Thứ Ba, 26 tháng 2, 2008

Fidel Castro - Người đọ kiếm với 10 đời tổng thống Mỹ


8h30' ngày 27/02/2008
Bản để in ra Gửi trang này cho bạn bè
(Toquoc)–Fidel Castro, người đương đầu với các tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến Bush (Con). Không chừng cả với tổng thống thứ 11, nếu TNS McCain đắc cử.
Tồn tại qua các cuộc chiến tranh nóng và lạnh suốt 50 năm, Fidel Castro đã xác lập một vị trí nổi bật trong lịch sử chính trị thế giới - nhân vật huyền thoại thế kỷ 20, hiệp sĩ của quần chúng lao khổ, người đương đầu với 10 tổng thống Mỹ.
Cuba nằm sát nách Mỹ, cường quốc số 1 của thế giới, cách nhau hơn 90 hải lý. Vị trí địa-chiến lược này chi phối toàn bộ lịch sử Cuba hiện đại. Không phải Fidel không biết tình trạng bất thường của một nước nhỏ tồn tại đối địch với nước lớn láng giềng, nhưng lịch sử dường như đã không cho ông có sự lựa chọn khác.
Thoạt tiên, Fidel Castro không phải là cộng sản. Sau khi giành chính quyền ở Cuba, ông muốn thực hiện “loại cách mạng nhân đạo chủ nghĩa màu xanh ô liu”. 4 tháng sau khi thiết lập chính quyền mới, Fidel thăm Mỹ, bày tỏ mong muốn cùng Mỹ duy trì quan hệ. Chính quyền Eisenhower nhanh chóng công nhận ngoại giao Cuba.
Nhưng nước Cuba mới ra đời giữa cao trào của chiến tranh lạnh. Nền chính trị thế giới hình thành xa lộ một chiều: Hoặc đi bên làn đường của Mỹ, hoặc đi ngược lại, bên phía Liên Xô. Guồng máy quân sự và tình báo Mỹ bị hội chứng Chiến tranh Triêu Tiên. Tổng thống Kennedy tuyên bố khi nhậm chức: Mỹ sẽ đến bất cứ đâu, đương đầu với bất kỳ thế lực nào “để bảo vệ thế giới tự do”. Điệp viên CIA và lính đặc biệt của Mỹ được phái đến Nam Việt Nam, Lào, Mỹ Latinh và nhiều nơi khác với sứ mệnh chống Cộng.
Trong bối cảnh đó, không lạ khi cơ quan an ninh Mỹ tuyên bố không thể cùng tồn tại với Castro. Việc chính quyền mới ở Cuba tịch thu các tài sản thuộc về những người bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty Mỹ, gây lo ngại sâu sắc tại Washington về khuynh hướng chính trị của chính phủ mới tại Cuba. Năm 1960, chính quyền Mỹ ra lệnh cấm vận trong quan hệ thương mại với Cuba. Lệnh này cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng giữa hai nước lại được gia cố thêm đến mức không thể nào tháo gỡ nổi nếu không có những thay đổi đột phá ở phía này hoặc phía kia. Sau vụ Vịnh Con Lợn, Cuba đã trở thành vấn đề chính trị nội bộ Mỹ. TNS Obama nếu được đảng Dân chủ chỉ định ra tranh cử tổng thống, có thể gặp không ít chỉ trích từ cử tri cánh hữu do câu nói trong một cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên đảng Dân chủ, rằng ông ta sẵn sàng gặp lãnh đạo Cuba trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, nhưng ông đã thiếu một "câu khóa đuôi" như TNS Hillary.
Có nhiều cuộc chạm trán hoặc đối đầu giữa Cuba và Mỹ, khi gián tiếp, khi trực tiếp. Cuộc kháng chiến của Việt Nam chia lửa cho Cuba và Fidel tuyên bố “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" (2/1/1966). Sau chiến tranh Việt Nam, thừa lúc Mỹ suy yếu, Liên Xô đưa cách mạng sang Nam phần châu Phi. Cuba là lực lượng tiên phong.
Ngày 14/4/1961, mở đầu cho chiến dịch quân sự chống Cuba, máy bay B-26 ném bom các sân bay của Cuba. Hòn đảo này chỉ sót lại 8 máy bay và 7 phi công. Hai ngày sau đó, 1.400 người Cuba lưu vong đổ bộ lên Vịnh Con Lợn. 2 máy bay của Mỹ bị bắn hạ; mọi thành viên tham gia chiến dịch này bị giết, bị thương hoặc ra hàng. Sau thảm hoạ này, Allen Dulles, nhân vật huyền thoại phụ trách CIA, bị Tổng thống Kennedy sa thải. Vị tổng thống trẻ tuổi này có tầm nhìn vượt trội. Ông hoài nghi những kế hoạch phiêu lưu của giới quân sự và tình báo Mỹ tại Cuba cũng như Việt Nam. Nhưng, như chính một cố vấn xuất sắc của chính quyền Kennedy, nhà sử học Shlesinger từng nhận xét: Người ta suy cho cùng là "tù binh của thế hệ mình".
Vụ khủng hoảng tên lửa 1962 có thêm Liên Xô dính líu. Cường quốc này đã bí mật đưa sang lãnh thổ sát nách Mỹ 4 vạn quân với đầy đủ vũ khí, kể cả tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Tình báo Mỹ đã thiết kế một chiến dịch mang tầm chiến lược với mật danh “Con Cầy” nhằm tấn công quân sự Cuba. Nhưng cuộc dàn xếp ngoại giao lý trí giữa Nikita Khrushchev và John Kennedy đã tháo ngòi một cuộc đối đầu hạt nhân. Đó là những ngày “Vinh quang và đáng buồn” mà Che nhận xét trong bức thư giã biệt gửi Fidel sau này. Cuba đã cự tuyệt kiểm chứng quốc tế việc Liên Xô tháo dỡ tên lửa trên lãnh thổ Cuba, thay vào đó máy bay Mỹ giám sát việc tháo dỡ trên hải phận quốc tế sau khi tàu Liên Xô rời Cuba. Điều đáng buồn, đó là nước lớn thỏa hiệp trên lưng nước nhỏ khi đụng chạm quyền lợi quốc gia sát sườn.
Giờ đây, có thể “ngủ ngon hơn bao giờ hết” sau khi chuyển giao quyền lực cho Raul Castro, Fidel tình nguyện "làm người lính trên mặt trận tư tưởng”. Và bài báo đầu tiên của ông đề cập quan hệ Mỹ-Cuba và phê phán nền chính trị Mỹ./.

Không có nhận xét nào: