Thứ Ba, 26 tháng 2, 2008

Tin thế gới

http://www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/57/itemid/18/Default.aspx
Biểu tình phản đối Côxôvô độc lập lan rộng
24/02/2008 -- 8:34 PM
Hà Nội (TTXVN) - Một tuần lễ trôi qua kể từ khi tỉnh Côxôvô, trực thuộc CH Xécbia tuyên bố độc lập (17/2), các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp tục lan rộng ở Côxôvô và nhiều thành phố trên thế giới.
Ngày 23/2, hàng nghìn người sắc tộc Xécbia tại thị trấn Mitrovica, Côxôvô, nơi có đông người Anbani sinh sống, đã biểu tình hòa bình, giơ cao các biểu ngữ phản đối Côxôvô độc lập và ủng hộ việc Nga từ chối công nhận độc lập của Côxôvô .
Đây đã là ngày thứ sáu liên tiếp người Xécbia ở Côxôvô biểu tình phản đối Côxôvô độc lập. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được triển khai dọc cây cầu ngăn cách cộng đồng người sắc tộc Xécbia và Anbani ở Côxôvô đề phòng xảy ra đụng độ.
Cũng trong ngày 23/2, tại Nga, khoảng 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình do Đảng Cộng sản Nga tổ chức, để phản đối Côxôvô tuyên bố độc lập và phản đối Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào vấn đề Côxôvô.
Tại Hy Lạp, hơn một nghìn người, chủ yếu là các đảng viên Đảng cộng sản Hy Lạp (KKE) và Đoàn thanh niên cộng sản Hy Lạp (KNE) cùng ngày đã xuống đường biểu tình phản đối việc Côxôvô đơn phương tuyên bố độc lập, đòi NATO và Liên minh châu Âu (EU) rút khỏi Bancăng.
Hàng nghìn người cũng tham gia các cuộc biểu tình tương tự tại Zuerich, Thụy Sĩ và tại hai thành phố Stuttgart, Frankfurt của Đức./.

Trung-Nhật vẫn bất đồng về khai thác khí đốt
24/02/2008 -- 8:34 PM
Tôkiô (TTXVN) - Cuộc đối thoại chiến lược Trung-Nhật lần thứ 8 tại Bắc Kinh nhằm tìm biện pháp giải quyết tranh chấp về quyền khai thác khí đốt ở Biển Hoa Đông đã kết thúc ngày 23/2 mà không đạt được tiến triển nào cụ thể.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mitoji Yabunaka và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận vấn đề trên trong khuôn khổ “Đối thoại chính sách toàn diện”, khai mạc từ ngày 22/2.
Thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau cuộc đối thoại trên cho biết hai bên đã trao đổi với nhau rộng rãi về vấn đề biển Hoa Đông và đồng ý cần tiếp tục các nỗ lực nhằm sớm tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề này.
Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành hàng chục cuộc đàm phán chính thức về quyền khai thác khí đốt ở Biển Hoa Đông, nơi cả hai cùng tuyên bố đặc quyền kinh tế, mà không đạt được kết quả nào. Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết được tranh chấp này trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, dự kiến vào tháng 4 tới./.

Trung Quốc đề xuất cơ chế trao đổi với Mỹ và Nhật
23/02/2008 -- 9:39 PM
Hà Nội (TTXVN) - Nhật báo thương mại Nikkei của Nhật Bản ngày 23/2 đưa tin Trung Quốc đã đề nghị với Mỹ và Nhật Bản tiến hành các cuộc trao đổi cấp cao định kỳ về các vấn đề về CHDCND Triều Tiên, chiến lược năng lượng và môi trường.
Cũng theo báo trên, đề xuất này được đưa ra từ năm ngoái, kêu gọi tổ chức các cuộc thảo luận từ cấp thứ trưởng đến các quan chức cấp cao, hay thậm chí có thể ở cấp bộ trưởng ngoại giao hoặc người đứng đầu nhà nước.
Cho đến nay, giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ mới tồn tại các cơ chế hợp tác song phương mà chưa hề có cơ chế hợp tác ba bên như đề xuất trên./.

Triều Tiên phàn nàn về viện trợ năng lượng chậm
23/02/2008 -- 7:59 PM
Xơun (TTXVN) - Tại cuộc gặp ba bên Hàn Quốc-Trung Quốc-CHDCND Triều Tiên ở Bắc Kinh ngày 22/2, Triều Tiên nhắc lại rằng viện trợ năng lượng của các nước chậm so với tiến trình giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đại diện Hàn Quốc, ông Lim Sung-nam cho biết về cơ bản, lập trường của Triều Tiên là viện trợ chưa theo kịp tiến trình giải giáp hạt nhân. Bình Nhưỡng cho rằng đã thực hiện 80% cam kết giải giáp chương trình hạt nhân trong khi các bên mới đáp ứng 23% cam kết viện trợ năng lượng.
Theo thỏa thuận tại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản sẽ viện trợ năng lượng tương đương 1 triệu tấn dầu để đổi lấy việc Triều Tiên vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân Yongbyon và công khai toàn bộ các chương trình hạt nhân ngày 31/12/2007. Tuy nhiên, cho đến nay Triều Tiên mới nhận được 146.000 tấn, bao gồm 46.000 tấn của Mỹ và 100.000 tấn của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm ba nước Đông Bắc Á
23/02/2008 -- 7:57 PM
Hà Nội (TTXVN) - Phát biểu với các phóng viên trước thềm chuyến công du Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice ngày 22/2 cho biết các cuộc thảo luận của bà tại châu Á trong tuần tới sẽ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Bà đề nghị CHDCND Triều Tiên thực hiện các nghĩa vụ của mình trong cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vốn đang bế tắc hiện nay. Tuy nhiên, bà Rice đã bác bỏ khả năng sẽ gặp các quan chức Triều Tiên trong chuyến thăm sắp tới.
Theo kế hoạch, bà Rice sẽ tới Xơun ngày 25/2 để dự lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Bà cũng sẽ hội đàm với các đối tác ở châu Á về cách thức sử dụng khuôn khổ đàm phán 6 bên để đề cập về nguy cơ phổ biến công nghệ tên lửa và hạt nhân./.

Israel chế tạo máy phóng tên lửa Pinaka
Thứ ba, 26/02/2008
Hãng Công nghiệp quốc phòng Israel (IMI) – hãng chế tạo các hệ thống vũ khí có trụ sở tại Tel Aviv – dự định sẽ sử dụng công nghệ máy phóng tên lửa của Ấn Độ để nâng cấp và thay thế các hệ thống tên lửa của Mỹ đang được sử dụng.
Tatas – hãng sản xuất tên lửa hợp tác với Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ - sẽ chế tạo các máy phóng tên lửa Pinaka và Tatas cũng có thể trở thành một phần của nhóm sản xuất chung đối với hợp đồng vũ khí của Israel. Tên lửa Pinaka chủ yếu được sử dụng để phá hủy các khu vực tập trung kẻ thù và các trung tâm thông tin liên lạc tại các khu liên hợp. Pinaka là hợp đồng quốc phòng đầu tiên được cung cấp cho các công ty tư nhân tại Ấn Độ. Sư đoàn điện tử chiến lược Tata Power hiện đang chế tạo các máy phóng tên lửa Pinaka cùng với Larsen & Toubro. Gần đây, 2 công ty thuộc nhóm Tata: Tata Power và Tata Advanced Systems đã kí kết các thỏa thuận với Rafael và Công nghiệp hàng không Israel để chế tạo một loạt các sản phẩm quốc phòng.
Theo Vitinfo

Không có nhận xét nào: