (1.019), Time (1.322), China Daily (2.490), Independent (2.700), KBS (2.711), Financial Times (2.780), The Christian Science Monitor (11.171) thì có phải là thua VNExpress? BBC thì còn bỏ cách khá xa ở vị trí 35, chứ CNN (71) thì chỉ hơn... chút xíu thôi sao?

Đọc thêm

VnExpress vào Top 100 website toàn cầu
Về vấn đề kỹ thuật mà nói, xếp hạng của Alexa đòi hỏi phải có toolbar gắn trên trình duyệt của người sử dụng thì mới tính được và biện pháp này phụ thuộc khá nhiều vào người sử dụng nên độ chính xác cũng chỉ là tương đối. Nó dựa vào cách tính ngẫu nhiên nhiều hơn là một công cụ đếm người truy nhập kiểu như Google Analytics hay biện pháp tính unique visitor/visitor khác.

Song quan điểm của tôi là nếu sử dụng cùng một công cụ tính toán thì sự hơn thiệt đối với mỗi website có thể bỏ qua. Một website có thể lợi với phân khúc này và thiệt với phân khúc kia, nhưng các website khác có thể cũng chịu cảnh tương tự. Vấn đề mà tôi muốn nói ở đây là cách đánh giá đúng đắn về vị trí cao của một website để thấy... buồn cho những website của Việt Nam. VNExpress cao là vì đâu? Câu trả lời rõ ràng nhất là: Vì người đọc không có nhiều lựa chọn.

20 Website hàng đầu theo xếp hạng của Alexa
(Vào ngày 1/7/2007)

1. Yahoo!/ www.yahoo.com
2. Microsoft Network (MSN)/ www.msn.com
3. Google/ www.google.com
4. YouTube/ www.youtube.com
5. Windows Live/ www.live.com
6. Myspace/ www.myspace.com
7. Baidu.com/ www.baidu.com
8. Orkut/ www.orkut.com
9. Wikipedia/ www.wikipedia.org
10. QQ/ www.qq.com
11. Yahoo!Japan/www.yahoo.co.jp
12. Microsoft/ www.microsoft.com
13. Megaupload/ www.megaupload.com
14. Sina/ www.sina.com.cn
15. Hi5/ www.hi5.com
16. Blogger.com/ www.blogger.com
17. Thefacebook/ www.facebook.com
18. Rapidshare.com/ www.rapidshare.com
19. EBay/ www.ebay.com
20. Fotolog.com/ www.fotolog.net

Các website tin tức của Việt Nam

97. VNExpress/ www.vnexpress.net
143. Dân Trí/ www.dantri.com.vn
274. VietnamNet/ www.vietnamnet.vn
279. Tuổi Trẻ/ www.tuoitre.com.vn
503. Thanh Niên/ www.thanhnien.com.vn

Hãy làm một phép tính đơn giản thế này. Nếu 1 tỷ người nói tiếng Anh có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn website tin tức để đọc thì hơn 80 triệu người nói tiếng Việt thường chỉ truy cập vài website để đọc tin mỗi ngày. Đành rằng nhiều tờ báo của Việt Nam có phiên bản tiếng Việt trên Internet nhưng hầu hết chẳng được mấy người quan tâm, vì thế số lượng các báo điện tử tiếng Việt (cả báo điện tử đúng nghĩa cho đến phiên bản điện tử của các tờ báo lớn) gọi là phổ biến chắc không quá số ngón của hai bàn tay.

Chỉ cần giả sử số trang tin tức tiếng Anh (chỉ tính những website có tiếng tăm) là 1000, một con số cực kỳ ít, và số người đọc tiếng Anh trên Internet là 1 tỷ thì chia trung bình mỗi trang tiếng Anh có 1 triệu người đọc. Nếu con số này tăng lên 5.000 - cũng còn xa thực tế - thì tỷ lệ trung bình còn giảm nữa. Trong khi đó, nếu lấy con số truy cập Internet của Việt Nam là khoảng 17% thì có khoảng 14,3 triệu người trong nước, cộng với khoảng 700.000 người Việt ở nước ngoài (tạm cho là thế) thường chỉ vào khoảng 5-6 website thông tin tiếng Việt trong nước để đọc tin - tức là tỷ lệ trung bình sẽ gấp 3 số lượng người đọc trang tiếng Anh ở mức ít nhất. Và nếu tính trung bình bằng toàn bộ số người nói tiếng Việt - khoảng 85 triệu, thì tỷ lệ này còn lớn đến mức nào.

Nhiều người mà ít loại để dùng thì rõ ràng tỷ lệ sử dụng phải cao rồi, vậy nên đó là một trong những lý do quan trọng chứ chưa chắc là là vì chất lượng! Tính Top 100 thì Việt Nam chỉ có 1 website, chứ nếu là Top 250 hoặc thậm chí 500 thì còn mấy cái tên Việt nữa. Không lẽ các báo điện tử của Việt Nam siêu đến thế! Vậy thì nền báo chí nước nhà phát triển quá.

Nhưng (lại nhưng) chỉ cần 1/10 các báo, tạp chí của Việt Nam có bản điện tử vận hành tốt - tức là khoảng 70 website thông tin - thì chắc chắn là số lượng người truy cập vào mỗi website đang ở vị trí dẫn đầu hiện nay sẽ bị phân tán đáng kể.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi mong cho số lượng người truy cập vào các website thông tin hàng đầu của Việt Nam hiện nay giảm đi, mà mong sẽ có nhiều nguồn thông tin đa dạng hơn cho người đọc, và sự đánh giá do đó cũng gần với thực tế hơn.

Tôi mong có cái ngày 30-50 website thông tin của Việt Nam nằm trong Top 1000 (ví dụ là xếp hạng của Alexa), còn hơn là 1-2 website nằm trong Top 100.

Có lẽ ai đó đang bảo là tôi... "ấm đầu"./.

Viết và đọc tên riêng nước ngoài
[12/03/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]
Viết và đọc tên riêng nước ngoài là đề tài từng làm hao tổn rất nhiều giấy mực trong gần nửa thế kỷ nay. Phải chăng có nguyên do lịch sử? Trong bốn thứ tiếng đồng văn (Hán, Việt, Nhật, Cao Ly), hay ba thứ tiếng Hán hóa (Việt, Nhật, Cao Ly) thì tiếng Việt là tiếng duy nhất dùng chữ viết Latin, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của văn hóa và ngôn ngữ Hán.

Đầu thế kỷ trước, người Việt đã mượn tiếng Hán để ghi tên riêng châu Âu (nước Tỉ [tức Bỉ] = Belgique, ông Đạt Nhĩ Văn = Darwin), thậm chí cả Nhật Bản (Hoành Tân = Yokohama, Minh Trị = Meiji), Cao Ly (Hán Thành = Seoul). Thói quen này phần nào vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.

Cũng do thói quen này, về sau, nhất là sau Cách mạng Tháng Tám 1945, khi phải du nhập nhiều tên riêng nước ngoài, người ta nghĩ - một cách rất tự nhiên - trước tiên đến chuyện phiên âm. Tại sao lại chỉ phiên âm? Tức là chỉ nghĩ chuyện đọc (thành lời) mà không nghĩ chuyện viết (trên giấy).

Chữ Hán, chữ Nhật, chữ Cao Ly nếu không phiên âm (hay chuyển tự) thì chẳng lẽ lại bê nguyên một đống chữ Latin xen kẽ với những chữ khối hình vuông (chữ Hán), hay những chữ vốn có xuất xứ từ các nét của chữ khối hình vuông (chữ Nhật, Cao Ly). Chữ Việt (Latin hóa) đâu có cần như thế.


* * *
Tình hình viết và đọc tên riêng nước ngoài trên thế giới tựu trung có ba mảng khác nhau do đặc điểm văn tự:
1. Tất cả mọi nước dùng chữ Latin đều lấy nguyên dạng tên riêng nước ngoài, không phiên âm theo cách đọc của tiếng mình, ngay cả ở các nước láng giềng chúng ta như tiếng Tagalog ở Philippines, Bahasa ở Indonesia; không có ngoại lệ. Tất nhiên không kể trường hợp trong quá khứ đã từng có lúc người ta tự đặt tên hoặc dịch lẫn của nhau, như London của Anh thì Pháp và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha gọi là Londres (cách đọc có khác nhau), Ý gọi là Londra, Hà Lan là Londen. Những nước chưa phát triển lắm thì thả nổi cho ai muốn đọc thế nào thì đọc, miễn là viết phải chính xác; còn những nước phát triển thì có qui định rõ ràng về cách đọc từng tên riêng cho mọi người đọc theo một cách nhất quán.
2. Những nước không dùng văn tự Latin (trừ Trung Quốc - TQ) thì xây dựng một bảng qui đổi (thường là một đối một) giữa âm - chữ Latin với âm - chữ bản ngữ để chuyển đổi. Việc chuyển đổi này được gọi là chuyển tự, ví dụ:

3. TQ là trường hợp đặc biệt, mỗi chữ là một âm tiết, cho nên cách phiên âm của họ phải dùng một bảng ma trận, hàng ngang là các phụ âm đầu, hàng dọc là vần, dóng một phụ âm đầu ở một cột trên hàng ngang với một vần ở một dòng trên hàng dọc sẽ gặp được một ô chứa một chữ (vuông) có âm tương ứng, ví dụ (tiếng Nga) dóng hàng ngang âm “p”, hàng dọc vần “u” sẽ gặp ô có chữ Hán “phổ” phát âm là [p'u], dóng hàng ngang âm “t”, hàng dọc vần “in” sẽ gặp ô có chữ Hán “kinh” phát âm là [jing], ghép lại putin -> chữ Hán “phổ kinh” [p'ujing].
* * *
Từ tình hình trên, phải chăng có thể đi tới nhận thức mới:
- Ngôn ngữ đã dùng văn tự Latin (như tiếng Việt) thì nên dùng tên riêng nước ngoài ở nguyên dạng, nghĩa là theo dạng được ghi bằng chữ cái Latin theo qui định chính thức của các quốc gia tương ứng, trên khai sinh, hộ chiếu (đối với nhân danh) hoặc trên bản đồ quốc gia (đối với địa danh). Ngay cả TQ cũng áp dụng cách này cho cách viết pinyin (kiểu chữ abc phiên âm chữ Hán) của họ, theo đúng qui tắc Latin hóa do hội nghị tiêu chuẩn hóa địa danh của LHQ đề ra.
- Để đọc và nói đúng tên riêng nước ngoài cần có phiên âm (cách đọc) cho từng tên. Do phiên âm chỉ là cách đọc, không phải là cái thay thế nguyên dạng, vì vậy không cần phải lúng túng bày đặt bổ sung thêm cho vần quốc ngữ những cụm st-, str-, fl-, tr-, cr-, -l, -s, -d... khác với trường hợp cần xử lý đối với thuật ngữ khoa học.
Người TQ, người Nhật cũng đành chịu dài dòng khi viết và đọc [xư-tơ-la-xư-pao] (Hán = Strasbourg), [lư-cư-xang-bu-lư-cư] (Nhật = Luxemburg), [xi-chya-li ao-ha-la] (Hán) và [xư-ca-a-lét-tô ô-ha-la] (Nhật) = Scarlett O'Hara, sao người Việt không thể chấp nhận [xư-tơ-ra-xư-bua], [lúc-xem-bua], [xư-các-lét ô-ha-ra]?
Người TQ, Nhật, Cao Ly, Thái... khi chuyển tự rồi thì cứ thế đọc theo đúng hệ thống âm vị của họ, nghĩa là đọc tên nước ngoài lên theo âm điệu của tiếng Hán, Nhật, Cao Ly, Thái... chứ không như một số phát thanh viên VN đang đọc văn bản tiếng Việt, khi gặp một tên riêng hoặc danh từ, thuật ngữ tiếng Anh lại uốn éo theo hệ thống âm vị Anh, chẳng hạn như “sân gôn Đồng Mô” được đọc thành [sân cau-phơ đồng mô] cho ra vẻ (chứ chưa chắc!?) mình phát âm tiếng Anh “chuẩn”, mà không hề chiếu cố đến cái tai của biết bao nhiêu người Việt không biết tiếng Anh.

Có khác gì người Mỹ (biết tiếng Việt) khi đọc một văn bản tiếng Anh thấy cái tên Nguyễn Trãi lại uốn éo cho đúng dấu ngã tiếng Việt mà trong tiếng Anh vốn không có. Đọc như vậy, các cụ ta xưa thường phê phán: “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Về điểm này, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hướng dẫn nhân viên của họ rất kỹ: “...Không nên quá nhấn mạnh một số âm vốn chỉ là đặc thù của thứ ngoại ngữ nào đó. Nói cách khác, đừng cố tìm cách phát âm như thể bạn thông thạo thứ ngoại ngữ ấy nếu bạn không thật sự thông thạo” (“Hướng dẫn về phát âm của VOA - Phương pháp luận”).

Trong những tài liệu phổ cập, nếu e ngại người đọc gặp khó khăn, có thể ghi chữ phiên âm - cách đọc trong ngoặc đơn, ví dụ: Shakespeare (Sếch-xư-pia). Đối với tiếng Việt, không đặt vấn đề dùng cách phiên âm trong văn bản chính rồi đặt nguyên dạng trong ngoặc đơn nữa.
Hãy xem kinh nghiệm TQ xử lý vấn đề này như sau:
- Đối với tài liệu thông thường, dùng nguyên dạng rồi đặt chữ Hán (chữ vuông hoặc chữ pinyin) trong ngoặc đơn, ví dụ: Paris hoặc Paris (Balí).

- Đối với tài liệu dùng cho trường phổ thông hoặc một số tài liệu phổ cập khác, dùng chữ Hán phiên âm rồi đặt nguyên dạng trong ngoặc đơn, ví dụ: : Paris.

Những nước đã dùng văn tự Latin, viết tên riêng nước ngoài theo nguyên dạng, cũng phải bỏ nhiều công sức cho việc phiên âm, nhưng là trong hậu trường, không đưa lên văn bản. Họ dùng phiên âm để buộc những người có nhiệm vụ đọc và nói cho khán thính giả công cộng nghe phải đọc và nói cho thống nhất, không lộn xộn, ai muốn đọc theo kiểu nào thì đọc.

Chẳng hạn như tên Berne trong “Công ước Berne” sẽ được họ dạy là phải đọc [be-rân] chứ không phải đọc theo tiếng Anh là [bơn] (theo tinh thần “các phát thanh viên tiếng Anh của đài cần cố gắng phát âm tên của một người như thể chính người đó phát âm cái tên đó” - qui định của VOA). VOA có bản hướng dẫn phát âm cho nhân viên của họ hết sức tỉ mỉ, được đưa lên web và bổ sung cập nhật hằng năm.

Đài BBC cũng dạy cho nhân viên của họ: “Từ ngữ trên giấy không hẳn như từ ngữ ở miệng người phóng viên hay người phát thanh viên...”. Họ cũng dạy nhân viên biên tập viết của họ “viết ra cái gì thì hãy đọc lên cả bằng miệng cũng như bằng mắt. Và hãy chú ý. Nói lên đàng hoàng”.
* * *
Sau khi trải qua một chặng đường dài những thảo luận, tranh luận trên sách báo, trong hội nghị, hình như người ta lại quay lại với một ý tưởng manh nha từ trước đây gần một thế kỷ (1918) trên tạp chí Nam Phong: “... Về các tên đất tên người: nên dịch theo tiếng Tây hay bắt chước chữ Tàu? Cứ lẽ là theo tiếng Tây cả là phải lắm, chỉ trừ những tên người, tên đất riêng của Tàu thì nên đọc theo chữ nho mà thôi...
Vậy nay tưởng có thể định một lệ chung như sau: trừ tên các đại châu, các bể lớn, cùng mấy cái sông cái núi lớn trong thế giới, đọc theo chữ nho đã quen lắm rồi thì cứ đọc theo như vậy, có muốn rõ khi viết nên chua tên ấy ở bên cạnh, còn hết thảy tên người, tên đất khác trong sách Tây nên đọc theo, viết theo tiếng Tây cả cho có bằng cứ và dễ tra khảo...
Nếu có sợ những người không thuộc vận Tây gặp những tên Tây như vậy ở giữa bài văn quốc ngữ bị ngắt lại không đọc luôn được, thì dưới mỗi tên Tây nên ngoặc hai cái (...) và chua âm ra chữ quốc ngữ, cũng không phiền gì: như Manchester (Mang-xet-te), Edimbourg (E-đinh-bua)...” (Phạm Quỳnh, Thượng Chi văn tập, NXB Văn Học, 2006, tr. 351-2). Và chính Phạm Quỳnh đã thể hiện ý tưởng này trên các bài viết của ông trong một thời gian dài ở Nam Phong, lúc đó không thấy ai phản đối.
* * *
Các nước đều đã có một (hoặc một số) cơ quan lo việc xử lý tên riêng nước ngoài. Chỉ nêu một ví dụ ở TQ, tài liệu chính thức hướng dẫn việc phiên âm tên người nước ngoài là cuốn Đại từ điển phiên dịch tên người thế giới được coi là “sách công cụ phiên dịch tên người qui phạm hóa” do phòng biên dịch và tên riêng thuộc Tân Hoa xã biên soạn (xuất bản lần đầu năm 1993).
Từ sự thu gom những tên riêng phải dịch để phát tin hằng ngày trong mấy chục năm của các nhân viên biên tập, cuốn từ điển này đến nay đã thu thập 650.000 tên riêng, thuộc trên 100 quốc gia và khu vực. Cuốn từ điển có hai phần: phần 2 là tên người ở các nước Nhật, Cao Ly (Triều Tiên và Hàn Quốc), VN - những nước đã từng hoặc đang dùng chữ Hán, tên người của một số dân tộc ít người.
VN cũng có vấn đề với cách viết tên riêng của các dân tộc ít người: Đăk Lăk, Đắk Lắk, Đắc Lắc, DakLak, ngay trong trang web của tỉnh cũng lúc thì Đăk Lăk, lúc thì Daklak (chữ l thường - giống như trang web của Sở Giáo dục tỉnh), lúc thì DakLak (chữ L hoa). Công báo của Nhà nước viết ĐăkLăk (viết liền, nhưng lại L hoa) trong khi Kon Tum, Gia Lai viết rời). Các phương ngữ Mân, Việt, các khu vực Đài Loan, Hong Kong, Macao, tên Hoa kiều viết bằng chữ Latin, và tên các danh nhân; phần 1 là tên người nước ngoài thuộc các quốc gia khác.
* * *
Ở VN, có lẽ không nơi nào thích hợp hơn đối với công việc điều chỉnh này bằng thông tấn xã, đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, là những cơ quan hằng ngày hằng giờ phải đối phó với việc dịch (đặt) tên riêng nước ngoài. Và đó cũng là những nơi làm gương, truyền bá hữu hiệu nhất cách viết và đọc tên riêng nước ngoài.
Khởi sự một công việc không mấy dễ dàng này, tất sẽ gặp những trở ngại về mặt ngôn ngữ. Không nên e ngại khi phải mạnh dạn đặt tên mới, như khi phải dịch hoặc phiên âm những trường hợp phức tạp, bởi vì khó có thể đánh giá một từ ngữ nào là hay, là chính xác nếu chưa trải qua sử dụng.

Có những trường hợp rất kỳ cục, vượt ra ngoài tính toán thuần túy ngôn ngữ học: cường quốc số 1 thế giới thích được gọi tên mình là “nước Cờ Hoa” (Hoa Kỳ, tiếng Hán, có nghĩa là cờ lốm đốm) hơn là “nước Đẹp” (Mỹ, tiếng Hán, nghĩa là “đẹp”) chỉ vì có thời ở VN có nhiều bài báo có đầu đề “Mỹ là xấu”, “Mỹ mà xấu”, cũng như hằng ngày hằng giờ thời đó người ta nghe thấy những câu khẩu hiệu mà từ “Mỹ” (đẹp) lại gắn nhiều với các từ tiêu cực như “xâm lược”, “đả đảo”, “đế quốc”.
Cần biên soạn một bộ qui tắc phiên âm, và theo đó là một cuốn từ điển tên riêng nước ngoài, ban đầu chỉ gồm những chữ “không (mấy) ai phản đối” như Chile, Pháp, Cuba, Einstein, Tây Ban Nha, Osaka, Balzac... sau bổ sung, cập nhật dần, hi vọng rằng sau dăm năm, tình trạng viết và đọc tên riêng nước ngoài sẽ bớt lộn xộn dần để tiến tới chỗ mỗi tên riêng chỉ có một cách viết, một cách đọc: viết đúng như gốc, đọc đúng như tiếng Việt, không bị ám ảnh là tên riêng nước ngoài nhất loạt chỉ đọc theo tiếng Anh.
(Hải Thụy - Tuổi Trẻ)
Năm yếu tố để đạt hiệu quả thông tin đối ngoại

[25/06/2007 - minhlq - Vietnam Journalism]



Một thực tế rõ ràng là thông tin đối ngoại của Việt Nam hiện nay đến được với số lượng độc giả đông đảo hơn, nhưng theo tôi, hiệu quả thông tin chưa được như mong muốn. Lý do là chúng ta vẫn đang nói theo cách của mình, chỉ nhờ vào cái vỏ là ngoại ngữ mà thôi.

Thế giới hiện nay đang trở nên kết nối chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, nhưng điều đó không có nghĩa là cách tư duy của mỗi dân tộc bị xóa nhòa để thay bằng một lối tư duy chung. Tôi cho rằng thông tin đối ngoại chỉ được coi là “trúng” và “đúng” nếu nó chuyển đi được thông điệp mà Việt Nam mong muốn theo đúng cách thức diễn đạt của người nước ngoài và người Việt sống lâu năm ở các nước đó.

Yếu tố đầu tiên gây hạn chế hiện nay là những người làm công tác thông tin đối ngoại có quá ít cơ hội để tiếp xúc với con người, đất nước và văn hóa của các quốc gia khác, các bài viết của họ đa phần theo kiểu “biên dịch” lại tư duy người Việt, và nhiều phóng viên, biên tập viên thông tin đối ngoại thực sự chưa hiểu người nước ngoài sẽ diễn đạt theo cách nào với cùng một vấn đề nhất định. Một cái tin người Việt đọc có thể thấy dễ hiểu nhưng độc giả ở nước ngoài sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi khác. Ban Biên tập Tin Đối ngoại TTXVN đang đi những bước nhỏ đầu tiên để khắc phục nhược điểm này, thông qua sự phối hợp uyển chuyển hơn với chuyên gia nước ngoài, khích lệ họ đặt thật nhiều câu hỏi khi biên tập tin. Họ muốn biết thêm điều gì thì cũng nghĩa là độc giả ở nước ngoài cần nắm những thông tin đó. Không phải lúc nào những câu hỏi đó đều được giải đáp, nhưng chúng tôi cho rằng đây là cách làm đúng hướng.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần phải có sự hỗ trợ để phóng viên, biên tập viên thông tin đối ngoại được đi học những khóa dài hạn ở nước ngoài, qua đó tìm hiểu lối sống, văn hóa, phong tục tập quán bản địa. Nắm được nhu cầu tuyên truyền và lại hiểu được suy nghĩ của người nước ngoài thì mới có cách truyền đạt phù hợp, và như thế thì người đọc mới dễ tiếp nhận thông tin.

Có thể nhận thấy hai xu hướng trái ngược ở báo chí đối nội và báo chí đối ngoại hiện nay – một bên thì đầy những bài tệ nạn xã hội, soi mói đời tư cá nhân như thể cố tình “bôi đen” nhằm mục đích câu khách, một bên thì chỉ tô hồng.
Kỹ thuật trong thông tin, yếu tố cần thiết thứ hai, cũng cần được tính đến. Không ai tin khi đọc một bài viết nói toàn chuyện tốt, ca ngợi hết lời về một vấn đề gì đó. Cách tuyên truyền kiểu này bây giờ không còn phù hợp, phải biến tuyên truyền thành đưa tin chứ không phải là đưa tin theo kiểu tuyên truyền theo cái nghĩa hẹp nhất của nó. Trong một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, việc có những khiếm khuyết về thủ tục hành chính rườm rà, chậm giải ngân ODA, tham nhũng, v.v. thiết nghĩ cũng là chuyện thường tình. Vấn đề là phải nói rõ cho độc giả thấy rằng những khiếm khuyết đó đang được tích cực khắc phục và chúng không thể làm lu mờ những thành tựu hiển nhiên.

Có thể nhận thấy hai xu hướng trái ngược ở báo chí đối nội và báo chí đối ngoại hiện nay – một bên thì đầy những bài tệ nạn xã hội, soi mói đời tư cá nhân như thể cố tình “bôi đen” nhằm mục đích câu khách, một bên thì chỉ tô hồng. Sự cân bằng là một trong những nguyên tắc rất cần thiết của báo chí, và nó làm cho độc giả tin tưởng vào bài viết. Người làm thông tin đối ngoại khéo léo hay không là ở chỗ này, phải làm sao cho câu chuyện nghe thật khách quan mà vẫn đúng định hướng và truyền đạt được chính xác thông điệp của mình tới người đọc.

Yếu tố thứ ba là nội dung. Cần phải thừa nhận rằng nội dung thông tin đối ngoại hiện nay hơi thiên về tin chính trị, ngoại giao. Gần đây số lượng tin tức về kinh tế, tài chính, chứng khoán có tăng lên nhưng chưa diễn tả hết được bức tranh về một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao thứ nhì châu Á. Song rất nhiều tin chính trị, ngoại giao chỉ toàn những lời lẽ xã giao với khuôn mẫu muôn thuở, tin nào cũng thấy chỉ thấy nói tăng cường hợp tác, đẩy mạnh giao lưu rất chung chung, tin kinh tế thì hầu như chỉ mang tính thông báo sự kiện, ít giải thích và càng ít lời trích dẫn – thành phần vô cùng quan trọng để tạo nên sự tin cậy cho tin bài. Cần phải đa dạng hóa nội dung thông tin đối ngoại hơn nữa.

Thứ tư là chúng ta còn thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn trong công tác thông tin đối ngoại – đây là nhược điểm chung của công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam chứ không riêng gì TTXVN. Thông tin đối ngoại của chúng ta thường là chạy theo sự kiện, thậm chí có khi theo kiểu đối phó hoặc “chữa cháy” – ví dụ bị các lực lượng phản động nói xấu về một chính sách, quyết định nào đó thì mới có bài phản bác, hoặc giới thiệu đất nước con người thì theo kiểu tiện đâu nói đó, hậu quả là thông tin về Việt Nam đến với người nước ngoài đa phần là chuyện chiến tranh.

Trong một hội nghị thông tin đối ngoại mà tôi từng được tham dự, một quan chức cấp cao đã thừa nhận là Việt Nam “áo gấm đi đêm,” có nhiều điều hay nhưng không biết cách quảng bá. Thông tin về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như những vấn đề đối ngoại lớn cần được thực hiện sớm và chủ động, phải nhanh chóng tìm cách tiếp cận và giải thích cho độc giả hiểu rõ và hiểu hết, chứ không nên nói chung chung để rồi khi những phần tử chống đối lên tiếng kích động thì chúng ta mới chống đỡ. Và đương nhiên, phải đưa tin và giải thích theo lối suy nghĩ của người nước ngoài như tôi đã nói ở trên.

Hãy tưởng tượng là chiến lược thông tin đối ngoại giống như một chiến lược P.R (quan hệ công chúng) vậy. Có chiến lược tổng thể và cũng có chiến lược cho từng đối tượng độc giả (chẳng hạn theo từng loại ngoại ngữ). Cần phải biết tập trung khuếch trương khía cạnh nào, vấn đề gì, liều lượng ra sao trong từng giai đoạn, và cách thức tiến hành như thế nào, sử dụng các phương tiện gì. Hoạt động thông tin đối ngoại phải được hoạch định một cách chuyên nghiệp. Xin lưu ý là tại nhiều nước, kể cả các nước phát triển cho đến những nước quanh chúng ta, ngay cả chính phủ cũng đang phải thuê các công ty P.R chuyên nghiệp để làm việc này.
Bên cạnh đó, không thể quên yếu tố công nghệ. Tranh thủ được công nghệ thì có thể chiếm được ưu thế trong cuộc chiến thông tin. Ấy thế mà hồi tháng Năm năm ngoái, hệ thống Internet của TTXVN sụp khi chuyển đổi giữa hai hệ thống web cũ và mới, khiến độc giả không truy cập được trong vài giờ liền. Với một hãng tin, thời gian ngừng trệ chỉ cần khoảng 10-15 phút đã là cả một rắc rối. Nhưng đây mới chỉ là vấn đề cơ sở hạ tầng. Còn có rất nhiều yếu tố công nghệ khác, nhất là công nghệ web và xuất bản, mà chúng ta cần phải khai thác hiệu quả thì mới mong vượt trội trong cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt hiện nay và đặc biệt là công tác thông tin đối ngoại với đối tượng độc giả nước ngoài khá khó tính./.
Mười bí quyết thành công trong phát hành báo chí

[28/10/2007 - Khách - Vietnam Journalism]

Phát hành là chìa khoá vàng để báo chí mở rộng cánh cửa bước vào thị trường, nó là khâu cuối cùng quyết định sinh mệnh của tờ báo. Theo thống kê của Hiệp hội báo chí thế giới, trong 5 năm vừa qua, lượng tiêu thụ báo trên thế giới tăng khoảng 4,75%, chỉ có ở châu Á, Trung Đông và Châu Phi tăng trưởng mạnh, còn ở các nơi khác thì lại có phần giảm xuống. Vậy tại sao trong một thị trường báo chí, có tờ báo dần bị suy thoái, có tờ lại không ngừng phát triển lớn mạnh. Bí quyết gì để dẫn đến thành công trong công tác phát hành?

Hiệp hội báo chí thế giới đã phỏng vấn các vị chủ bút và những người phụ trách công tác phát hành của những tờ báo thành công nhất trên thị trường báo chí thế giới, đồng thời cũng phỏng ván những chuyên gia có kinh nghiệm ở tại địa phương đó. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu mười bí quyết thành công trong công tác phát hành báo chí thế giới.

1. Ý thức phục vụ

Thứ nhất, là phải có thái độ nhiệt tình, hăng hái, cung cấp cho độc giả những nội dung có giá trị và bám sát thực tế. Trong kinh doanh báo chí phải không ngừng cải tiến nội dung tiên ra nhiều cách mới mẻ để đáp ứng nhu cầu cho độc giả. Toà soạn cũng phải lập ra Ban nghiên cứu thị trường, phải điều tra thị trường một cách thường xuyên. Toà soạn nên đề ra một cơ chế bất kỳ lúc nào cũng phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu và sự coi trọng những kiến nghị và ý kiến viết trong thư của độc giả hàng ngày gửi cho toà soạn.

Tờ Sự thật thanh niên của Đoàn thanh niên Cộng sản của Nga mở một chuyên mục “liên tuyến trực tiếp" chuyên mời các nhân vật nổi tiếng đến toà soạn phỏng vấn, đồng thời trả lời các câu hỏi cửa độc giả qua điện thoại hoặc qua mạng Internet. Đã có rất nhiều vị khách đặc biệt như Tổng thống Nga Putin cũng từng tham gia hoạt động này.

Thứ hai, là phóng viên phải tự coi mình là người cung cấp dịch vụ cho độc giả, phải kịp thời đáp ứng những nhu cầu của công chúng, kích thích độc giả tích cực tham gia vào các hoạt động do toà soạn tổ chức. Trong đó ý thức phục vụ là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó quyết định đến độ uy tín và khả năng thu hút quảng cáo của tờ báo.

Chủ bút tờ Bưu điện sông Ranh của Đức nói: "Độc giả của chúng tôi trước kia bình quân mỗi ngày đọc báo 30 phút, bây giờ giảm xuống chỉ còn 20 phút. Cách giải quyết của chúng tôi không phải giảm bớt số trang mà làm thế nào chỉ trong 20 phút đó độc giả có thể nắm bắt được lượng thông tin mà trước kia họ phải đọc trong 30 phút. Chủ bút của một tờ báo ở Brazil cho biết, toà soạn rất coi trọng và cảm ơn độc giả đã giúp họ làm báo, hằng ngày ông cử 8 phóng viên có trách nhiệm xử lý và trả lời các ý kiến của độc giả.

Theo lãnh đạo của một tờ báo ở Brazil, hằng ngày ông đều thông qua trung tâm điện thoại của Công ty để điều tra tình hình độc giả của tờ báo. ông cho rằng, thường xuyên điều tra tình hình của độc giả có thể hiểu được nhu cầu và sở thích của họ, từ đó toà soạn mới có thể đề ra các quyết sách, cải tiến phù hợp với tình hình mới.
Tóm lại, ý thức phục vụ độc giả cũng quyết định sự thành bại trong kinh doanh báo chí hiện đại. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của độc giả cũng có nhiều biến đổi, do đó yêu cầu toà soạn phải không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của độc giả.

2. Lượng phát hành hôm nay là lợi nhuận của ngày mai

Theo điều tra cho thấy, lợi nhuận thu được của báo chí bao giờ cũng cao hơn mức trung bình của các ngành nghề khác. Phương châm của một số toà soạn báo trên thế giới là, lượng phát hành lớn sẽ đem lại lợi nhuận cho tờ báo, nhưng bản thân lợi nhuận không phải là mục đích. Hầu hết những người phụ trách chính của các tờ báo lớn đều nói rằng , họ phải hy sinh lợi nhuận trước mắt để bản đảm cho lượng phát hành được ổn định. Ông Edward chủ tịch hội đồng quản trị của tờ Điện tín của Pháp cho biết: "Toà soạn không tiếc sức để giảm giá thành, kết quả lại mất đi nguồn độc giả và nguồn thu quảng cáo, đành phải giảm chi tiêu cuối cùng sẽ dẫn vào vòng tuần hoàn luẩn quẩn".

3. Có con mắt nhìn xa trông rộng

Muốn gặt hái được thành công trong công tác phát hành, yêu cầu đầu tiên là các toà soạn báo phải có chiến lược và sách lược lâu dài trong suy nghĩ và hành động, không chỉ chú trọng những lợi ích trước mắt. Cần phải coi phát hành là khâu then chốt để thúc đẩy các lĩnh vực khác trong toà soạn phát triển, không nên chỉ chú trọng đến kết quả hiện tại. Vấn đề này được thể hiện ở những điểm sau:

Một là, tính lân dài của chiến lược. Trên thế giới có rất nhiều toà soạn báo đã duy trì chiến lược của mình dài tới hơn 20 năm.

Hai là, kinh nghiệm quản lý. Những người phụ trách quản lý của những tờ báo này đều trải qua quá trình làm việc lâu dài với nhau, thời gian thậm chí dài tới 20 năm. Họ đã quen với công việc, cùng nhau quyết định và cùng nhan giải quyết vấn đề. Một số người phụ trách quản lý chính của các toà báo này đã phát biểu rằng, họ đã coi việc thiếu kinh nghiệm là yếu điểm của các đối thủ cạnh tranh của họ.

Ba là, lợi nhuận về kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy, không chú trọng những lợi ích trước mắt thì về mặt lâu dài bao giờ cũng thu được lợi nhuận cao. Ông Tony chủ bút tờ Bưu điện biên giới của Australia tin tưởng rằng: “Chúng tôi thành công là do có vốn và kinh nghiệm phát hành, chứng tôi đã đem tiền để đầu tư cho sự nghiệp, cho chiến lược phát triển sản phẩm, như vậy mới có thể thu lại lợi nhuận lâu dài cho tương lai".

Chủ nhiệm phát hành tờ Bưu điện của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tờ báo này có được thành công trong phát hành đó là vì toà soạn có tầm nhìn xa, trông rộng và đã mở rộng đối tượng bạn đọc, đặc biệt là coi trọng độc giả nữ.

4. Định vị rõ ràng

Yêu cầu đối với người làm công tác phát hành là phải hiểu độc giả, nắm rõ được những đặc điểm, nhu cầu, hứng thú, mong muốn của độc giả. Toà soạn phải lấy độc giả làm đối tượng phục vụ chính. Nội dung của tờ báo và các hoạt động tiếp thị đều phải đáp ứng được nhu cầu, sở thích và mong muốn của độc giả.

Trong suốt 20 năm qua, mặc dù luôn bị các trang Ailen của các tờ báo ở Anh cạnh tranh gay gắt, nhưng Thời báo Ailen vẫn không ngừng phát triển. Hiện nay, ở Anh, các tờ báo nước ngoài chiếm 1/3 thị phần, nhưng giá bán chỉ bằng một nửa so với báo bản địa. Theo chủ bút Kennedy thì nguyên nhân họ thành công là toà soạn đã có một định vị rất cụ thể cho tờ báo, biết nhằm vào sở thích của từng đối tượng độc giả trong xã hội. Việc một tờ báo định vị rõ đối tượng độc giả sẽ thu hút được nhiều khách hàng quảng cáo, đồng thời số lượng độc giả và đối tượng độc giả sẽ quyết định được giá quảng cáo.

5. Làm ra tờ báo hay nhất

Muốn đánh bại các đối thủ cạnh tranh trong thị trường báo chí, toà soạn phải tuyển dụng được nhiều phóng viên giỏi, chấp nhận trả lương cao cho những người có năng lực thực sự. Phải hiểu rõ tâm lý độc giả của mình hơn ai hết. Toà soạn phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao. Phải luôn luôn đi trước đối thủ cạnh tranh về quy mô và tính sáng tạo. Phải đặt ra các tiêu chuẩn để so sánh với đối thủ cạnh tranh.

Biên tập viên chính tờ Buổi chiều của Thụy Điển cho biết, sở dĩ tờ báo này có lượng phát hành vượt trội so với tờ Tin nhanh là do tờ Buổi chiều liên tục có tính sáng tạo dũng cảm đi tìm cái mới khác người. Tờ Sự thật thanh niên của Đoàn thanh niên Cộng sản ở Nga hiện nay đang phải cạnh tranh với khoảng 1.000 tờ báo trên toàn quốc, chỉ riêng ở Matxcơva đã có hơn 20 tờ nhật báo là đối thủ cạnh tranh nặng ký của tờ báo này. Tờ Sự thật thanh niên đang nỗ lực phấn đấu trở thành một tờ có nội dung phong phú, chất lượng in ấn tốt, phát hành và quảng cáo chuyên nghiệp nhất nước Nga. Hiện nay, toà soạn có hơn 600 cán bộ, phóng viên và trên toàn quốc đã xây dựng 58 điểm in báo. Một bí quyết thành công trong công tác bồi dưỡng, đào tạo là loà soạn đã chi một số tiền rất lớn để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trang bị kiến thức thực tế mới nhất cho phóng viên, biên tập viên của mình.

Trong thị trường báo chí cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, một tờ báo muốn đứng vững được trên thị trường đòi hỏi toà soạn phải đề ra mục tiêu phấn đấu rõ ràng để đuổi kịp, đi trước một bước đối thủ cạnh tranh của mình. Một bí quyết quan trọng là toà soạn phải có chính sách thưởng phạt rõ ràng, kịp thời phát hiện, động viên khen thưởng bằng tiền cho các cán bộ phóng viên, thậm chí kể cả nhân viên phụ trách công việc kinh doanh khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có đóng góp quan trọng cho toà soạn. Như thế mới có thể khích lệ được tinh thần làm việc và tinh thần trách nhiệm của mọi người trong toà soạn.
Chủ bút của tờ Bưu điện biên giới của Australia, ông Tony cho biết: "Chúng tôi phải luôn tìm cách để vượt lên trước đối thủ, nội dung của tờ báo phải phong phú hấp dẫn, điều này cần đến sự nỗ lực lớn của tất cả mọi người trong toà soạn".

6. Tinh thần hợp tác

Một tờ báo muốn thành công yêu cầu đội ngũ phát hành phải có tinh thần hợp tác chặt chẽ nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Trong toà soạn, mỗi khâu đều có một vai trò khác nhau, nhưng khâu phát hành là một trong những khâu quan trọng nhất, vì nó quyết định đến sự sống còn của tờ báo. Do vậy đội ngũ làm công tác phát hành phải nhiệt tình, hăng hái, và có tinh thần hợp tác với nhau, cùng nhau đề ra mục tiêu, mở rộng lượng phát hành cho toà soạn. Người phụ trách công tác phát hành phải hiểu được rằng, không có sự hô trợ nhiệt tình của các đồng nghiệp thì công tác phát hành sẽ nhanh chóng thất bại.

Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo của tờ Zero Hom của Brazil nói: "Chúng tôi là một Công ty gia tộc, cùng hưởng thụ một nền văn hoá. Phong cách quản lý của chứng tôi không theo một mô thức nhất định. Chúng tôi cùng nhau quyết định, cùng nhau giải quyết các vấn đề trong toà soạn”.

Tóm lại, tinh thần hợp tác là một yếu tố vô cùng quan trọng trong sản xuất và kinh doanh báo chí, nó quyết định hiệu quả công việc của toà soạn, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho tờ báo. Do đó một trong những bí quyết để thành công trong công tác phát hành là toà soạn phải có tinh thần hợp tác chặt chẽ.

7. Phải không ngừng thay đổi

Những người làm công tác phát hành thành công trên thế giới đều từng gặp phải những lúc vô cùng khó khăn tưởng chừng không thể tháo gỡ nổi. Song bằng ý là và lòng quyết tâm thay đổi tư duy, không ngừng sáng tạo trong quyết sách, họ đã gặt hái được nhiều thành công, tờ báo mới có thể được phồn thịnh như ngày nay. Theo Hiệp hội báo chí thế giới, tờ báo có lượng phát hành lớn nhất thế giới năm 2005 là tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản. Một bí quyết tuyệt chiêu trong công tác phát hành của tờ Yomiun Shimbun là áp dụng iện pháp đưa báo đến tận nhà độc giả. Hiện nay tờ Yomiun Shimbun đã phổ cập khoảng hơn 20% dân số toàn nước Nhật, tức là cứ 5 gia đình người Nhật thì có một hộ đặt báo Yomiuri Shimbun.

8. Coi trọng độc giả cao tuổi

Muốn thành công trong phát hành thì toà soạn phải giữ mối quan hệ gần gũi, mật thiết với độc giả. Hiện nay nhiều báo đều tìm cách thu hút đông đảo bạn đọc trẻ tuổi, song họ cũng đồng thời nhận thức được rằng phải chú ý tới độc giả ở mọi tầng lớp, đặc biệt là qua điều tra các báo đã phát hiện ra rằng tầng lớp độc giả đang có xu hướng lão hoá, chính vì vậy giữa họ cũng xảy ra cuộc tranh giành tầng lớp độc giả có tuổi. Hiện nay tại Ailen, tỷ lệ người cao tuổi nhiều hơn thế hệ trẻ do đó nhiều tờ báo rất chú ý đến số lượng độc giả này.

9. Thu hút độc giả nữ

Theo số liệu điều tra của báo chí nước ngoài, một trong những bí quyết thành công của công tác phát hành là phải chú ý số độc giả nữ. Một số toà soạn có kế hoạch theo định kỳ tổ chức bố trí chủ bút và người phụ trách công tác phát hành ngồi lại và tự đánh giá, suy xét nội dung của tờ báo đó đã phù hợp chưa và tỷ lệ độc giả nam và nữ đã cân bằng chưa. Theo kinh nghiệm của tờ Thời báo Ailen, sở dĩ tờ báo này thành công trong phát hành là do họ có số lượng nữ độc giả chiếm tới 52%. Lãnh đạo tờ báo này .cho biết việc thu hút đông đảo độc giả nữ cũng sẽ thu hút được nhiều nguồn quảng cáo.

10. Nhiệt huyết tuổi trẻ

Người lãnh đạo toà soạn thành công trong lĩnh vực phát hành phải là người biết trọng dụng phóng viên trẻ. Họ dám bỏ ra nhiều tiền để đào tạo lớp trẻ và sớm giao trọng trách cho những phóng viên này, tạo cho thế hệ trẻ cơ hội cống hiến nhiệt huyết của mình vào công việc. Một số ông chủ báo lớn trên thế giới cho rằng, không ngừng bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung phóng viên trẻ cho toà soạn sẽ làm cho nội dung của tờ báo được trẻ hóa, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo của bạn đọc trẻ.

Một ví dụ điển hình là tổng biên tập tờ Bưu điện sông Ranh của Đức liên tục điều chỉnh độ tuổi trung bình của biên tập viên. ông giải thích: chỉ cần có cơ hội là sẽ có rất nhiều phóng viên cao tuổi đều xin nghỉ, kết quả là sẽ làm cho bình quân độ tuổi của biên tập viên từ 50 xuống còn 40. Phóng viên trẻ sẽ tập trung đưa tin và bài về thế giới trẻ , còn phóng viên cao tuổi đưa tin và bài về thế giới của mình. Do vậy chỉ cần hai thế hệ cùng nhau hợp tác sẽ làm ra được tờ báo thu hút được cả lớp trẻ lẫn thế hệ có tuổi.
Tóm lại phát hành đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kinh doanh của báo chí, nó là nguồn thu nhập chính chiếm khoảng 20 - 40% tổng thu nhập của toà soạn Làm tốt công tác phát hành sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh, đồng thời nó cũng quyết định cả uy tín và là cơ sở cho việc thu hút quảng cáo của tờ báo đó.
Nguyễn Thành Lợi
(Tạp chí Báo chí & Tuyên truyền)
Báo chí trong bối cảnh cách mạng thông tin

[11/02/2007 - Khách - Vietnam Journalism]

Nếu xem xét các nguồn gốc khác nhau của báo chí và phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thấy chúng đã xuất hiện từ trong lòng xã hội phương Tây khi quá trình công nghiệp hoá đã thay đổi các quan hệ xã hội và quan hệ sản xuất.

Cách mạng công nghiệp ở Châu Âu và Anh quốc từ khoảng 1780 đến 1840 đã thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa và sắp đặt lại trật tự xã hội đối với đời sống người bình dân, mở rộng sự hiểu biết của họ về vị trí của họ trong thế giới, và chỉ ra quan hệ của họ với chính bản thân mình. Cuộc cách mạng này còn được coi là một giai đoạn của cách mạng văn hoá, đồng thời nó cũng tái cấu trúc các phương diện khác nhau của xã hội và chính trị.

Những cơ sở của báo chí từ nền sản xuất mới

C. Mác từ những năm 1850 đã chỉ ra rằng chính sự ra đời của các hệ thống sản xuất ở thành thị đòi hỏi việc mở rộng các mạng lưới truyền thông. Trong bộ Tư bản, Mác phân tích sự chuyển đổi trật tự kinh tế và xã hội từ sản xuất nông nghiệp nhỏ bé tự cung tự cấp, sang một hệ thống thành thị, công nghiệp, nơi hầu hết mọi người bán sức lao động để lấy lương trong các cơ sở công nghiệp, sản xuất ra hàng hóa cho một thị trường rộng lớn, và trả lại lợi nhuận cho các ông chủ.

Những nhà tư bản mới có đủ tiền để xây dựng những nhà máy, thuê nhân công và mua nguyên liệu thô với số lượng lớn đã trở thành các ông chủ kinh tế của trật tự mới và vì thế mau chóng làm lệch hướng quyền lực chính trị trực tiếp khỏi tầng lớp quý tộc sở hữu đất đai ở nông thôn, và những tầng lớp có thứ hạng cao khác trong xã hội.

Tầng lớp trung lưu mới này điều hành một loạt các giá trị xã hội và văn hoá khác như văn hoá thành thị, kiến thức về khoa học mới, phát triển đạo đức nghề nghiệp, có niềm tin vào sức mạnh của suy nghĩ lôgic, thích kiểu cách đơn giản, tiện lợi và đề cao giá trị của sự quyết đoán, linh hoạt và hiệu quả. Mạng lưới truyền thông do đó đã phải phát triển để phù hợp với những yêu cầu và nhu cầu mới.

C. Mác còn nhìn thấy sự “ngắt quãng” trong cuộc sống của con người sau khi công nghiệp hoá đã tạo ra những hiệu ứng chính trị lớn lên một giai đoạn lịch sử rất có ý nghĩa của sự điều chỉnh xã hội. Mác mô tả 4 hình thức có mối quan hệ chặt chẽ là sự “xa lánh” xã hội (social alienation): xa lánh sản phẩm (không còn tự sản xuất theo nhu cầu cá nhân), xa lánh đồng nghiệp (cạnh tranh công việc), xa lánh tự nhiên (môi trường làm việc trong nhà, khái niệm thời gian làm việc thay đổi) và xa lạ với chính bản thân (thay đổi mình liên tục trong những vị trí xã hội khác nhau).

Vai trò “siêu cấu trúc” của báo chí

Câu hỏi mà chúng ta quan tâm là trong trật tự mới đó, các dạng thức báo chí (media) có vai trò như thế nào? Nhà triết học Mác xít người Pháp Louis Althusser (1971) cho rằng trật tự xã hội mới phục vụ sản xuất công nghiệp phải đảm bảo nhiệm vụ sản xuất trực tiếp và sau đó là tạo ra các hệ thống xã hội để duy trì và tổ chức nền sản xuất đó.

Bên cạnh khái niệm về “cơ sở kinh tế”, ông phát triển khái niệm “siêu cấu trúc” nhằm phân tích hành động không chỉ sản xuất ra vật chất mà sản xuất ra ý tưởng và xác định vai trò xã hội mà lực lượng lao động cần có để duy trì sản xuất. Toàn bộ các thiết chế xã hội đã ra đời để khơi dòng và phục vụ cho các lực lượng sản xuất mới như trường học, bệnh viện, lực lượng cảnh sát và trong đó có báo chí.

Người lao động tham gia quá trình này vì họ buộc phải muốn làm việc, học tập, đào tạo và tìm cách tối đa hoá vị trí của mình trong trật tự xã hội nói chung. ở Nam úc, năm 1951 người dân trả tiền để mua một loại văn bản in được gọi là “The Advertiser"(1). Văn bản này thông tin về những địa điểm mà người đọc có thể mua hàng hoá do người khác sản xuất (là hình thức cung cấp thông tin), và viết các bài xã luận về những tiến bộ của đời sống và quá trình điều hành xã hội (là hình thức cung cấp tư tưởng).

Trong quá trình này, nhà báo ban đầu chỉ là những người hàng ngày ghi chép các hoạt động xã hội của trật tự kinh tế mới đã bắt đầu đứng tách riêng ra giữa người dân bình thường và những lý tưởng về cuộc sống mà họ được hướng tới. Các nhà báo làm “trung gian” để đảm bảo tất cả nhu cầu được đáp ứng và phù hợp với trật tự xã hội. Họ ghi chép lại những gì đã xảy ra cho những người không có điều kiện theo dõi. Đây là nguyên do xuất hiện những thể loại tin tức như tội phạm, tai nạn, bệnh tật, thành công hay thất bại, thất nghiệp, thảm hoạ tài chính, li dị…

Những loại hình tin tức như thế, giúp nội bộ báo giới phát triển tự nhiên bởi đó là cái mà người ta cần biết. Những loại hình này phát triển và cạnh tranh với nhau, trong bối cảnh một xã hội công nghiệp mang các đặc trưng thành thị, mất gốc và di động.

Xu hướng công nghiệp nhẹ và dữ liệu như là nguyên liệu thô

Sản xuất công nghiệp nặng và các hình thức điều hành tổ chức xã hội hướng tới sự ổn định, được thay thế bởi sự sản xuất “nhẹ” và “lỏng”, và các “cá nhân” hướng tới khả năng “tự quản” và “tự điều chỉnh”. Để đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp mới, việc khơi dòng chảy thông tin để tăng tốc và tiêu chuẩn hoá dữ liệu để duy trì dòng chảy trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của báo chí.

Nhà nghiên cứu Zygmunt Bauman trong cuốn "Tính hiện đại lỏng"(2), đã nói rằng sự biến chuyển chính trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin là sự thay đổi từ sản xuất công nghiệp nặng sang công nghiệp nhẹ. Ngành công nghiệp này tập trung sản xuất dữ liệu nhẹ hơn không khí. Dữ liệu này được truyền đi bằng đường cáp quang hoặc sóng không trung, được mã hoá và giải mã thành các đơn vị tí hon, và luân chuyển nhiều lần khắp hoàn cầu từ cá máy tính nối mạng Internet.

Nhà nghiên cứu truyền thông Manuel Castells(3) đã nói rằng dữ liệu siêu nhẹ này là trung tâm của cách mạng công nghiệp lần thứ hai: sự thay thế việc sản xuất hàng hoá hàng hoá cồng kềnh giá trị thấp (len thô; quặng sắt) với hàng hoá là dữ liệu nhẹ giá trị cao – như là “vật liệu thô” cho sản xuất.

Trước khi công nghiệp hoá đã xắp xếp lại trật tự xã hội, nhu cầu về “tin tức” trong một ngày chưa cao. Các cộng đồng địa phương nhỏ bé vẫn trao đổi thông tin qua truyền miệng. Chỉ khi những thay đổi diễn ra mạnh mẽ, các thành phố lớn ra đời, và người ta bắt đầu chuyển sang theo dõi công việc như một nhu cầu về tin tức hàng ngày, theo “tiêu chuẩn” và theo định dạng phù hợp với nền văn hoá sản xuất mới.

Những biến đổi tất yếu

Quá trình biến đổi của báo chí có thể khái lược như sau. Trước tiên, báo in còn ở dạng “nặng” có yêu cầu cao về học thuật, dòng tin chậm, tin được tiêu chuẩn hoá và hướng vào các thị trường lớn. Thế kỉ XIX là giai đoạn báo in thống trị, nhờ sự hỗ trợ của máy in chạy hơi nước và vì chi phí in rẻ hơn. Bên cạnh đó giao thông đã phát triển, và nhiều quốc gia đã thể chế hoá việc bắt buộc phổ cập giáo dục từ những năm 1870.

Giai đoạn này báo chí vẫn rất gần với hư cấu, sáng tạo. Nó còn là một phương tiện đưa tin mang tính “đảng phái”. Sau đó, cách đưa tin như thế mới bị các nhà duy lí hay người theo chủ nghĩa tân thời vốn thích “kiểu cách đơn giản” của nền văn hoá công nghiệp phản đối bằng cách đề cao yêu cầu về “tính khách quan”.

Các nhà báo, như tất cả các công nhân công nghiệp khác, làm việc theo những yêu cầu khắc nghiệt về “hạn chót”. Bản thân các cơ quan báo chí là những công ty liên doanh ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, thể hiện vai trò của mình trong sản xuất trực tiếp cho thị trường người tiêu dùng. Đồng thời những cơ quan báo chí đó làm công việc “siêu cấu trúc” ủng hộ hoặc chống lại những lợi ích của chính trị và hợp tác.

Vào thế kỉ XX, chúng ta chứng kiến sự ra đời của các loại hình báo chí điện tử, những thị trường lớn, các đại lí trực tiếp, sự xuất hiện văn hoá media phổ thông và người đọc tích cực (chủ động lựa chọn). Do đó, có thể nói thế kỉ XX là thế kỉ của truyền thông đại chúng, của các văn bản có âm thanh và có hình ảnh gồm phim, ảnh, radio, in ảnh màu, ti vi, video. Mỗi hình thức này lần lượt thiết lập những mô hình như báo chí đã có: những liên doanh công nghiệp dựa trên nền sản xuất kinh tế và một vai trò siêu cấu trúc hay tư tưởng.

Mặc dầu đã có sự chuyển dịch từ báo in “nặng” sang những loại hình nhẹ hơn, thậm chí là phát thanh trên sóng radio, hoá ra tất cả vẫn phải dựa trên cơ sở “viết” hoặc sử dụng bản thảo dựng sẵn. Các nhà truyền thông sử dụng radio và tivi vẫn viết và dùng các cách thức khác nhau để thể hiện nội dung thông tin, hơn là chỉ nói. Đặc điểm này của các loại hình báo chí thế kỉ XX được gọi là “nền văn hoá nói thứ hai”, và do đó việc thể hiện tư tưởng vẫn can thiệp vào quá trình của cái có vẻ như là “đưa tin trực tiếp”. Phim ảnh, radio và TV vẫn hoạt động như những liên doanh lớn, thường là hùng mạnh, với các sản phẩm phục vụ thị trường và đảm nhiệm vai trò bảo vệ chính trị.

Trong khi tính “nhẹ” của văn hoá nói được gia tăng và việc các dạng thức báo chí điện tử tìm mọi cách để thể hiện trực tiếp thông tin, người dùng không còn cần phải được đào tạo chính quy để sử dụng các dạng thức này nữa. Họ tự đào tạo mình và thoải mái tuỳ chọn cách mình tiếp nhận, khai thác thông tin. Do đó, như các nhà nghiên cứu đã nói, việc “tiêu dùng” các sản phẩm báo chí đã trở thành quan trọng như việc “sản xuất”. Những khán giả, thính giả và độc giả mới và năng động đã ra đời.

Vào thế kỉ XXI, nhân loại chứng kiến sự ra đời của các loại hình báo chí tương hợp, dòng chảy dữ liệu siêu tốc, các mạng lưới, các dịch vụ đa thành phần, hiện tượng tiêu dùng định hướng sản xuất, việc tập trung vào “bản sắc” riêng và sau cùng là vấn đề toàn cầu hoá. Báo chí thế kỉ thứ 3 là một trong những cách đưa tin tương hợp và là một trong các dòng chảy thông tin.

Ngày càng có nhiều người có học vấn cao hoặc yêu thích các loại hình báo chí và đưa ra những thông điệp phản hồi. “Tính lỏng” mới này có nghĩa là các rào cản và sự phân biệt giữa “nhà sản xuất” và “người tiêu dùng” hoặc “độc giả/khán giả/thính giả” đang biến mất. Độc giả vừa là người tiêu dùng, vừa có thể tự sản xuất và phổ biến tin tức trong khi nhà sản xuất chuyên nghiệp ngày càng phải tìm mọi cách để khai thác thông tin phản hồi từ phía khách hàng của mình.

Nhìn chung, các loại hình báo chí đã phát triển cùng với những giai đoạn biến đổi văn hoá chính: từ văn hoá nói đến văn hoá viết, từ văn hoá viết đến văn hoá dùng bản thảo, từ văn hoá dùng bản thảo sang văn hoá in ấn và từ văn hoá in ấn đến văn hoá xuất bản điện tử.

*
* *

Như thế, thế giới chứng kiến sự đa dạng và phức hợp chưa từng có trong cách thức con người truyền thông, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm báo chí. Khi bạn đọc là người tiêu dùng các sản phẩm tin tức đã trở nên chủ động hơn, đặc biệt với sự hỗ trợ của những thành tựu công nghệ mới, thông tin về mặt số lượng không còn quan trọng nữa mà yếu tố chất lượng cao của thông tin đã trở thành mối quan tâm hàng đầu.

(Hoàng Văn Chung)
____________
Chú thích:
1. Sau này là tờ báo của trùm truyền thông Rupert Murdoch, truy cập tại: www.theadvertiser.com.au
2. Liquid modernity, Nxb. Polity Press, Cambridge, 2000.
3. Xin tham khảo Manuel Castells (1996) trong cuốn The rise of the network society, Nxb., Oxford, Blacwell, pp. 60-65. Đây là cuốn 1 trong bộ ba The information age: economy, society and cultural.

Đào tạo báo chí: Gắn lý luận với thực hành

[18/11/2005 - thaothucsg - Vietnam Journalism]

Sự bùng nổ thông tin trong thời đại hiện nay đã và dang đặt ra những thách thức không chỉ đối với những người làm báo mà còn với các cơ sở đào tạo báo chí. Và đây cũng chính là lý do để Hội thảo "Đào tạo báo chí trong bối cảnh truyền thông hiện đại" do Khoa Báo chí - Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội – tổ chức, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà báo và đông đảo sinh viên báo chí.

Chia hay không chia chuyên ngành hẹp?
Theo TS.Đinh Hường – Chủ nhiệm Khoa Báo chí, hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, vấn đề phân chia hay không phân chia chuyên ngành hẹp trong đào tạo báo chí vẫn chưa thống nhất. Bởi vì, mỗi cách đều có những mặt thuận lợi và khó khăn nhất định. Vì thế, chưa thể nói mô hình này là lý tưởng, mô hình kia là thất bại. Vấn đề là sản phẩm đào tạo có được xã hội và cơ quan báo chí chấp nhận hay không ? Sinh viên ra trường có phát huy được năng lực hay không ?

TS.Đinh Hường cho rằng, cái lợi của việc phân chia là đào tạo chiều sâu, sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay. Tuy nhiên, cái khó là ở chỗ, tiêu chí để lấy sinh viên rất khó, trong khi việc làm này dường như lại làm suy yếu đội ngũ những người làm báo, nhất là trong hoàn cảnh họ không được làm việc trong lĩnh vực mình học. Đó là còn chưa kể đến việc người dạy và trang thiết bị phục vụ cho học tập và thực hành ở ta còn thiếu và yếu. Còn việc không phân chia chuyên ngành sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức văn hóa và ngành rộng, theo hướng mở, cập nhật và đổi mới, phù hợp với điều kiện và mục tiêu của các cơ sở đào tạo, đồng thời tạo "đầu ra" rộng cho sinh viên...Có điều, cái khó là, việc đào tạo chuyên môn chưa được sâu và yếu ban đầu về thực hành, tác nghiệp, lại ít có điều kiện trao đổi để nâng cao kiến thức, trình độ giữa giảng viên – sinh viên – nhà báo...

Biết nhiều nhưng phải chuyên sâu
TSKH. Đinh Thị Thúy Hằng – Học viên Báo chí - Tuyên truyền, cho rằng, với khuynh hướng tập đoàn báo chí như hiện nay, một nhà báo cần phải làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in mà còn có thể viết cho báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Vì thế "cần phải đào tạo nguồn nhân lực là các nhà báo có trình độ nghiệp vụ: Có tri thức và kỹ năng, biết nhiều thứ nhưng lại chuyên sâu".

Từ kinh nghiệm điều hành Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC cũng như tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam hiện nay, NB.Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Vietnamnet cho rằng, sự khốc liệt của cuộc cạnh tranh đòi hỏi nhà báo phải có những phẩm chất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu nắm bắt và xử lý thông tin trong một xã hội hiện đại. "Để trở thành một nhà báo giỏi, ngoài lòng say mê, tình yêu nghề nghiệp cần phải có một số phẩm chất đó là: Kỹ năng khai thác tài nguyên thông tin trên Internet, kỹ năng nắm bắt và chọn lọc thông tin, khả năng thuyết trình".

Trong tham luận của mình, TS.Nguyễn Thị Minh Thái – Khoa Báo chí - đã kể lại chuyến đi dẫn sinh viên đi thực tế tại miền Trung và..."thấm thía một điều: Sinh viên báo chí của tôi quá đói khát thực hành báo chí". TS.Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định, sau chuyến đi "sinh viên tiến bộ trông thấy về nghề nghiệp, hỏi những câu hỏi hay hơn, mang tình báo chí cao hơn trong cuộc đối thoại, phỏng vấn, biết chọn góc quay của camera, của máy ảnh, biết ghi chép tư liệu và tổ chức tác phẩm báo chí" và kết luận: "Thế mới biết, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Phải chăng đây là cách thức đào tạo và học nghề báo chí mà theo tôi, có thể gọi là hiện đại vì tính thực tiễn cao của nó, đối với sinh viên báo chí hôm nay".

Đánh giá cao cả việc đào tạo lý thuyết lẫn thực hành, NB.Lê Quốc Minh – Trưởng phòng Thông tin Điện tử - Ban biên tập tin Đối ngoại - TTXVN, cho rằng: "Những kiến thức cơ bản là điều kiện cần trong hành trang của một sinh viên báo chí nhưng không phải là điều kiện đủ - thứ không thể học mà chỉ có thể đạt được qua thực hành thật nhiều. Một nhà báo giỏi phải là người nhạy bén với tin tức, tinh tế trong cách xử lý vấn đề - từ văn phong đến câu chữ, phải hiểu rộng, có nhiều mối quan hệ và phải luôn tò mò. Tất cả những đặc điểm này không thể có được trong mỗi con người nếu không trải qua nhiều ngày tháng lăn lộn với thực tế, học hỏi từ cuộc sống và những người đi trước...."

Tạm kết
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, không còn cách nào khác, các sinh viên báo chí cần phải được trang bị kiến thức một cách sâu và rộng. Và, cho dù việc đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên là rất quan trọng và cần thiết, nhưng cũng không thể vì thế mà coi nhẹ lý luận và nghiên cứu. Đó chính là tinh thần xuyên suốt của buổi Hội thảo mà diễn giả đã thống nhất. Tới đây, để khép lại bài viết xin được dẫn lại nhận định có giá trị như một chân lý của NB.Lê Quốc Minh rằng: "Không phải ai cũng có thể trở thành nhà báo lớn nhưng chắc chắn tất cả chúng ta đều phải trở thành những nhà báo chuyên nghiệp thực sự".

Thành Nam Định (Nhà báo và Công Luận số 46)

Tiếng Việt S.O.S

[09/12/2005 - thaothucsg - Vietnam Journalism]

Trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Thể thao-Văn hoá, Giáo sư Cao Xuân Hạo nói nhiều về tình trạng đáng báo động hiện nay trong viết và nói tiếng Việt. Ðây là một vấn đề mà Cao Xuân Hạo luôn trở đi trở lại trong những bài viết của mình như một điều canh cánh bên lòng. Chia sẻ mối ưu tâm đó của ông, tôi muốn được góp thêm một số suy nghĩ dưới đây.

1. Trong những lần gặp gỡ ít ỏi gần đây, hoặc khi tôi có việc vào Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc khi Hạo ra Hà Nội họp, nguy cơ suy đồi của tiếng mẹ đẻ luôn là một đề tài trao đổi giữa hai chúng tôi. Hiện tượng viết sai, nói sai tiếng Việt phổ biến một cách đáng sợ. Làm sao không lo lắng khi mà trong khẩu ngữ hằng ngày cũng như trên sách báo và các phương tiện truyền thông đại chúng, những lỗi thô thiển về mọi mặt - từ ngữ chính tả, ngữ pháp... - luôn luôn chọc vào tai, vào mắt ta? Dù mở đài truyền thanh, truyền hình, hay giở hú hoạ một tờ báo nào đó, bạn đều có thể gặp những cách hành văn đại loại như: Với thành tích đó, đã đưa Công ty lên hàng đầu các cơ sở xuất khẩu, hay: Qua kết quả thực nghiệm, đã chứng minh sự đúng đắn của lý thuyết trên... Những câu cú què quặt, những lời dịch ngược nghĩa, ngô ngọng, tây không ra tây, ta không ra ta, đặc biệt là những chữ dùng sai, tràn lan và thường xuyên như cơm bữa. Xin dẫn một vài thí dụ:

Nhạc sĩ Trần Tiến có một bài hát có cái tên khoa trương „Hà Nội những năm 2000“. Có điều lạ là không ai thấy thế là chướng. Những năm 2000 là gì? Là cả một khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2999, là cả nghìn năm, là cả thiên niên kỷ thứ ba đấy. Không lẽ nhạc sĩ muốn Hà Nội vẫn cứ nguyên như những gì được gói gọn trong bài hát của mình?

Cũng liên quan đến niên đại, người ta rất hay dùng cụm từ vô nghĩa sau Công nguyên nhất là trong những tài liệu lịch sử, chẳng hạn: cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng kéo dài từ năm 40 đến năm 43 sau Công nguyên, nhà Lý rời đô đến Thăng Long năm 1010 sau Công nguyên... Tôi nói vô nghĩa là vì đến nay ta vẫn ở trong Công nguyên chứ chưa có bao giờ là sau Công nguyên cả. Công nguyên là kỷ nguyên Thiên Chúa giáo lấy thời điểm Chúa Jêxu ra đời làm mốc khởi đầu. Mốc đó tiếng La-tinh gọi là Anno Domini (Năm của Chúa). Trước cái mốc đó thì có thể nói là “trước Công nguyên”, nhưng từ đó trở đi thì nằm trong Công nguyên và Công nguyên chưa hề chấm dứt nên không thể nói “sau Công nguyên” được. Nếu muốn dùng chữ sau thì phải nói là “sau Thiên Chúa giáng sinh”.

Một từ nữa bị dùng sai rất phổ biến, trong cả viết lẫn nói, là Thánh A-La. Trong Hồi giáo, A-La là Ðấng Tối Cao tương ứng với Chúa Trời trong Thiên Chúa giáo. Thánh là người vì đức hạnh tôn giáo hoặc vì công trạng, kỳ tích lớn lao mà được tôn xưng và thờ phụng đời đời. Thánh thì có muôn vàn, nhưng Chúa chỉ có một. Vì vậy không thể gọi là Thánh A-La được.

2. Khuynh hướng lấy châu Âu làm chuẩn mực mà Giáo sư Cao Xuân Hạo gọi là „dĩ Âu vi trung’’ (eurocentrisme) quả đã gây tác hại trong việc xây dựng ngữ pháp tiếng Việt. Người ta máy móc dựa vào mô hình mệnh đề của châu Âu, nhất là của Pháp, chủ từ + động từ + bổ từ để viết những câu ngô nghê kiểu như: Tôi đã gửi các tài liệu cho ông, ngày mai ông sẽ nhận được chúng. Trong tiếng Việt, nói cũng như viết, bổ từ thường được tinh lược, để hiểu ngầm. Tôi đã gửi tài liệu cho ông, ngày mai ông sẽ nhận được, chỉ vậy là đủ, không cần phải các để chỉ số nhiều và chúng để bổ nghĩa cho động từ nhận. Người Việt nói (và viết): Lùa vịt ra đồng, chứ không Lùa những con vịt ra đồng, hoặc: Hắn rút một điếu thuốc châm lửa hút, chứ không Hắn rút một điếu thuốc, châm lửa nó và hút nó. Có lẽ cũng nên nhớ lại rằng trước kia, khi chưa tiếp xúc với văn minh, văn hoá và ngôn ngữ Pháp, rồi chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp, trong tiếng Việt, cái đại từ nhân xưng số nhiều chúng hiếm khi được dùng hoặc nếu có, thì thường chỉ dùng cho người và loài vật, chứ không cho đồ vật. Và nhiều khi đại từ nó được dùng cho cả số ít lẫn số nhiều. Ta hãy cùng cụ Tú Xương nghe thiên hạ chúc nhau:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non...

Xin lưu ý: "nó" chứ không phải là "chúng", mặc dù rõ ràng đó là số nhiều.

3. Có một điều nghịch lý là sau khi thống nhất nước nhà, hàng loạt từ địa phương ở miền Nam tràn ra miền Bắc, dần dần lấn lướt, thậm chí thay thế những từ đã chuẩn hoá từ nhiều đời. Lợn lành chữa thành lợn què, đang trương biển Công ty gạch hoa, lại sửa thành Công ty gạch bông, đang thiếp mời lại sửa thành thiệp mời, đang kem cốc lại sửa thành kem ly. Trên thực đơn các cửa hàng ăn, các chữ rang và rán biến mất, nhất loạt thay thế bằng chữ chiên: cơm chiên thay vì cơm rang; cá chiên, đậu chiên, khoai tây chiên thay vì cá rán, đậu rán, khoai tây rán... Trong ngôn ngữ mọi nước, tiếng dùng ở thủ đô thường được coi là chuẩn mực, không thể đem tiếng địa phương thay thế. Hiện tượng này nếu diễn ra theo chiều ngược lại, đem những từ miền Bắc thay thế lối nói quen thuộc của miền Nam, cũng là vô lối, không chấp nhận được.

4. Cuối cùng, xin tạm nêu dưới đây một số từ dùng sai thường gặp trong khẩu ngữ hằng ngày cũng như trên sách báo:

Cứu cánh: Cứu cánh, nghĩa là mục đích tối hậu, hợp với phương tiện thành một cặp khái niệm. Bởi có từ tố “cứu” trong đó nên rất nhiều người, kể cả một số người viết chuyên nghiệp, dùng từ này với nghĩa cứu giúp, giải cứu.

Ðảo ngũ: Từ này vốn không có, mà do đọc sai từ đào ngũ, nghĩa là bỏ trốn khỏi quân đội trong khi đang tại ngũ. Cho đến nay, vẫn còn nhiều người, kể cả các phát thanh viên trên đài, mắc lỗi thô thiển này.

Thực sự - thực thụ: Thực sự có nghĩa là đích thị như vậy, không phải là giả; còn thực thụ nghĩa là đã chính thức nhận cương vị, nhiệm vụ hay chức trách của mình, không còn là tạm thời nữa. Một giám đốc thực thụ là một giám đốc đã chính thức nhậm chức. Không ít người thường dùng từ thực thụ theo nghĩa thực sự.

Ðảo - ốc đảo: Ðảo là một khoảng đất đá nhô lên giữa một vùng nước rộng lớn hơn (sông, hồ hoặc biển), còn ốc đảo là một khoảng có cây và nước ở giữa sa mạc. Hai từ hoàn toàn khác nhau về cả nghĩa cụ thể lẫn hàm ý, nhưng rất nhiều người thường dùng ốc đảo với nghĩa là đảo. Thậm chí, Ðài Truyền hình Việt Nam có lần phát một vở kịch (tôi không nhớ tên vì mở đài giữa chừng) với cốt truyện diễn ra trên một hòn đảo, nhưng suốt các màn, lớp, các nhân vật đều gọi đảo là ốc đảo?

Quyền - thẩm quyền: Quyền là những gì có thể đòi hỏi hoặc được phép hưởng (lợi ích vật chất và tinh thần) theo quy định của pháp luật hay quy ước đạo lý, còn thẩm quyền là tư cách về chuyên môn để xem xét nhận định, đánh giá. Rất nhiều người đã dùng từ thẩm quyền ở những chỗ lẽ ra phải dùng từ quyền.

Sưu tầm - sưu tập: Sưu tầm là tìm kiếm, thu thập và tập hợp lại một cách có hệ thống. Các bộ sưu tập là kết quả của công việc đó. Cách nói đúng là: nhà sưu tầm và bộ sưu tập, thí dụ: Nhà sưu tầm X nổi tiếng với những bộ sưu tập quý hiếm. Nhưng gần đây, trên sách báo, thuần thấy gọi là nhà sưu tập như thể chữ nhà sưu tầm chưa bao giờ tồn tại vậy.

Răn đe hay ngăn đe? Về điểm này, cần phải giải thích một chút về từ nguyên: cặp từ này mới chỉ xuất hiện vào giữa thập kỷ 1960 khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh không quân phá hoại miền Bắc. Giới quân sự Mỹ gọi hành động này là deterrence response, tức là đánh phủ đầu để cảnh cáo và ngăn chặn việc miền Bắc đưa quân vào miền Nam. Cánh biên dịch chúng tôi (hồi đó tôi là cán bộ biên dịch ở Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam) bàn với nhau, tham khảo cả ý kiến của Giáo sư Ðặng Chấn Liêu, một chuyên gia hàng đầu về tiếng Anh, và cuối cùng thống nhất dịch là phản ứng ngăn đe (hàm ý vừa ngăn chặn vừa đe dọa). Vậy là từ ngăn đe có trước, rồi sau đó người ta đọc chệch thành răn đe và viết rập theo như thế luôn. Ðời sống ngôn ngữ có những phát triển thật bất ngờ: về sau, bất cứ khi nào tôi viết ngăn đe, người ta đều sửa thành “răn đe”! Tôi tò mò giở Ðại từ điển tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam ra tra: hỡi ôi, trong đó chỉ có từ mục răn đe mà không có ngăn đe!

Ðiệu nghệ hay diệu nghệ? Hiển nhiên, điệu nghệ là do đọc chệch từ diệu nghệ mà ra. Diệu nghệ là từ Hán-Việt, trong đó diệu (cũng là thành tố của các từ tuyệt diệu, huyền diệu, diệu kỳ, diệu kế...) nghĩa là hay, giỏi, khéo, tài và nghệ nghĩa là nghề. Diệu nghệ là giỏi nghề, có kỹ thuật tài tình. Còn điệu nghệ là một ghép nối giữa một thành tố thuần Việt (điệu) với một thành tố Hán (nghệ), tựa như “very giỏi” vậy. Vậy mà khốn thay, thiên hạ hầu như chỉ một mực nói và viết điệu nghệ thay vì diệu nghệ! Một lần nữa, tôi giở Đại từ điển tiếng Việt để kiểm tra và một lần nữa tôi lại sửng sốt và thất vọng đến ngao ngán: không hề có từ mục diệu nghệ mà chỉ có điệu nghệ mà thôi! Song tôi cũng có một an ủi: tất cả các Từ điển Việt-Anh của Giáo sư Bùi Phụng đều có từ mục diệu nghệ và không có điệu nghệ.

Khi mà một bộ sách tra cứu như Ðại từ điển tiếng Việt do các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Trung Tâm Ngôn ngữ và Văn hoá xuất bản, cũng mắc những sai sót sơ đẳng đến thế thì rành là chỉ còn nước phát tín hiệu S.O.S. thôi! Thiết tưởng, có nói người ta đang tàn sát tiếng Việt cũng không ngoa.

Dương Tường - 2/2002

(Nguồn: Dương Tường, Chỉ tại con chích choè, tạp luận, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2005, tr. 179-185.)
Wikipedia - Hiện tượng thông tin toàn cầu

[05/01/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]



Frieda Brioschi là chuyên gia lập trình máy tính ở Arcore (Italy) nhưng cô vẫn dành hơn 25 giờ mỗi tuần để biên tập nội dung phiên bản từ điển bách khoa trực tuyến miễn phí bằng tiếng nước này.

Brioschi là một trong số hàng nghìn người nhiệt huyết muốn tham gia kiểm duyệt Wikipedia như đối chiếu số liệu, viết lại, sửa lỗi ngữ pháp, chính tả hoặc theo dõi những thay đổi của một mục từ nào đó. Với cô, Wikipedia là một hệ thống từ điển tiến hóa theo "học thuyết Darwin", dần phát triển và hoàn thiện hơn sau khi các bài viết lỗi đã được xóa hoặc chỉnh lại.

Những tình nguyện viên như Brioschi đã góp phầp biến Wikipedia thành một "hiện tượng thông tin" trên toàn thế giới. Trang web chứa hơn 2,6 tỷ bài viết với 200 ngôn ngữ khác nhau và thu hút 2 tỷ lượt khách ghé thăm mỗi tháng. Nội dung được "sáng tác" hoàn toàn bởi các tình nguyện viên hay bất cứ ai cảm thấy muốn đóng góp cho kho thông tin khổng lồ này. Trong tháng 12, độc giả đã bổ sung thêm 45.000 mục từ chỉ tính riêng trong bản tiếng Anh.

Wikipedia, một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trên mạng, được thành lập bởi Jimmy Wales, 39 tuổi. Dù luôn nằm trong "tầm ngắm" của các nhà tiếp thị, site không chấp nhận logo quảng cáo và Wales cũng không có ý định kinh doanh kiểu này trong thời gian tới. "Chúng tôi không dám chắc những quảng cáo đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh và thương hiệu của chúng tôi", Wales nói.

Gần đây, Wikipedia cũng gặp nhiều rắc rối, như trong tháng 11, cựu trợ lý của John F. Kennedy, đồng thời là một nhà báo danh tiếng tại Mỹ, đã phát hiện ra rằng đoạn tiểu sử của ông trên Wiki nói ông bị nghi ngờ dính líu đến vụ ám sát anh em nhà tổng thống. Ngoài ra, nhiều nhà phê bình cũng lo ngại rằng khi thương hiệu này ngày càng phổ biến và có uy tín, site sẽ không tránh khỏi nguy cơ trở thành mục tiêu trong các cuộc vận động. Sau một số vụ tai tiếng, Wales đã thắt chặt hơn trong việc kiểm soát và hạn chế thông tin thiếu trung thực.

Từ khi thành lập năm 2001, Wikipedia đã trở thành nguồn thông tin tra cứu lớn nhất trong lịch sử. Phiên bản tiếng Anh hiện chứa khoảng 800.000 mục từ, trong khi bộ từ điển bách khoa Britannica cũng chỉ có dưới 120.000 mục từ. Dù phát triển với chính sách "tự do chỉnh sửa", Robert McHenry, cựu tổng biên tập Britannica mô tả Wikipedia là "cuốn từ điển đáng tin cậy". Một nghiên cứu do tạp chí Nature của Anh thực hiện cũng khẳng định Wikipedia có độ chính xác gần tương đương với Britannica (123 lỗi trong Britannica và 162 thông tin chưa đúng trong Wikipedia khi so sánh 50 bài viết về chủ đề khoa học).

Nhân tố quan trọng nhất cho thành công của Wikipedia là nó tạo nguồn cảm hứng và lòng nhiệt huyết cho độc giả tham gia. Ngay cả Wales cũng hoạt động như một tình nguyện viên cho Wikipedia Foundation, tổ chức phi lợi nhuận ở St. Petersburg, Florida (Mỹ). Ban quản trị của tổ chức chỉ gồm 3 người được trả lương hành chính, 2 trợ lý và một kỹ sư phần mềm. Tất cả các khâu nội dung và chỉnh sửa đều là công sức của đội ngũ những con người nhiệt tình trên toàn thế giới. Một số "cư dân Wiki" đóng góp phần mềm cho Wikipedia, được biết đến như là các "bot". Ví dụ, Pfft Bot đánh dấu những câu đa nghĩa, GrammarGremlin thông báo lỗi cú pháp và Kakashi Bot tự động thay đổi dạng lỗi kiểu "Seychelles" thành "the Seychelles".

Song song với Wikipedia, Wales đang xây dựng những kế hoạch nhằm tiến xa hơn. Nhiều tình nguyện viên đang sưu tập thông tin cho Wiktionary, bộ từ điển khái niệm đa ngôn ngữ. Người yêu những câu châm ngôn nổi tiếng đang giúp hình thành nên Wikiquote, cơ sở dữ liệu về các phát ngôn nổi tiếng bằng 30 ngôn ngữ. Trong dự án Wikibooks, bất cứ ai cũng có thể bình luận hay trao đổi về các cuốn sách giáo khoa. Tổ chức cũng đang thực hiện những bước đầu tiên cho chương trình Wikinews, tập hợp và sắp xếp tin tức theo cơ quan thông tấn như BBC của Anh, Tân Hoa Xã của Trung Quốc... Wales muốn phát triển nguồn thông tin "không thiên về đánh giá chủ quan" nhưng ông cũng thừa nhận rằng các nhà báo (hay Wikinewsie), đôi lúc để lộ ý kiến chủ quan của họ, đặc biệt khi viết về đề tài Israel hay tổng thống Mỹ George W. Bush.

Để đầu tư cho những dự án này, Wales đang tìm kiếm nguồn tài trợ. Độc giả đã đóng góp 1 triệu USD năm ngoái. Những nhà đầu tư lớn như Yahoo đã cung cấp máy chủ và 250.000 USD trong tháng 4/2005. Năm 2004, Wales mở công ty kinh doanh Wikicities, cung cấp dịch vụ hosting cho website với nội dung theo chủ đề về tiền cổ, bia... Wikicities cũng do các tình nguyện viên xây dựng nhưng nó được phép đăng quảng cáo và doanh thu của công ty độc lập này hỗ trợ một phần lớn cho việc duy trì Wikipedia.

Wales không hề có ý định mở rộng ban quản trị chưa đến 10 người hiện nay hoặc đầu tư kinh phí cho việc điều hành site. Thay vào đó, ông muốn sử dụng vốn có được để xuất bản Wiki DVD miễn phí cho những khu vực nghèo không có điều kiện tiếp cận Internet.

(VNExpress - theo Newsweek)

Các cấp độ đọc

[24/07/2006 - minhlq - Vietnam Journalism]



Tôi có một thói quen rất xấu: Giở báo từ cuối lên. Không biết có phải lý do là trước đây nhiều tờ báo để mục truyện cười mà tôi rất thích ở trang gần cuối hay không. Tôi cũng đã chủ động đọc theo cách thông thường vì báo Việt Nam không theo kiểu đọc từ phải sang trái, song "méo mó" thế nào mà cứ bị theo cái thói quen cũ.

Nhưng tất nhiên đó là khi xem lướt qua tờ báo, chứ đã chọn bài nào thì đương nhiên tôi đọc từ cái tiêu đề.

Tìm hiểu về các cấp độ đọc của độc giả là điều cần thiết để hiểu thói quen của họ và từ đó biết được những yếu tố, những phần nào của bài viết dễ thu hút mắt nhìn của họ ở những cấp độ khác nhau. Việc đọc hay không đọc kỹ một bài báo là do nhiều yếu tố - cả chủ quan lẫn khách quan, ví dụ đó là vấn đề mà độc giả không quan tâm hoặc họ đang quá bận rộn.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu từng cấp độ đọc dưới đây.

Cấp độ đầu tiên: Giở lướt qua
Giở lướt qua các trang báo giúp người đọc định hình những gì sẽ đọc và thứ tự các bài báo trong toàn bộ tờ báo và trong mỗi trang. Độc giả sẽ lựa chọn đọc cái gì bằng cách lật qua các trang báo. Không giống như đọc tiểu thuyết, đọc báo và tạp chí có thể giở thoải mái. Độc giả có thể bắt đầu từ trang nhất, nhưng sau đó đọc ngay trang cuối, họ cũng có thể xem trang trong từ đầu đến cuối hay từ cuối lên đầu, và dừng lại ở những chỗ đáng chú ý. Vậy những yếu tố nào gây chú ý ở độc giả?
- Các tít trên trang nhất.
- Đầu đề các chuyên mục: độc giả này bị thu hút bởi đề tài "Kinh tế", độc giả khác lại chú ý tới mục "Sức khỏe".
- Các loại tít của từng bài báo (tít, tít phụ)
- Minh họa: ảnh, tranh, đồ họa.
- Tên tác giả.
- Những chuyên mục cố định: hình vẽ, bình luận, xã luận.
- Tóm tắt.

Các yếu tố trên đây là lựa chọn đầu tiên khi độc giả giở lướt qua một tờ báo, tạp chí, và được ghi nhớ ngay tức khắc.

Cấp độ hai: Đọc lướt
Độc giả trở lại với những nội dung đã thu hút họ và chú ý đến những yếu tố khác trong bài báo.
- Sapô: cung cấp thông tin cơ bản hoặc gợi tò mò.
- Tít xen và mở đầu các đoạn: nằm trong bài báo, chúng có tác dụng giãn mắt và dẫn dắt vào bài báo.
- Các hộp.
- Mở đầu bài: câu đầu tiên quan trọng nhất.
- Kết luận: câu cuối cùng, cảm tưởng cuối cùng.
- Chú thích các hình minh họa: một lối vào bài báo.

Nếu vội, độc giả có thể dừng ở cấp độ đọc thứ hai này. Nếu các yếu tố này được viết tốt, chúng sẽ thu hút độc giả đọc tiếp toàn bộ bài báo. Các yếu tố thuộc hai cấp độ đọc đầu tiên đóng vai trò marketing. Nếu làm tốt các "động tác marketing" này thì sẽ đạt khả năng cao hơn trong việc lôi kéo độc giả đến với bài viết. Nếu họ đang chần chừ thì đây chính là thứ giúp họ quyết định dứt khoát, còn nếu họ bận rộn thì sẽ thấy cần phải quay lại vào một thời điểm nào đó.

Cấp độ ba: Đọc kỹ
Việc độc giả có đọc kỹ hay không phụ thuộc vào cấu trúc bài báo và phong cách viết: vừa phải viết hay, vừa phải trình bày rõ ràng.

Các cấp độ đọc không phụ thuộc nhau, vì người ta có thể đọc vào những thời điểm khác nhau, và không bắt buộc đọc cái này sau cái kia. Điều này dẫn đến hai điểm cần lưu ý:
- Phải nhắc lại thông tin của tít trong sapô và phần đầu bài báo.
- Không được gắn sapô với tít cũng như với phần mở đầu bài báo, nhất là bằng cách dùng tính từ chỉ định (điều này, người này…)