Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2008

Những cách kỷ niệm ngày Chiến thắng trong không gian hậu Xô Viết

Ngày Chiến thắng của họ - chiến thắng của mọi người
Bên cạnh lễ kỷ niệm hoành tráng nhất ở Nga trong Ngày Chiến thắng, các nước trong không gian hậu Xô Viết cũng có các hoạt động riêng. Đây là chiến thắng chung của tất cả mọi người.
Tại Turmenistan, Tổng thống Gourbangouly Berdymoukhammedov đã ra quyết định tặng một triệu manat (khoảng 190 USD) và một chỗ làm ở đài phát thành và đài truyền hình cho tất cả các cựu chiến binh trong Cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1941-1945. Turmenistan sẽ kỷ niệm 63 năm ngày Chiến thắng suốt một tuần liền. Tổng thống Turmenistan còn ân xá cho 900 người, có cả người nước ngoài. Ông cho rằng “các tù nhân cũ phải kỷ niệm một cách xứng đáng ngày đại lễ này trong gia đình, giữa những người thân của họ”.
Lãnh đạo Turmenistan không phải là người duy nhất cho rằng mình có nghĩa vụ quan tâm đến các cựu chiến binh. Tổng thống Azerbaidjan Ilham Aliev cũng sẽ gặp gỡ một nhóm cựu chiến binh ngày hôm nay 9/5 tại công viên Nagorny ở Bacu, trước công trình tưởng niệm đơn vị lính xe tăng Azi Aslanov, những người anh hùng của Liên Xô. 87 tiểu đoàn, 1.123 biệt đội tự vệ và 5 đơn vị bộ binh đã được điều đến lãnh thổ Azerbaïdjan và tham gia chiến đấu, mở rộng vùng Caucasus đến tận Berlin. Trong số 600.000 lính Azerbaidjan, một nửa đã hy sinh. Ngày nay, Nhà nước trao tặng cho các cựu chiến binh những chiếc ô tô Oka và nhà ở, đồng thời bảo vệ và gìn giữ tất cả các công trình kỷ niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Năm ngoái ở Tallinn, người ta đã đưa bức tượng Chiến sỹ bằng đồng tới khu nghĩa trang liệt sỹ, các công trình tưởng niệm tương tự ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ không chỉ được lưu giữ và bảo vệ nguyên trạng mà các chính quyền địa phương còn xây dựng thêm nhiều công trình mới. Các phi công ở căn cứ không quân Nga tại Kant (tại Kyrgyzstan) vừa khai trương một công trình kỷ niệm các chiến sỹ hy sinh trên các mặt trận trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Người Kyrgyzstan đã đóng góp đáng kể vào chiến thắng. Vả lại, sau “cuộc cách mạng hoa tuy líp” năm 2005, sự ủng hộ dành cho cựu chiến binh tại nước cộng hòa này đã giảm đi đáng kể. Nhà nước giao nhiệm vụ này cho nhiều bộ ngành, như cơ quan viễn thông. Trong tình trạng khủng hoảng hiện nay, nhà nước không có điều kiện. Vì thế, cựu chiến binh chỉ được nhận từ chính quyền Kyrgyzstan một bó hoa nhỏ và một khoản trợ cấp khiêm tốn.
Các hoạt động kỷ niệm ngày Chiến thắng thường diễn ra khá hoành tráng tại Kazakhstan và Belarus. Ông Akhmetjan Essimov đã tự tay giao tặng chìa khóa các căn hộ mới cho các cựu chiến binh của Lực lượng vũ trang Kazakhstan. Tất cả các cuộc diễu hành nhân ngày Chiến thắng tại Minsk đều diễn ra với khẩu hiệu “Chúng ta đã chiến thắng!”. Ngày hôm nay vào lúc 12h giờ địa phương, Tổng thống Belarus sẽ tham gia một cuộc diễu hành cùng với các cựu chiến binh trên đại lộ Độc lập. Ngày thiêng liêng này đối với người Belarus sẽ kết thúc bằng một màn pháo hoa ở khắp các thành phố trên cả nước.
Các lãnh đạo chính trị và quân sự Armenia sẽ đón chào các đơn vị quân đội của Armenia cùng diễu binh với lực lượng quân đội Nga được huy động đến nước này tại Erevan. Năm 2007, số tiền trợ cấp dành cho cựu chiến binh đã tăng từ 3.000-3.800 dram (khoảng 12 USD).
Tên của tất cả những người Uzbekistan hy sinh trong cuộc Chiến tranh thế giới hai được khắc trên các trang vàng của cuốn Sách Lưu niệm đặt tại quảng trường trung tâm Tashkent.
Tại Chisinau (Moldova), các đoàn đại biểu của Moldova, Nga, Ukraine và Belarus sẽ cùng tham dự vào liên hoan truyền thống mang tên “Những bài hát về Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu – Viktoria-63”, và cùng trồng cây trên đường dẫn vào Khu tưởng niệm trung tâm vinh danh quân đội “Vĩnh hằng”. Ngày 9/5, tại công viên này sẽ diễn ra một cuộc mít tinh với sự tham dự của Tổng thống Moldova Vladimir Voronin.
Càng lùi về quá khứ, vào lúc mà Mikhaïl Egorov và Militon Kantaria cắm lá cờ đỏ trên mái tòa Reichstag (hiện nay là trụ sở Hạ viện Đức), số người từng tham gia và chứng kiến sự kiện này càng ít. Hiện nay, chỉ còn 13.000 cựu chiến binh ở Gruzia. Năm ngoái, các tổ chức cựu chiến binh đã nhiều lần đề nghị chính quyền quan tâm hơn đến những vấn đề mà họ gặp phải. Trước cuộc bầu cử tổng thống, trong chương trình tranh cử tháng 11/2007, ông Mikhaïl Saakachvili hứa với cựu chiến binh là sẽ có những giải pháp nhằm cải thiện tình hình xã hội và khôi phụ một số ưu đãi cho cựu chiến binh. Năm nay, cựu chiến binh không được mời tham gia bữa tối trang trọng tại Tbilisi. Chủ tịch Quốc hội Gruzia Nino Bourdjanadzé sẽ gặp gỡ họ, bởi hơn 12.000 lá phiếu của đối tượng này sẽ rất có giá trị trong cuộc tranh cử của bà hướng tới cuộc bầu cử lập pháp ngày 21/5 tới.
Tại các nước Baltic, ngày 9/5 không được coi là một ngày đặc biệt dù đối với một phần dân số nước này, ngày Chiến thắng vẫn luôn được coi là một ngày lễ. Quốc hội ở Riga đã nhận được nhiều lời đề nghị tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Ủy ban Chống phát xít của Litva sẽ tổ chức một hoạt động trước đài tưởng niệm Người giải phóng. Tại Tallinn, người ta sẽ đặt hoa tại nghĩa trang liệt sỹ, nơi bức tượng Chiến sỹ bằng đồng đã được chuyển đến năm ngoái.
Ukraine đang xem lại thái độ với quá khứ. Ngày càng có những lời kêu gọi dỡ bỏ các khu tưởng niệm gợi lại chế độ độc tài. Tuy nhiên, Ngọn đuốc vinh quang sẽ vẫn được thắp sáng tại Kiev vào ngày hôm nay và sẽ có một cuộc diễu hành của cựu chiến binh ở Krechtchatik, đường phố chính của thủ đô Kiev.
Nga và Ukraine là hai nước cống hiến nhiều nhất cho Chiến thắng trước phát xít Đức. Chính vì vậy, người Nga không hài lòng khi biết chính quyền Ukraine đã quyết định công nhận Stepan Bandera và Roman Choukhevitch (hai kẻ tòng phạm với phát xít) là anh hùng dân tộc.
Các quốc gia độc lập mới trong không gian hậu Xô Viết có quan điểm khác nhau về cuộc chiến 1941-1945 và có cách riêng để tổ chức ngày Chiến thắng. Những chiến sỹ Hồng quân Liên Xô đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và họ không chỉ bảo vệ cho tổ quốc mình mà cho tự do và hòa bình của tất cả mọi người. Chính vì thế, Chiến thắng là dành cho chung mọi người.
(Theo Tổ Quốc)