Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2008

Nguy cơ chiến tranh vùng Vịnh: Mỹ sẽ tấn công Iran trên biển?

Những tin tức Mỹ muốn tấn công Iran gần đây lại nổi lên. Các quan chức Mỹ lâu nay không phủ nhận biện pháp quân sự vẫn là một lựa chọn. Iran cho tới nay vẫn không đáp ứng đòi hỏi của Mỹ từ bỏ chương trình hạt nhân mà nước này nói chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Mỹ còn buộc tội Iran trợ giúp quân nổi dậy ở Iraq, gây tình trạng bất ổn ở nước này.
Phóng viên Christopher Dickey của tờ Newsweek (Mỹ) cho rằng tình hình tại vùng Vịnh đang nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ sẽ tấn công Iran trước hết là trên biển?
Cuộc chiến sẽ nổ ra trước hết trên biển
Tháng 4-1988, tàu Hải quân Mỹ và Iran đụng nhau trong trận không chiến trên biển lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ II. Các máy bay tấn công của Mỹ đặt trên tàu vận tải đã đánh chìm tàu khu trục Sahand và làm tê tiệt tàu khu trục Sabalan, niềm tự hào của Hải quân Iran.
Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đầu tuần này khi nói đến việc Mỹ triển khai thêm tàu sân bay thứ hai đến vùng Vịnh đã nói rất ngắn gọn rằng “Tôi không coi đây là một sự leo thang. Tôi nghĩ nó được xem như lời nhắc nhở”.
Theo C. Dickey, ông Gates biết rõ điều này. Là Phó giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) năm 1988 ông đã trực tiếp chứng kiến sự phức tạp, nguy hiểm và đẫm máu trong cuộc chiến với Iran, dù là chiến đấu trong bóng tối hay giữa biển. Và bất kỳ ai ra khỏi cuộc chiến vùng Vịnh lúc đó có thể nhìn thấy sự giống nhau lúc đó và ngày nay. Nhưng nhìn lại cuộc chiến tranh không tuyên bố với Iran, thì chính xác ai được nhắc nhở về điều này ? Để từ đó rút ra bài học đúng đắn.
Những điều rút ra
Liên quan đến chiến tranh vùng Vịnh, nhà báo C. Dickey nhắc đến cuốn sách “Inside the Danger Zone: The U.S. Military in the Persian Gulf, 1987 – 1988” (Trong vùng nguy hiểm: Quân đội Mỹ ở vùng Vịnh, 1987 – 1988) do Harold Lee Wise viết, được Học viện Hải quân Mỹ phát hành hồi năm ngoái. Theo Dickey, cuốn sách không chỉ được nghiên cứu kỹ lưỡng mà còn rất hấp dẫn. Trong đó Wise bày tỏ lo ngại về tình hình xảy ra hiện nay.
Theo Wise, bất kỳ cuộc chiến nào với Iran hiện nay cũng liên quan đến trận chiến lớn trên biển. Có khoảng 40% nguồn cung dầu của thế giới đi ngang qua vùng Vịnh trên những tàu dầu, và những tàu này hẳn sẽ chịu đe dọa trực tiếp, dễ bị tổn thất. Wise nêu ra 3 bài học chủ yếu được đúc kết từ cuộc chiến 20 năm trước:
1. Thậm chí bị đánh bại, Iran cũng sẽ không lùi bước:Năm 1988 người Iran đã làm các quan chức tình báo Mỹ ngạc nhiên với sự linh hoạt và táo bạo của họ. Trong một cuộc đấu súng tháng 4-1988, một tàu tuần tra có trang bị tên lửa dẫn đường của Iran đã đối đầu với 3 tàu chiến Mỹ. Bất chấp radio cảnh báo rằng tàu Mỹ sẽ nhấn chìm nó, chỉ huy tàu tuần tra không đầu hàng và còn tấn công.
2. Vũ khí kỹ thuật thấp phát huy hiệu quả:Kỹ thuật hiện đại vẫn yếu kém trong việc do thám thủy lôi dưới biển. Nhưng thủy lôi không là vấn đề duy nhất. Trong những năm 1980, giống như hiện nay, người Iran đã dùng chiến thuật “ruồi bu” chống lại những tàu hải quân và tàu buôn lớn hơn, bằng cách đưa những tàu tương đối nhỏ có tốc độ cao vây quanh và gần tàu chiến Mỹ. Điều tương tự đã xảy ra hồi tháng 1 năm nay.
3. Cuộc chiến quyết liệt:
Năm 1988, cách hiệu quả nhất để đánh người Iran hóa ra là với những vũ khí tương tự như của họ. Lực lượng đặc biệt đã dùng trực thăng từ các bãi đậu xây dựng trên các tàu dầu lớn ở phía Bắc vùng Vịnh đã đánh sập hoạt động đặt thủy lôi của Iran ở đó.
Ngược lại, tàu tuần dương có trang bị tên lửa dẫn đường USS Vincennes trị giá hàng tỷ USD, đi săn lùng tàu Iran gần eo biển Hormuz, đã đánh một trận với một đám tàu vũ trang nhỏ Iran bu quanh vào tháng 7-1988 mà chẳng có kết quả gì. Điều đáng nhớ vào ngày đó là trong thời khắc nóng bỏng đó tàu Vincennes đã nhầm một máy bay dân sự với máy bay chiến đấu của Iran và bắn hạ, giết chết 290 người đi trên máy bay.
Tình hình ngày nay ở vùng Vịnh nguy hiểm hơn
Tất nhiên mọi việc đã thay đổi so với 20 năm trước, nhưng mức độ mơ hồ và nguy hiểm chẳng khác mà hiện nay có phần còn phức tạp hơn, nguy hiểm hơn.
Hồi đó Mỹ ủng hộ Saddam Hussein trong cuộc chiến chống Iran. Iran bị căm tức do đã giúp quân Herbullah ở Lebanon, buộc Mỹ phải ra khỏi nước này năm 1984; cũng như đã tiết lộ thỏa thuận của Mỹ đổi vũ khí lấy con tin.
Năm 1987, CIA bắt đầu chia sẻ thông tin tình báo với Saddam giúp Saddam chống Iran hiệu quả. Thực tế Mỹ đã khơi trận hải chiến lớn chống hạm đội tàu nhỏ của Iran vào tháng 4-1988 ngay cùng thời điểm S. Hussein mở cuộc tấn công lớn tái chiếm bán đảo Faw chiến lược.
Ngày nay chẳng còn Saddam, nhưng Iraq là vấn đề lớn. Chính quyền Iraq mà Mỹ giúp xây dựng rất gần gũi với người Iran. Lính Mỹ bị giết hầu như hàng ngày. Tình hình nguy hiểm nên bất kỳ cuộc đối đầu lớn nào với Iran trên đất liền cũng như trên biển đều sẽ làm cho cuộc sống trở thành địa ngục với lực lượng Mỹ ở vùng này. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là trên biển. 20 năm trước không có Al Qaeda, còn nay thì có. Và trong khi hầu hết các cuộc tấn công hủy diệt được tiến hành từ trên không thì đối phương cũng có kỹ thuật làm nổ tung tàu trên biển.
Tháng 10-2000, Al Qaeda đã tấn công tàu Mỹ USS Cole ở cảng Aden của Yemen, giết chết 17 thủy thủ; tháng 11-2002 Al Qaeda tấn công tàu dầu Pháp Limburg, giết một thành viên thủy thủ đoàn, làm bị thương hơn chục người.
Để bảo đảm an toàn, chống lại các mối đe dọa, Mỹ đã cho đặt các đội an ninh trên các tàu buôn mang cờ Mỹ. Các đội này làm việc với Hạm đội 5 trải từ kênh đào Suez đến Pakistan và từ Kuwait đến biên giới phía Nam Kenya. Nhưng có đến hàng chục ngàn tàu nhỏ trên những vùng nước đó. Đâu là Al Qaeda? Đâu là Vệ binh Cộng hòa Iran? Hoặc chỉ là tàu của dân đánh cá và tàu buôn?
Hải quân Mỹ đã có 20 thủy thủ thiệt mạng và các tàu nhỏ tấn công. Nhưng khi căng thẳng tăng lên thì những rủi ro tiềm ẩn càng nhiều. Dickey viết, đây không phải là tiên đoán. Chỉ là một nhắc nhở.
(Theo SGGP)